Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khởi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng

Cập nhật: 11/01/2021 08:58

Sáng 10-1, tại tỉnh Hòa Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)  phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức lễ khởi công Công trình Nhà máy Thuỷ điện (NMTĐ) Hòa Bình mở rộng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, địa phương. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi lễ khởi công công trình.
Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng là công trình công nghiệp thuộc nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do EVN làm chủ đầu tư và giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.220,83 tỷ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30% và 70% còn lại bao gồm: nguồn vốn vay thương mại trong nước 4.000 tỷ đồng do Ngân hàng Vietcombank thu xếp và vốn vay thương mại nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ 70 triệu euro của Cơ quan Phát triển Pháp (AfD).

Dự án có tổng công suất đặt 480 MW, bao gồm hai tổ máy, mỗi tổ công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hằng năm khoảng 488,3 triệu kW giờ/năm.

Tư vấn thiết kế dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1. Tổ hợp nhà thầu thi công xây lắp chính của dự án là liên danh các đơn vị: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) – Công ty cổ phần xây dựng 47 – Công ty cổ phần Lilama 10. Sau khi hoàn thành công trình, NMTĐ Hòa Bình mở rộng với công suất 480 MW sẽ nâng tổng công suất của toàn bộ NMTĐ Hòa Bình lên 2.400 MW.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khởi công Công trình  Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng -0
 

Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Nhà máy nằm trên địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn với công trình NMTĐ Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha, trong đó 69,30 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.

Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ mang lại các hiệu quả: tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của NMTĐ Hòa Bình hiện hữu để phát điện; nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Theo tiến độ dự kiến, tổ máy 1 dự án sẽ phát điện vào quý III-2024, tổ máy 2 sẽ phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV-2024.

Tại buổi lễ, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, thời gian qua, EVN đã khẩn trương làm việc với các cơ quan liên quan triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư để đủ điều kiện khởi công Công trình. Cụ thể: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chấp thuận và HĐTV EVN đã có Quyết định đầu tư Dự án. Bộ Công thương đã thông qua kết quả thẩm định Thiết kế kỹ thuật và Dự toán xây dựng công trình. EVN đã phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục khởi công. Mặt bằng các hạng mục liên quan khởi công gồm khu vực hố móng Nhà máy, cửa nhận nước, bãi thải, khu phụ trợ, lán trại đã được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao cho chủ đầu tư. Hệ thống đường giao thông phục vụ thi công đã được EVN đầu tư nâng cấp đáp ứng yêu cầu triển khai công trình.

EVN đã tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp chính của Dự án theo đúng quy định và đã ký hợp đồng với Liên danh các nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần xây dựng 47 và Công ty cổ phần Lilama 10. Đây đều là những đơn vị thi công có kinh nghiệm trong lĩnh vực thi công thủy điện.

Như vậy, đến thời điểm này, các điều kiện cần thiết để khởi công công trình đã được hoàn thành và bảo đảm đúng quy định. EVN đề nghị các nhà thầu phải quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực tối đa để dự án quan trọng này hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường. EVN luôn tự đặt yêu cầu cho mình là phải bảo đảm cung cấp đủ điện, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống của người dân. Chính vì vậy EVN sẽ luôn nỗ lực để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình nguồn lưới điện được giao đảm bảo tiến độ và chất lượng, kịp thời bổ sung năng lực cung cấp điện cho đất nước. Với tinh thần đó, EVN cam kết với Thủ tướng Chính phủ sẽ quản lý và kiểm soát tốt công trình NMTĐ Hòa Bình mở rộng này ngay từ đầu để công trình hoàn thành bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khởi công Công trình  Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng -0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những công trình thủy điện (CTTĐ) lớn trên dòng chính sông Đà là biểu tượng của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước ta, trong đó CTTĐ Hòa Bình cũng là biểu tượng tuyệt vời của mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên Xô trước đây và Việt Nam – LB Nga ngày nay. Hàng vạn cán bộ, kỹ sư, công nhân đã hăng say lao động không kể ngày đêm để làm nên CTTĐ lớn nhất Đông Nam Á, đóng góp sản lượng điện quan trọng cho hệ thống điện quốc gia. Biết bao mồ hôi, xương máu đã làm nên công trình vĩ đại này.

Thủ tướng khẳng định, việc chúng ta khởi công Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng là thể hiện sự kế thừa, phát huy sáng tạo, tiếp nối thế hệ đi trước, tận dụng nguồn tài nguyên quý giá, đóng góp vào sự phát triển đất nước thịnh vượng. Đây là sáng kiến hết sức quan trọng của giới nghiên cứu và EVN.

