Sân bay Vân Đồn. |
Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị diễn ra sáng 12/2 tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng, ý tưởng và tầm nhìn mới, có tính đột phá trong phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng. Các địa phương cần linh hoạt, chủ động biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng, lợi thế thành động lực để Vùng đồng bằng sông Hồng thật sự phát triển đột phá, khẳng định vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước”.
Để Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, các quan điểm, nhiệm vụ của Nghị quyết số 30-NQ/TW được cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực, gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố, là vùng giao thoa với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô Hà Nội nên có vị trí thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế và có vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Chính vì vậy, khu vực này những năm qua được ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Theo thống kê giai đoạn 2005-2020, ngân sách trung ương đã huy động khoảng 137 nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông trong vùng, tạo ra sự thay đổi lớn với nhiều công trình quan trọng được đưa vào khai thác. Cụ thể, đã đưa vào khai thác 9 tuyến đường cao tốc, dài 576km; 25 tuyến quốc lộ, dài 2.133km; cải tạo, nâng cấp 6 tuyến đường sắt quốc gia; đầu tư hình thành 4 cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, trong đó cảng Hải Phòng là cảng cửa ngõ quốc tế; khai thác 3 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn;…
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố, là vùng giao thoa với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô Hà Nội nên có vị trí thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế và có vai trò đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng còn một số hạn chế, chưa đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Các công trình hạ tầng khung giao thông lớn kết nối các địa phương, các đô thị lớn trong vùng chưa được đưa vào khai thác (đường vành đai 4 và 5); đầu tư đường sắt kết nối cảng hàng không, cảng biển chậm; đường thủy nội địa khai thác hạn chế; hệ thống vận tải hành khách công cộng đô thị chưa hiệu quả,…
Để tạo động lực tăng trưởng cho vùng trong thời gian tới, trước hết cần đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong quy hoạch, quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phân cấp, phân quyền cho các địa phương đầu tư xây dựng các công trình giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn để phát huy tính chủ động.
Đồng thời, cần xây dựng cơ chế, chính sách đột phá nhằm đa dạng nguồn lực, huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực, quyết tâm đầu tư hoàn thành các tuyến vành đai (vành đai 4 và 5), cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, Nội Bài-Hạ Long,…
Ngoài ra, tiếp tục đầu tư nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; khai thác hiệu quả cảng cửa ngõ Lạch Huyện và tiếp tục đầu tư các bến cảng tại cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh; nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi;… nhằm hướng tới mục tiêu phát triển mạng lưới giao thông vận tải của vùng đến năm 2045 đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đầu tàu về đổi mới sáng tạo
Vùng đồng bằng sông Hồng hiện cũng là khu vực đi đầu cả nước trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Toàn vùng có hơn 500 tổ chức khoa học-công nghệ, 291 tổ chức nghiên cứu phát triển (R&D), có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
Tốc độ đổi mới công nghệ (giai đoạn 2016-2020) của vùng đạt 51,7%, tỷ lệ đóng góp của khoa học-công nghệ (thông qua chỉ số TFP) vào tăng trưởng kinh tế vùng giai đoạn 2016-2020 đạt 48,1%. Tuy nhiên, tiềm lực khoa học-công nghệ của một số tổ chức do các địa phương quản lý còn yếu, cơ sở vật chất, thiết bị nghèo nàn, trình độ nhân lực thấp.
Tỷ lệ đầu tư cho khoa học-công nghệ còn thấp, chưa tương xứng tốc độ phát triển kinh tế của vùng; có ít sản phẩm khoa học-công nghệ mang tính đột phá được thương mại hóa, doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Đặc biệt, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nội địa trong vùng chỉ ở mức trung bình, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường yếu.
Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển không chỉ quan trọng đối với Vùng đồng bằng sông Hồng mà còn có ý nghĩa cho cả nước.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt
heo định hướng, mục tiêu mà Nghị quyết số 30-NQ/TW đặt ra, xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu dự báo sẽ diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, mang lại các cơ hội lựa chọn và tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam cũng như vùng đồng bằng sông Hồng.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo động lực phát triển không chỉ quan trọng đối với Vùng đồng bằng sông Hồng mà còn có ý nghĩa cho cả nước. Để thúc đẩy Vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, cần phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo mô hình mở, là đầu mối quan trọng của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, có hạ tầng hiện đại và thông minh.
Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế; kết nối các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thống nhất nhu cầu về nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp,… Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam Keiju Mitsuhashi nhận định, Vùng đồng bằng sông Hồng có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam.
Toàn vùng có hơn 90 khu công nghiệp, khu kinh tế, thu hút gần 12 nghìn dự án FDI, chiếm 33,6% tổng số dự án FDI cả nước. Trong thời gian tới, ADB sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các địa phương để xem xét, tài trợ cho 4 dự án trong vùng nhằm hỗ trợ giải quyết tác động của biến đổi khí hậu, kết nối vùng và phát triển đô thị. ADB cũng đang hỗ trợ nhiều dự án như hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội, phát triển các đô thị hành lang tại Quảng Ninh hay dự án phát triển đô thị tại Hưng Yên,… góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chương trình hành động đã thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong điều hành phát triển của từng địa phương trong vùng; tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động từ các cơ quan trung ương tới các địa phương trong vùng.
Theo đó, sẽ tập trung phát triển các ngành kinh tế theo Quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương; đẩy mạnh liên kết nội vùng và liên vùng, coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển.
Tiếp tục phát triển vùng theo các tiểu vùng, trong đó Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước, là đầu tàu thúc đẩy vùng nam đồng bằng sông Hồng và là động lực phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng; cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Phát triển kinh tế biển bền vững theo quy hoạch, phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics, phấn đấu phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á,…