Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải.
8 kết quả nổi bật trong chuyển đổi số
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình chuyển đổi số thời gian qua, kết quả, thành tựu, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.
Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại hội nghị thống nhất đánh giá có 8 kết quả nổi bật trong chuyển đổi số thời gian qua.
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở.
Thứ hai, nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu; có sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể.
Thứ ba, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và tạo thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực. Giai đoạn 2021-2024, Quốc hội đã ban hành 3 luật liên quan (Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Căn cước). Chính phủ đã ban hành 19 nghị định. Các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền 45 thông tư.
Thứ tư, Chính phủ số tiếp tục có bước phát triển. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh (đã có 16,4 triệu tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cung cấp 4.543/6.325 thủ tục hành chính, 43/53 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06).
Thứ năm, kinh tế số, xã hội số tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Thứ sáu, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Các cơ sở dữ liệu mang tính nền tảng như: Dân cư, thuế, bảo hiểm, doanh nghiệp, giáo dục và đào tạo… đã đi vào vận hành ổn định, mang lại hiệu quả tích cực.
Thứ bảy, hạ tầng số, nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang.
Thứ tám, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá về kết quả chuyển đổi số của Việt Nam. Chỉ số Chính phủ điện tử năm 2022 xếp hạng 86/193. Chỉ số Đổi mới sáng tạo luôn duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; năm 2023 xếp hạng 46/132. Chỉ số Bưu chính năm 2023 đạt cấp độ 6/10, xếp hạng 47/172.
Sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công an, Bộ Thông tin & Truyền thông, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số để thống nhất triển khai trong giai đoạn tới.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, điều quan trọng nhất, có tính quyết định, chiến lược, lâu dài, cơ bản là các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiên phong, gương mẫu thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số với quyết tâm cao nhất để thực hiện 5 nhiệm vụ chủ yếu.
Cụ thể, phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số và tài năng số; ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, con người số, Chính phủ số; phát triển hạ tầng số toàn diện nhưng phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; số hóa, ứng dụng trí tuệ thông minh trong quản lý, điều hành; khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền.
“Chúng ta bây giờ không thận trọng nữa mà phải mạnh dạn lên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, nóng vội mà phải tăng tốc, bứt phá với khí thế tiến công mạnh mẽ với tinh thần “5 đẩy mạnh”, “5 bảo đảm” gắn với “5 không” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Giao nhiệm vụ về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đơn vị, địa phương cần phân công công việc “rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả” song song với phân bổ nguồn lực thực hiện công việc.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, chống tham nhũng tiêu cực; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cấp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đánh giá về những tồn tại, điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06/CP và kiến nghị giải pháp thúc đẩy, Trung tướng Nguyễn Văn Long – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Đề án 06 vẫn còn 51 nhiệm vụ đã được kiểm điểm, đánh giá hàng tháng nhưng đến nay vẫn chậm tiến độ. Để bảo đảm tiến độ triển khai Đề án 06/CP, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương đặt ra lộ trình cụ thể đối với từng nhiệm vụ. Đồng thời, cần quyết tâm bám sát vào lộ trình đã đề ra, bảo đảm tiến độ thực hiện.
Trong đó, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị 7 bộ, ngành cam kết lộ trình hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với 12 thủ tục hành chính đã quá hạn hoàn thành; 12 địa phương khẩn trương rà soát, nâng cấp bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thông tin thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị mình; 7 bộ, ngành đề ra lộ trình khẩn trương hoàn thành việc kết nối kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, tỉnh với kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhằm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
theo Hồng Thái – Báo Kinh tế và Đô thị
https://kinhtedothi.vn/phan-cap-phan-quyen-hoan-thien-the-che-chinh-sach-chuyen-doi-so.html