Thi hành án hành chính Có chế tài xử lý, vì sao vẫn chậm trễ?

Cập nhật: 03/12/2021 09:11

Thực tiễn công tác thi hành án hành chính năm 2021 cho thấy còn nhiều bản án, người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và có những bản án tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm. Vấn đề đặt ra là mặc dù đã có chế tài xử lý việc chậm trễ thi hành án hành chính, xong cho đến này chưa có tổ chức, cá nhân nào bị áp dụng.

Năm 2021 còn 489 bản án hành chính có hiệu lực chưa được thi hành

489 bản án có hiệu lực chưa được thi hành

Theo báo cáo của UBND và Cục Thi hành án dân sự (THADS) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, từ 1.10.2020 đến hết ngày 30.9.2021, tổng số bản án hành chính mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải thi hành án là 944 bản án. Trong đó, kỳ trước chuyển sang 467 bản án, tăng 114 bản án so với cùng kỳ năm 2020. Qua rà soát, tổng hợp chung cho thấy án hành chính chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai (90%) và tập trung ở các địa phương: TP. Hồ Chí Minh (205 bản án); Bà Rịa – Vũng Tàu (59 bản án); Đắk Lắk (56 bản án); Kiên Giang (44 bản án); Hà Nội (40 bản án); Long An (39 bản án); Phú Yên (38 bản án); Quảng Nam (38 bản án); Bình Thuận (33 bản án), Lâm Đồng (29 bản án). Trong tổng số 944 bản án hành chính phải thi hành, có 325 bản án đã có quyết định buộc thi hành án hành chính (THAHC) của Tòa án.

Đến hết ngày 30.9.2021, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã thi hành xong 455/944 bản án, tăng 92 bản án so với cùng kỳ năm 2020, đang tiếp tục thi hành 489 bản án, trong số này có 455 bản án người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND các cấp và có 252 bản án hành chính mới có hiệu lực trong năm 2020 và năm 2021.

Từ ngày 1.10.2020 đến hết ngày 30.9.2021, các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi  325/325 bản án hành chính có quyết định buộc THAHC của Tòa án. Trong đó, số kỳ trước chuyển sang là 157 bản án, đạt tỷ lệ 100%. Các cơ quan THADS đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 258 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai 322 quyết định buộc THAHC của Tòa án. Trong tổng số 325 bản án cơ quan THADS thực hiện theo dõi, đã có 116 bản án được các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thi hành xong; số tiếp tục thực hiện theo dõi là 209 bản án.

Như vậy, vẫn còn 489 bản án hành chính đã có hiệu lực chưa được thi hành xong (chiếm tỷ lệ 52%), trong đó tập trung ở địa phương: TP. Hồ Chí Minh (164 bản án); Hà Nội (36 bản án); Đắk Lắk (35 bản án); Kiên Giang (33 bản án); Bà Rịa – Vũng Tàu (28 bản án); các tỉnh Long An, Phú Yên mỗi tỉnh 19 bản án; Bình Phước (17 bản án); Quảng Nam (15 bản án); Đồng Nai (14 bản án); Bình Thuận (13 bản án). Trong đó, còn nhiều bản án, người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và có những bản án tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm.

Chưa có trường hợp bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành bản án hành chính

Mặc dù, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định cụ thể về các chế tài xử lý trách nhiệm đối với người chậm, không chấp hành bản án hành chính. Tuy nhiên đến thời điểm này chưa có trường hợp cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành bản án hành chính.

Hơn nữa, hoạt động THAHC theo Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP là cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện THAHC, trong khi đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người phải thi hành án là cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước và bên được thi hành án là người dân.

Còn chậm chễ trong thi hành án hành chính

Thực tế, hầu hết các bản án hành chính chưa thi hành xong đều thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện thường có lịch sử kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết, hiện trạng quản lý, sử dụng đất theo đó đã có nhiều biến động.

Trong khi đó, ở một số địa phương, người đứng đầu UBND các cấp, đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp tỉnh chưa dành sự quan tâm đúng mức và đầy đủ cho công tác THAHC, dẫn đến thiếu sâu sát, quyết liệt và kịp thời trong việc chấp hành và chỉ đạo chấp hành bản án hành chính. Đây là nguyên nhân căn bản dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác THAHC. Trong nhiều vụ việc, Chủ tịch UBND và người được Chủ tịch UBND ủy quyền đã không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa theo triệu tập của Tòa án để cung cấp kịp thời, đầy đủ tài liệu, chứng cứ phục vụ cho quá trình xét xử của Tòa án, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong giai đoạn thi hành bản án.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa có ý kiến chỉ đạo công tác thi hành án hành chính năm 2021. Theo đó, đã nêu tên các địa phương có nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa thi hành, chậm thi hành; đồng thời yêu cầu làm rõ nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và báo cáo Chính phủ.

Như vậy, đã có việc chỉ rõ nêu tên những địa phương (gắn liền với người đứng đầu địa phương) trong việc tổ chức triển khai thi hành án hành chính. Vấn đề còn lại là áp dụng những quy định đến đâu? Cần sự quyết tâm đến cùng của Chính phủ, Bộ Tư pháp trong việc xử lý, tránh tình trạng cứ đến cuối năm lại báo cáo, ra văn bản chỉ đạo nhưng không xử lý trách nhiệm được cá nhân, tổ chức nào.

theo Phạm Hải – Báo đại biểu nhân dân

Tin liên quan

Thủ tướng: Khi đã quyết tâm rồi, chỉ “bàn làm, không bàn lùi” - Cập nhật: 29/03/2024 13:47
Góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) - Cập nhật: 29/03/2024 09:33
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam - Cập nhật: 28/03/2024 10:55
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội xem xét 4 nội dung quan trọng - Cập nhật: 27/03/2024 10:49
Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành Hội nghị chuyên đề - Cập nhật: 27/03/2024 10:33
Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp tục đồng hành, chia sẻ, nâng cao chất lượng giám sát, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của địa phương - Cập nhật: 25/03/2024 12:22
Nâng cao trách nhiệm giải trình phải trở thành nét đẹp văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản trị xã hội - Cập nhật: 19/03/2024 15:51
Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV Quyết tâm, song hành đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống - Cập nhật: 07/03/2024 09:55
Thủ tướng chủ trì Hội nghị phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 - Cập nhật: 28/02/2024 11:52
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế kiểm soát quyền lực - Cập nhật: 11/01/2024 09:04