Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng kết quả xác minh tố cáo lãnh đạo tỉnh Hòa Bình

Cập nhật: 10/05/2021 08:39

– Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện của UBND tỉnh Hòa Bình và Bộ Tài chính về việc thực hiện các kiến nghị sau khi xác minh tố cáo.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình rà soát lại việc phân bổ kinh phí hỗ trợ khắc phục các công trình ảnh hưởng bởi thiên tai. Ảnh: ĐQ

Trước đó, ngày 6/8/2018, Thanh tra Chính phủ ban hành Báo cáo số 1275 về kết quả xác minh nội dung tố cáo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình.

Báo cáo số 1275 đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý và có ý kiến chỉ đạo cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện.

Cần báo cáo rõ việc xử lý trách nhiệm cán bộ

Theo báo cáo, UBND tỉnh Hòa Bình đã rà soát đối với kiến nghị “rà soát lại việc phân bổ kinh phí hỗ trợ khắc phục các công trình ảnh hưởng bởi thiên tai theo đúng mục tiêu hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ; cân đối ngân sách địa phương để bố trí vốn cho các dự án trong danh sách Thủ tướng Chính phủ mà UBND tỉnh Hòa Bình đã sử dụng kinh phí của những dự án này cho một số dự án ngoài ngân sách báo cáo Thủ tướng Chính phủ như đã nêu trong kết luận; kiểm tra, xác minh nguyên nhân chậm thực hiện đối với các công trình cấp bách cần sửa chữa, khắc phục do thiên tai gây ra năm 2017; đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ cho địa phương”.

Năm 2017, tỉnh được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra 3 đợt, với tổng kinh phí hỗ trợ là 260 tỷ đồng. Việc phân bổ kinh phí của tỉnh căn cứ các văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ và tình hình thực tế phát sinh tại địa phương.

Đợt 1, số tiền 50 tỷ đồng theo Quyết định số 1313/QĐ-TTg ngày 7/9/2017, UBND tỉnh Hòa Bình đã phân bổ cho 12 công trình trong đó có 2 công trình không thuộc 12 danh mục được ưu tiên tại Tờ trình số 81/TWPCTT ngày 7/8/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhưng vẫn thuộc danh mục báo cáo đề nghị Trung ương hỗ trợ.

 Năm 2017, mưa bão, thiên tai làm thiệt hại lớn cả về người và của tại Hòa Bình. Ảnh: Báo Hòa Bình

Đợt 2, số tiền 200 tỷ đồng theo Quyết định số 1941/QĐ-TTg ngày 2/12/2017, UBND tỉnh Hòa Bình cắt chuyển hỗ trợ của 4 công trình (20 tỷ đồng) tại huyện Đà Bắc hỗ trợ cho 12 công trình giao thông không nằm trong danh mục xin hỗ trợ báo cáo Thủ tướng Chính phủ do yêu cầu cấp bách của địa phương cần khắc phục ngay các công trình giao thông có hư hỏng nặng, là các tuyến đường trục chính có mật độ lưu thông giữa các địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, các công trình hỗ trợ đã được thực hiện hoàn thành thi công xây dựng và phát huy được hiệu quả của nguồn vốn đầu tư, giúp nhân dân vùng bị thiên tai ổn định sản xuất và đời sống.

UBND tỉnh Hòa Bình đề xuất Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng số kinh phí được hỗ trợ theo danh mục đã được UBND tỉnh phê duyệt để hỗ trợ cho các huyện, thành phố thực hiện sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, đê, kè, đập khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các huyện, thành phố.

Theo báo cáo tại Văn bản số 1725 ngày 25/10/2019, tỉnh Hòa Bình vẫn chưa cân đối được nguồn vốn đế tiếp tục thực hiện 4 công trình tại huyện Đà Bắc; tỉnh sẽ tiếp tục cân đối, bố trí 20 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công ngân sách tỉnh năm 2020 để thực hiện 4 dự án. Đến nay, tỉnh Hòa Bình chưa có báo cáo bổ sung kết quả thực hiện nội dung này.

