Tháo gỡ tình trạng chậm hoàn thuế giá trị gia tăng thông qua kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Cập nhật: 04/01/2023 10:52

Chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là tình trạng đã và đang tiếp diễn ở nước ta từ lâu. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó, quy định của pháp luật về hoàn thuế GTGT cũng còn những điểm bất cập nhất định. Bài viết nêu khái quát tình hình chậm hoàn thuế GTGT hiện nay, chỉ ra một số bất cập và kiến nghị nhằm tháo gỡ tình trạng này.

Ảnh minh họa.

Quy định về hoàn thuế GTGT và tình trạng chậm hoàn thuế hiện nay

Theo quy định tại điều 2 Luật Thuế GTGT năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”. Như vậy, xét về bản chất, thuế GTGT là một loại thuế gián thu. Các nhà sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ là những người nộp thuế trong khi người tiêu dùng lại thực chất là người chịu thuế thông qua giá cả hàng hóa, dịch vụ.

Hiện nay chưa có khái niệm về hoàn thuế nhưng có thể hiểu hoàn thuế là việc Nhà nước ra quyết định trả lại số tiền thuế đã thu nhưng không có căn cứ pháp luật cho người chịu thuế. Quyền được hoàn thuế có bản chất là quyền đòi lại tài sản, bởi lẽ số tiền thuế được hoàn là một tài sản (phần thu nhập) vốn thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân bị điều tiết thu nhập bởi Nhà nước bằng công cụ thuế. Quyền được hoàn thuế là quyền có giới hạn về thời hiệu. Sự giới hạn về thời hiệu của quyền được hoàn thuế thể hiện ở chỗ, chủ thể có quyền được hoàn thuế chỉ có thể yêu cầu Nhà nước hoàn thuế trong thời hạn tối đa là 10 năm kể từ ngày nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Quá thời hạn trên, quyền được hoàn thuế hết hiệu lực thực hiện và do đó Nhà nước được xác lập quyền sở hữu đối với số tiền thuế đã thu nhưng không có căn cứ pháp luật.

Có 07 trường hợp được hoàn thuế GTGT là:

(1) Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.

(2) Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan.

 (3) Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế GTGT khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.

(4) Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hóa mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh.

(5) Việc hoàn thuế GTGT đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.

(6) Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế GTGT đã trả ghi trên hóa đơn GTGT hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã có thuế GTGT.

(7) Cơ sở kinh doanh có quyết định hoàn thuế GTGT của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế GTGT theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Việc chậm hoàn thuế GTGT hiện nay đang ở mức cao, ảnh hưởng trực tiếp và lớn đến nhiều doanh nghiệp. Vừa qua, Tổng cục Thuế có công văn chỉ đạo các cơ quan thuế tỉnh, thành phố kịp thời thực hiện việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, không chờ thông tư hướng dẫn. Tổng cục Thuế thừa nhận việc hoàn thuế đối với các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện có vướng mắc. Đến nay đã có dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định số 49/2022 nhưng chưa ban hành.

Tại Hội nghị “Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2022”. Hội nghị do Bộ Tài chính phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 25/11 tại TP.HCM đã chỉ ra có hàng trăm triệu USD tiền hoàn thuế bị “giam” [1]. Theo đó, một số doanh nghiệp có số tiền hoàn thuế cao nhưng chưa được hoàn thuế như Công ty TNHH Điện lực Vân Phong với số tiền khoảng 100 triệu USD, tương đương 2.460 tỉ đồng; công ty cổ phần Tôm Miền Nam là hơn 7 tỉ đồng hay các doanh nghiệp sử dụng gỗ rừng với số tiền chưa được hoàn là khoảng 1.000 tỉ đồng.

Vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải huy động nguồn vốn để bù đắp lại khoản chưa được hoàn thuế VAT, nên phát sinh chi phí lãi vay cao. Ngoài ra, công ty còn đang thua lỗ vì chênh lệch tỉ giá…

Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hoàn thuế GTGT

Thứ nhất, đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì không được hoàn thuế mà chuyển khấu trừ số thuế đó vào kỳ tiếp theo không kể thời gian kéo dài bao lâu. Chính sách này tạo nên sự không công bằng giữa các cơ sở kinh doanh, không mang tính hỗ trợ sự phát triển của một số loại hình như các doanh nghiệp khởi nghiệp hay các cơ sở kinh doanh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được áp dụng thuế suất 5%. Doanh nghiệp khởi nghiệp luôn là doanh nghiệp khó khăn, đầu tư vốn lớn nhưng mới hoạt động nên chưa phát sinh doanh thu, chưa phát sinh thuế đầu ra hoặc đã phát sinh nhưng không đủ để được hoàn thuế. Trong khi đó, đây là nhóm doanh nghiệp rất cần vốn để phục vụ hoạt động. Đối với các doanh nghiệp có thuế suất đầu ra là 5% nhưng thuế suất mua sắm nguyên vật liệu là 10% thì số thuế đầu vào sẽ lớn hơn số thuế đầu ra, không thể khấu trừ hết trong nhiều kỳ. Nếu không hoàn thuế thì số thuế phải tính vào chi phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp, không bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp. Do đó, cần có quy định rõ ràng trong những trường hợp này là trong thời gian nhất định (có thể là 02 kỳ liên tiếp) mà không khấu trừ hết số thuế đầu vào thì phải hoàn thuế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%.

Thứ hai, đối với cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 1 Nghị định 100/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016: “Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT: Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư…” nhưng Nghị định không quy định rõ thời điểm người nộp thuế (NNT) cung cấp giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên có những doanh nghiệp đang đầu tư thì không được cơ quan cấp giấy phép vì chưa hoàn thành cơ sở vật chất, điều kiện về phòng cháy chữa cháy… đến khi dự án đầu tư đã hoàn thành, đủ điều kiện để được cấp giấy phép thì dự án đã đi vào hoạt động, do vậy không được hoàn thuế GTGT, điều này là chưa phù hợp với thực tế.

Do đó, cần sửa đổi quy định này theo hướng việc hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh, đang trong giai đoạn đầu tư mà theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành chưa phải đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành thì không cần phải có giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Thứ ba, đối với dự án đầu tư không góp đủ số vốn điều lệ. Theo quy định tại điểm c.1 khoản 3, Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC “Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký theo quy định của pháp luật. Các hồ sơ đề nghị hoàn thuế dự án đầu tư nộp từ ngày 01/7/2016 của cơ sở kinh doanh nhưng tính đến ngày nộp hồ sơ không góp đủ số vốn điều lệ như đăng ký theo quy định của pháp luật thì không được hoàn thuế”. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp khi nộp hồ sơ hoàn thuế có thể chưa góp đủ vốn điều lệ tại thời điểm kiểm tra nhưng trước khi cơ quan thuế ra quyết định hoàn thuế thì đã góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này cũng nên cho phép việc hoàn thuế được thực hiện nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, theo Công văn số 5806/TCT-KK hướng dẫn bổ sung số hiệu tài khoản thanh toán của người trả tiền, tên, địa chỉ của người chuyển tiền trên báo có trong Chứng từ thanh toán ngân hàng được xét khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với thanh toán qua ngân hàng và Công văn số 5018/TCT-KK về việc tài khoản thanh toán tiền hàng xuất khẩu… mà chứng từ thanh toán chưa có đầy đủ thông tin tài khoản chuyển tiền thanh toán thì tạm chưa xét hoàn thuế, chờ người nộp thuế bổ sung thông tin. Tuy nhiên, hiện nay việc này là rất khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo thông lệ quốc tế không có quy định nào các điện báo có thanh toán Thư tín dụng (L/C) và nhờ thu (DP) phải thể hiện đầy đủ tên và thông tin số tài khoản của người chuyển tiền, người mua. Có nhiều điện thanh hóa không thể thiện các thông tin tài khoản. Do đó, việc hoàn thuế gặp rào cản khiến các cơ quan thuế không thể tiến hành hoàn thuế, doanh nghiệp không được quay vòng vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, cần sớm có hướng dẫn mới khắc phục hạn chế này theo hướng vẫn tiến hành hoàn thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mà hóa đơn chứng từ chưa có đầy đủ thông tin và cho phép bổ sung thông tin sau.

[1] Quang Huy, Hàng trăm triệu USD tiền hoàn thuế bị “giam”, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, https://plo.vn/hang-tram-trieu-usd-tien-hoan-thue-bi-giam-post709482.html.

theo VĂN LINH

TAQS Khu vực Hải quân – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/thao-go-tinh-trang-cham-hoan-thue-gia-tri-gia-tang-thong-qua-kien-nghi-hoan-thien-phap-luat1672760236.html

Tin liên quan