Tăng cường thanh tra thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo

Cập nhật: 03/11/2020 08:49

Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH Nguyễn Tiến Tùng vừa ký văn bản gửi Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 phù hợp với kế hoạch công tác của địa phương, trong đó tăng cường thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo.

Năm 2021, toàn ngành Thanh tra LĐTB&XH sẽ tiếp tục thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
Ảnh: Internet

Tiếp tục thanh tra toàn diện chính sách người có công

Đối với hoạt động thanh tra hành chính, Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH hướng dẫn toàn ngành LĐTB&XH thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, công vụ được giao; trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức, viên chức trong ngành trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công tác tổ chức cán bộ, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và xây dựng cơ bản.

Đối với thanh tra chuyên ngành về lao động, tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng nhằm ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của con người.

Tiếp tục triển khai, hướng dẫn tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động trên trang thông tin điện tử http://kiemtraphapluatlaodong.gov.vn, qua đó phân tích, đánh giá kết quả tự kiểm tra trực tuyến và gửi kiến nghị đến doanh nghiệp, tổng hợp tình hình tự kiểm tra tại các cơ sở lao động đóng trên địa bàn gửi Thanh tra Bộ LĐTB&XH.

Tiếp tục thanh tra toàn diện việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ưu đãi người có công với cách mạng trong phạm vi toàn quốc, đảm bảo đến hết năm 2021, toàn bộ hồ sơ đối tượng này được kiểm tra, rà soát và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với lĩnh vực trẻ em, thanh tra ngành LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tập trung thanh tra việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo Quyết định số 1853/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

“Đối với lĩnh vực giảm nghèo, toàn ngành sẽ tiếp tục thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo đến hết năm 2022, 100% số hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương được thanh tra”, Thanh tra Bộ LĐTB&XH lưu ý.

Ngoài ra, toàn ngành LĐTB&XH thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với các cơ quan bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý, chú trọng thanh tra các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, số tiền nợ bảo hiểm xã hội lớn.

Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp, trong đó trọng tâm là thanh tra việc gắn giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm.

Nhận diện các vị trí có nguy cơ tham nhũng và giải pháp phòng ngừa

Đối với các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành LĐTB&XH, lựa chọn những vấn đề, nội dung đang gây bức xúc, được dư luận quan tâm để xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2021 cho phù hợp.

Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Tăng cường đối thoại; Kịp thời kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

Bên cạnh đó, toàn ngành LĐTB&XH đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng việc rà soát, nhận diện các vị trí có nguy cơ tham nhũng và giải pháp phòng ngừa, coi đây là một khâu quan trọng cần phải thực hiện nghiêm. Điều chuyển, luân chuyển vị trí việc làm theo quy định của pháp luật và yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Thực hiện giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra, đảm bảo các cuộc thanh tra đều được giám sát theo quy định của pháp luật. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, xử lý nghiêm các đối tượng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ quyết định thanh tra, quyết định xử lý, xử phạt vi phạm hành chính, kết luận thanh tra.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thanh tra viên, công chức được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Từng bước xây dựng đội ngũ thanh tra chuyên nghiệp, giữ vững kỷ cương, liêm chính, đạo đức nghề nghiệp trong công tác thanh tra.

theo Phương Anh – Báo Thanh tra

https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/tang-cuong-thanh-tra-thuc-hien-chinh-sach-ho-tro-giam-ngheo-173621.html

Tin liên quan