Ảnh minh họa |
Luật sư Bùi Văn Đoàn – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời: Nhiều người cho rằng, việc làm hoa từ tiền thật vừa đẹp lại vừa có giá trị kinh tế, do đó việc tặng hoa từ tiền thật trở nên khá phổ biến. Các bó hoa được làm từ các đồng tiền có mệnh giá từ nhỏ đến lớn với chất liệu bằng tiền giấy hoặc tiền polime.
Tuy nhiên, trong quá trình kết hoa những tờ tiền mới được dán băng dính vào que và cuộn tròn lại sẽ dễ dẫn đến bị rách, biến dạng và gây khó khăn trong việc lưu thông tiền tệ. Khoản 2 Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg nêu rõ nghiêm cấm hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào. Theo đó, có thể hiểu hành vi hủy hoại tiền là các hành vi được thực hiện một cách cố ý như: xé, cắt, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền,…
Như vậy, pháp luật hiện hành không có quy định cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, nếu việc làm hoa bằng tiền Việt Nam (cắt, xé, dán,…) dẫn đến việc tiền Việt Nam bị hủy hoại thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, về hình thức xử phạt bổ sung có thể bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện theo quy định.