Thanh tra Chính phủ: Công khai kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước về đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Cập nhật: 05/03/2021 11:43

Chiều ngày 4/3, tại Hà Nội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Ngọc Liêm đã chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 6 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên.

Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra. Ảnh: PV

Kết luận thanh tra số 2112/KL-TTCP đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý tại Văn bản số 87/VPCP-V.I ngày 6/1 của Văn phòng Chính phủ.

Chưa thực sự quan tâm quyền lợi hợp pháp của người lao động

Giai đoạn năm 2013 – 2018, công tác quản lý Nhà nước về NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) quan tâm thực hiện.

Tuy nhiên, trong thời gian thanh tra, Bộ LĐTB&XH không báo cáo với Thủ tướng Chính phủ khi không xây dựng được chiến lược, kế hoạch về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Chậm kiến nghị sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Ban hành một số văn bản hành chính thủ tục hành chính không đúng quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, Bộ LĐTB&XH chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; không có biện pháp giải quyết triệt để, không báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp đàm phán với nước ngoài để giảm chi phí cho NLĐ.

Trong thời gian dài, Bộ LĐTB&XH không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp dẫn đến NLĐ (thực chất là lao động nghèo khó) còn phải chi trả số tiền lớn mà chính sách của nước tiếp nhận là không phải chi trả (Đài Loan, Nhật Bản).

Quy định mức phí, phí đào tạo thị trường Nhật Bản chưa phù hợp với chính sách và thỏa thuận đã ký của Nhật Bản không đúng với tình hình thực tế, gây ảnh hưởng đến NLĐ, là nguyên nhân cơ bản khiến lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

Đáng lưu ý, Bộ LĐTB&XH chưa ban hành quyết định quy định chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Bộ trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra. Chưa chấn chỉnh công tác điều hành Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, trong thời gian dài không kiện toàn bộ máy quản lý quỹ, chậm kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng quỹ.

Tại thời điểm thanh tra, TTCP phát hiện Thanh tra Bộ LĐTB&XH không xử phạt hết hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp với số tiền gần 9 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, tại thời điểm thanh tra, Cục Quản lý Lao động ngoài nước không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản, dẫn đến trong thời gian dài NLĐ phải chi trả mức phí quá cao (7.000 – 8.000USD/1 tháng).

Tham mưu ban hành văn bản quy định mức thu phí và phí đào tạo thị trường Nhật Bản không đúng với thỏa thuận đã ký và chính sách của Nhật Bản. Trong thời gian dài không có biện pháp tham mưu Bộ LĐTB&XH giải quyết vấn đề tiền môi giới Đài Loan và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước không tổ chức thực hiện việc quản lý NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bằng mã số, không tham mưu Bộ LĐTB&XH báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết hàng năm về hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Toàn cảnh buổi công bố kết luận thanh tra. Ảnh: PV

Cục Quản lý Lao động ngoài nước phát hiện nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục cấp đổi giấy phép nhưng buông lỏng, không có phương án xử lý; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015.

Tham mưu và ban hành văn bản đồng ý cho 13 doanh nghiệp được thí điểm triển khai đưa thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản, khi chưa ký ghi nhớ hợp tác để triển khai chương trình…

Có tình trạng kết hôn giả để sang các nước làm việc không có hợp đồng

Kết quả thanh tra tại 6 tỉnh, thành phố, TTCP chỉ rõ, việc tuyên truyền, phổ biến luật và văn bản hướng dẫn chưa triệt để, số lượng lao động của tỉnh cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài còn nhiều, đặc biệt ở thị trường Hàn Quốc (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh).

Công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên; việc quản lý lao động về nước còn hạn chế (Vĩnh Phúc, Phú Thọ).

Còn tình trạng doanh nghiệp ngoài tỉnh chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi giao nhiệm vụ cho chi nhánh, không thực hiện thông báo với Sở LĐTB&XH, chính quyền cấp huyện, xã nơi doanh nghiệp dịch vụ tuyển chọn lao động (Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương).

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp mở văn phòng đại diện chi nhánh, điểm tư vấn trên địa bàn tỉnh để tuyển sinh đi du học gắn với việc làm thêm có thu nhập cao ở Nhật Bản, Hàn Quốc thực chất là một dạng xuất khẩu lao động, gây nguy cơ hậu quả khó xử lý (Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh).

