Ảnh minh họa.
Về thẩm quyền của Giám đốc Công an tỉnh được pháp luật ghi nhận như thế nào, theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại khoản 4, Điều 26, Luật Công an Nhân dân năm 2018 quy định, người có thẩm quyền phong, thăng cấp bậc hàm nào thì có thẩm quyền giáng, tước cấp bậc hàm đó; mỗi lần chỉ được thăng, giáng 01 cấp bậc hàm, trừ trường hợp đặc biệt mới xét thăng, giáng nhiều cấp bậc hàm. Người có thẩm quyền bổ nhiệm chức vụ nào thì có thẩm quyền miễn nhiệm, cách chức, giáng chức đối với chức vụ đó.
Bên cạnh đó, Điều 26, Luật Công an nhân dân 2018 cũng quy định về thẩm quyền phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm, nâng lương sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ; bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh trong Công an nhân dân như sau: Chủ tịch nước phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng đối với sĩ quan Công an nhân dân; Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an; quyết định nâng lương cấp bậc hàm Đại tướng, Thượng tướng.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định nâng lương cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng; quy định việc phong, thăng, nâng lương các cấp bậc hàm, bổ nhiệm các chức vụ, chức danh còn lại trong Công an nhân dân.
Cũng theo Luật sư, hiện tại Luật Công an Nhân dân chưa nêu rõ quy định Giám đốc Công an tỉnh có thẩm quyền cách chức đối với các chức vụ Công an tại địa phương ra sao. Tuy nhiên, trong phạm vi địa bàn tỉnh do mình quản lý thì thẩm quyền kỷ luật, cách chức cán bộ Công an cấp xã phường thuộc thẩm quyền của Giám đốc Công an tỉnh. Bởi, Giám đốc Công an tỉnh là người đứng đầu Công an tỉnh, thành phố. Do đó, Giám đốc Công an tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quản lý, điều hành lực lực Công an tại địa phương.
theo QUẾ VÕ – Tạp chí luật sư VN