Các đơn vị thi công đường ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh MAI LUẬN) |
Năm 2022, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và hai tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang đều là những địa phương có tốc độ giải ngân chậm hoặc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của cả nước. Vì vậy, trong năm 2023, các địa phương đặt quyết tâm cao cải thiện tình hình, đề ra nhiều giải pháp đột phá và triển khai quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm.
Tìm cách tháo gỡ các nút thắt
Xác định rõ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội năm 2022 chưa cao là do một số chủ đầu tư và đơn vị chưa thật sự quyết liệt trong giải phóng mặt bằng; sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị chưa tốt, vì vậy, năm 2023 Hà Nội đẩy mạnh phân cấp đầu tư và quản lý đầu tư, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023; giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là 46.956 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy định phân cấp đầu tư và quản lý đầu tư cho cấp huyện trong chín lĩnh vực liên quan các vấn đề dân sinh, với ít nhất 210 nhiệm vụ chính được phân cấp; thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708 thủ tục trong tổng số 1.910 thủ tục hành chính, đạt 37%. Qua đó, tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai, rút ngắn thời gian giải quyết, tiết kiệm thời gian, chi phí khi triển khai các dự án đầu tư.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 thấp, chỉ đạt tỷ lệ 71,3% tổng kế hoạch vốn được giao, trong đó có 23 đơn vị có tỷ lệ giải ngân từ 50% đến 80% và 31 đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Để không tái diễn tình trạng như năm 2022, thành phố đề ra các giải pháp mới để thúc đẩy tiến độ giải ngân.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, từ cuối năm 2022, Sở đã đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố cắt giảm kế hoạch vốn các dự án không có nhu cầu cấp bách, không có khả năng triển khai, hoặc bố trí nhiều hơn nhu cầu vốn thực tế, đồng thời, rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công so với quy định hiện hành, tránh tình trạng vốn chờ thủ tục.
Một trong những “nút thắt” làm chậm việc giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, được thành phố quyết liệt tháo gỡ.
Mới đây, Ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giám sát tiến độ thi công các công trình trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Tại buổi giám sát, khi phát hiện ba công trình cầu: Nam Lý, Ông Nhiêu và Tăng Long thi công chậm do không có mặt bằng, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố Lê Trương Hải Hiếu đã yêu cầu Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của thành phố Thủ Đức phải báo cáo chính xác, cam kết ngày bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Từ yêu cầu này, lãnh đạo thành phố Thủ Đức cam kết sẽ nỗ lực bàn giao mặt bằng cuối tháng 3, phấn đấu hoàn thành công trình vào tháng 9/2023.
Trước đây, thông thường sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua kế hoạch chi tiết đầu tư thì phải khoảng một đến hai tuần sau, Ủy ban nhân dân tỉnh mới giao kế hoạch cụ thể tới các địa phương, chủ đầu tư. Nhưng nay, tỉnh đã đổi mới ngay việc này, buổi sáng Hội đồng nhân dân thông qua, thì buổi chiều Ủy ban nhân dân tỉnh đã họp và giao kế hoạch ngay.
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Bắc Kạn Trần Công Hòa cho biết, làm theo cách này thì các bộ phận tham mưu, giúp việc sẽ vất vả hơn, nhưng bù lại sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị thủ tục để các công trình, dự án có thêm thời gian thi công sớm. Điều này góp phần tăng tốc tỷ lệ giải ngân ngay từ đầu năm.
Với quan điểm không “khoán” việc giải ngân cho chính quyền, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã thành lập Ban chỉ đạo các dự án giao thông trọng điểm do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Ngay sau Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo đã họp và chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các dự án.
Hiện nay tỉnh tập trung thực hiện ba dự án trọng điểm, đó là: Dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn-hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang); Dự án xây dựng tuyến đường Quảng Khê-Khang Ninh, huyện Ba Bể; Dự án xây dựng hạ tầng giao thông khu vực chung quanh hồ Ba Bể với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Việc giải ngân tốt các dự án này đồng nghĩa tỷ lệ giải ngân cả tỉnh sẽ đạt cao vào cuối năm.
Dồn lực cho các công trình trọng điểm
Việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã tạo chuyển biến tại các địa phương.
Đến đầu tháng 3/2023, thành phố Hà Nội giải ngân được khoảng 3.900 tỷ đồng, đạt 6% kế hoạch năm 2023. Trong đó, thành phố ưu tiên đốc thúc các dự án trọng điểm gồm đường vành đai 4-Vùng Thủ đô (gọi tắt là đường vành đai 4), cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2… Các quận, huyện có đường vành đai 4 đi qua đang quyết liệt vào cuộc, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 để khởi công dự án, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2023.
Tính đến đầu tháng 3/2023, Hà Nội đã phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng với diện tích 236,26ha, bàn giao 276ha mặt bằng cho chủ đầu tư (đạt 34,65% tổng mặt bằng của dự án). Tất cả các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ dự án đường vành đai 4 cũng đã được phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ. Tại dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, công trường thi công rộn rã với hàng trăm công nhân làm ba ca/ngày.
Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, đến nay, dự án đã được giải ngân 62,5% kế hoạch vốn năm 2023, đơn vị tập trung đôn đốc tiến độ thi công, phấn đấu hợp long các nhịp chính của cầu trước ngày 30/6 và hoàn thành công trình trước ngày 2/9/2023.
Những ngày này, trên công trường cầu Cốc Phát và cải tạo tỉnh lộ 258B kết nối huyện Ba Bể và huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) có tổng mức đầu tư hơn 136 tỷ đồng, không khí thi công hết sức khẩn trương. Ông Nguyễn Văn Chắn (Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và phát triển Phương Bắc) cho biết: Đơn vị triển khai thi công ngay từ ngày mồng 8 Tết Nguyên đán. Tranh thủ thời tiết khô ráo, thi công thuận lợi, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công trình đúng kế hoạch trong năm 2023.
Hầu hết các địa phương đều đưa việc hoàn thành kế hoạch giải ngân là một trong các tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, nếu tỷ lệ giải ngân của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư đến hết niên hạn ngân sách năm 2023 không đạt tối thiểu 90% kế hoạch được giao thì lãnh đạo các đơn vị đó bị xếp loại cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Việc không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tiếp là một trong những trường hợp để xem xét miễn nhiệm cán bộ theo quy định.
Tỉnh Hà Giang còn yêu cầu cao hơn, trường hợp kết quả giải ngân năm 2023 của đơn vị đạt dưới 100% kế hoạch vốn được giao thì người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm trước tỉnh và không xét hoàn thành tốt nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan.
Cùng với việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng công trình, tránh thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, tháo gỡ ngay những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có tổng mức đầu tư lớn.
Thành phố Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở chuyên ngành theo dõi ngành, lĩnh vực về tiến độ thực hiện các dự án, kết quả giải ngân, ước giải ngân của tháng định kỳ trước ngày 5 hằng tháng. Trong đó nêu rõ các khó khăn, vướng mắc, cơ quan chủ trì giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của từng dự án (nếu có). Thành phố công bố công khai số liệu giải ngân hằng tháng của từng dự án, từng chủ đầu tư.
Tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngay trong tháng 2, tỉnh đã thành lập bốn đoàn công tác đi kiểm tra tại 11 huyện, thành phố và 27 xã. Qua báo cáo của các đoàn kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, tham mưu phân bổ hoặc điều chỉnh nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia cho các đơn vị dự toán theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức hướng dẫn từng chương trình. Đôn đốc, theo dõi tổng thể kết quả triển khai và giải ngân nguồn vốn sự nghiệp. Kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đối với từng chương trình.