Về nội dung kiểm tra, xác minh nguyên nhân chậm thực hiện đối với các công trình cấp bách cần sửa chữa, khắc phục do thiên tai gây ra năm 2017; đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Chính phủ hỗ trợ cho địa phương, theo UBND tỉnh Hòa Bình, năm 2017, địa phương có 88 công trình cấp bách cần sửa chữa do thiên tai đã được bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện.

 Năm 2017, tỉnh Hòa Bình được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra 3 đợt, với tổng kinh phí hỗ trợ là 260 tỷ đồng. Ảnh: Báo Hòa Bình

Đến ngày 16/11/2018, 11 công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; 25 công trình đang triển khai và 52 công trình thực hiện dưới 50% khối lượng thi công.

Nguyên nhân chậm tiến độ thực hiện đối với các công trình là do các dự án mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các quy định hiện hành. Sau khi dự án được phê duyệt, triển khai thi công thì vào thời điểm mùa mưa bắt đầu (tháng 6/2018), trong quá trình thi công thì ảnh hưởng của cơn bão số 3 và 4. Đến thời điểm 25/10/2019, các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo đã đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Chính Phủ hỗ trợ cho địa phương.

Đối với kiến nghị xử lý về trách nhiệm, tại Báo cáo số 1275, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình tập thể UBND tỉnh Hòa Bình; ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phải rút kinh nghiệm nghiêm túc về những hạn chế, vi phạm đã nêu ra trong báo cáo; Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như được nêu trong báo cáo để xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm làm rõ trách nhiệm đối với 6 đơn vị và 23 cá nhân có thiếu sót, vi phạm.

Tập thể lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng đã nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về các nội dung, để xảy ra hạn chế, thiếu sót.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức họp kiểm điểm đối với tập thể Chi cục Thủy lợi và 4 cá nhân.

Các sở, ngành, đơn vị, địa phương có 4 đơn vị đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 5 tập thể và 15 cá nhân gồm: Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình; UBND huyện Tân Lạc; UBND huyện Đà Bắc; UBND huyện Yên Thủy.

Thanh tra Chính phủ thấy, đối với tập thể lãnh đạo UBND tỉnh đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm (không có hình thức xử lý kỷ luật). Các đơn vị, cá nhân có liên quan đã tổ chức kiểm điểm tuy nhiên chưa thể hiện kết quả xử lý trách nhiệm.

Bộ Tài chính cần rà soát việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương

Sau báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phổi hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian qua.

 Đến trước mùa mưa bão 2018, nhiều công trình đã được khắc phục. (Trong ảnh là công trình ngầm thuộc tuyến đường Trường Sơn A trên địa bàn huyện Lương Sơn). Ảnh: ĐQ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, Bộ đã chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra về tình hình sử dụng kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tại 5 địa phương Yên Bái, Sơn La, Nam Định, Quảng Ngãi, Bình Định.

Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Thanh tra Chính phủ kết quả kiểm tra.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện dứt điểm các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì rà soát việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian qua theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại báo cáo này, Bộ Tài chính báo cáo kết quả kiểm tra thực tế tại 5 địa phương và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Nhắc nhở từng địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc để xảy ra một số tồn tại, đồng thời rà soát các dự án khẩn cấp sử dụng vốn ngân sách Trung ương, hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định. Thu hồi lãng phí đã hỗ trợ đối với những trường hợp sử dụng sai đối tượng, chưa phù hợp với đề xuất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai khoản kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn vụ Đông Xuân năm 2016 – 2017 là 43,8 tỷ đồng, (trong đó tỉnh Yên Bái là 17,8 tỷ đồng, tỉnh Nam Định là 26 tỷ đồng); khoản khắc phục thiệt hại do bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất sử dụng không đúng nội dung ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh Sơn La là 45 tỷ đồng.

Ngoài 5 địa phương nói trên, năm 2017 có 43 địa phương khác được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai.

Bộ Tài chính đã có Công văn số 13928 ngày 13/11/2018 đề nghị các địa phương tự rà soát, kiểm tra và có báo cáo gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ…

theo Đan Quế – Báo Thanh tra

Tin liên quan