Việc quản lý đối với các văn phòng tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được chặt chẽ, thiếu sự quản lý của cơ quan chức năng. Số lượng các văn phòng đại diện, tư vấn tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh chưa được thống kê theo dõi và chưa có biện pháp phối hợp giữa các cơ quan quản lý, dẫn đến khó kiểm soát, quản lý hoạt động tuyển chọn lao động (Hà Tĩnh, Phú Thọ).

Tại thời điểm thanh tra còn xảy ra hiện tượng NLĐ tự ý hoặc thông qua môi giới bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân, kết hôn giả… để sang một số nước như: Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada, các nước Đông Âu làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp (Nghệ An).

Việc thực hiện trách nhiệm về đóng nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã được quy định, nhưng NLĐ chưa tham gia đóng nộp theo quy định (Nghệ An, Hà Tĩnh).

Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm

Từ những hạn chế, thiếu sót trên, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Sửa đổi, bổ sung các bất cập đã được nêu trong kết luận thanh tra.

Rà soát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và đối tượng áp dụng… Xây dựng chiến lược và kế hoạch về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ban hành quy trình thẩm định hồ sơ cấp giấy phép, cơ chế giám sát thủ tục cấp phép. Ban hành tiêu chí, điều kiện lựa chọn doanh nghiệp triển khai đưa thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản.

Kiểm tra cụ thể để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có biện pháp giải quyết triệt để vấn đề tiền môi giới thị trường Đài Loan và Nhật Bản. Rà soát, điêu chỉnh mức thu phí và đào tạo thị trường Nhật Bản đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Bộ LĐTB&XH với trách nhiệm chung trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở  nước ngoài theo hợp đồng và chịu trách nhiệm trước những thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra qua thanh tra.

Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước giai đoạn 2012 – 2016 trong việc tham mưu ban hành các văn bản không đúng quy định của pháp luật.

Bộ LĐTB&XH xử lý đối với các doanh nghiệp hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Thu hồi giấy phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam; Công ty Cổ phần Thương mại và Cung ứng nhân lực Quốc tế Bắc Việt; Tổng Công ty Thủy sản Hạ Long (nay là Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam), công bố việc nộp lại giấy phép của Công ty Cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF theo quy định.

Thanh tra Bộ LĐTB&XH thanh tra toàn diện hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đối với Công ty Cổ phần Nguồn nhân lực quốc tế Thuận An KYOTO.

Kiểm tra, thu hồi giấy phép đối với 6 doanh nghiệp được cấp phép trong năm 2015, 2016, nếu không thực hiện phương án tổ chức bộ máy đề nghị thu hồi giấy phép theo quy định.

Kiểm tra, rà soát đối với 19 doanh nghiệp được cấp phép trong năm 2017 nhưng đến tháng 6/2018 chưa đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài, nếu đến thời điểm ban hành kết luận thanh tra không đưa được lao động đi, đề nghị thu hồi giấy phép theo quy định.

Bộ LĐTB&XH có biện pháp xử lý số tiền do không xử phạt hết lỗi vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ theo quy định.

Bộ LĐTB&XH chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thanh tra toàn diện việc thu hồi và chuyển tiền môi giới ra nước ngoài trái quy định.

Bộ LĐTB&XH kiểm tra, xác minh, thống kê, tổng hợp số tiền môi giới thanh tra toàn diện và phí dịch vụ mà các đơn vị đã thu của NLĐ không phù hợp với quy định của pháp luật, báo cáo trình xin ý kiến của Thủ tướng quyết định.

TTCP yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Nghệ An tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, có biện pháp giảm số lượng lao động của tỉnh cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài tránh ảnh hưởng đến uy tín chung về lao động xuất khẩu của tỉnh.

UBND tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh trong việc thực hiện chưa tốt các quy định của pháp luật về NLĐ đi làm việc ở nước ngoài…

UBND tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh bố trí ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Có biện pháp để NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ theo quy định.

Phát biểu tại buổi công bố Kết luận thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH đã chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện những nội dung trong kết luận thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra cũng đánh giá cao sự phối hợp của Bộ LĐTB&XH và các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Thanh tra Bộ LĐTB&XH cùng đoàn thanh tra triển khai đúng kế hoạch.

Đồng thời bày tỏ mong muốn qua công tác thanh tra, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Bộ LĐTB&XH sẽ tốt hơn và Bộ LĐTB&XH sớm tổ chức triển khai những kiến nghị đã được Phó Thủ tướng Thường trực đồng ý.

theo Phương Anh – Báo thanh tra

Tin liên quan