Nhắc lại ý nghĩa lớn lao này, Thủ tướng hy vọng thế hệ trẻ cần ghi nhớ những thế hệ ngành điện đi trước đã làm nên những công trình điện lớn cho đất nước, đồng thời khẳng định, chưa bao giờ đất nước ta lại phát triển mạnh mẽ, có cơ đồ, vị thế lớn như hiện nay, trong đó ngành điện vươn lên đứng vào nhóm đầu của ASEAN. Chính vì vậy, việc bổ sung công suất mới để bảo đảm nguồn và lưới điện cho phát triển đất nước nước vấn đề đặt ta cho ngành điện để hiện thực hoá khát vọng phát triển thịnh vượng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao ngành điện Việt Nam dưới sự hỗ trợ của các cấp, các ngành đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nhất là không chỉ bảo đảm điện cho đời sống nhân dân mà còn tham gia khắc phục hạn hán, thiên tai… Hiện nay, chỉ số tiếp cận điện năng vươn lên thứ hạng rất cao, đóng vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nếu chúng ta không chủ động làm những công trình điện lớn khác thì khó có thể đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế như hiện nay.

Thủ tướng cho biết, NMTĐ Hòa Bình đã và đang được khai thác hiệu quả những năm qua, nhưng trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, casc phương diện chúng ta đã quyết định đầu tư xây dựng làm tiếp NMTĐ Hòa Bình mở rộng, nâng tổng công suất NMTĐ Hòa Bình lên 2.400MW. Sau khi mở rộng, NMTĐ Hòa Bình tiếp tục thực hiện tốt các chức năng hiện nay.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự làm việc nghiêm túc của EVN trong công tác triển khai đầu tư, xây dựng hạ tầng cho khởi công công trình; biểu dương Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tạo điều kiện để EVN hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, triển khai dự án; đánh giá cao Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình, các cấp chính quyền các cấp tỉnh Hòa Bình, nhân dân địa phương giúp đỡ, phối hợp tốt với chủ đầu tư triển khai dự án thuận lợi.

Thủ tướng nêu rõ, dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng là công trình lớn, có quy mô  phức tạp, thi công trong lòng thành phố, nhiệm vụ đặt ra với chủ đầu tư, nhà thầu, các đơn vị là rất nặng nề, do đó đề nghị EVN, các đơn vị phát huy truyền thống tốt đẹp, ý chí quyết tâm, nỗ lực phấn đấu đưa công trình hoàn thành vượt trước thời hạn một năm và năm 2023, bổ sung nguồn điện quý giá cho đất nước, bảo đảm an toàn, chất lượng.

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp phải bảo đảm công trình an toàn tuyệt đối, lâu dài, an toàn và phát triển bền vững để toàn hệ thống, nhất là hạ du không có bất cố sự cố nào xảy ra trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay. Điều này đòi hỏi vấn đề phải hết sức coi trọng bảo đảm an toàn đập và các công trình liên quan. Các nhà thầu, tư vấn giám sát cũng phải nâng cao trách nhiệm để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình trong điều kiện khu vực này có sạt lở đất. Thủ tướng cũng giao các đơn vị nỗ lực để bảo đảm công trình vượt tiến độ, chất lượng từng hạng mục, nỗ lực để quá trình thi công ít ảnh hưởng nhất tới môi trường sống nhân dân trong khu vực. Có biện pháp quan tâm bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động trên công trình. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cần sớm hoàn thành sớm công tác giải phóng mặt bằng cho dự án; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trên công trường thi công.

Thủ tướng nhắc lại Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan, EVN phải bảo đảm chủ động cung ứng điện đầy đủ, an toàn cho nền kinh tế; không được để thiếu điện cho phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chúng ta phải xây dựng Quy hoạch điện VIII chặt chẽ, hiệu quả, công khai, bảo đảm tính lâu dài.

Nhấn mạnh bề dày lịch sử của ngành điện đáng tự hào, Thủ tướng cho rằng, chính CTTĐ Hòa Bình là cái nôi đào tạo nhiều lãnh đạo, cán bộ, kỹ sư cho ngành điện đi xây dựng các công trình điện khác cho đất nước, do đó, đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần phát động phong trào thi đua lao động, học tập trong ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp của mình. Chỉ có trái tim nhiệt huyết, khát vọng vươn lên, tinh thần dũng cảm mới hiện thực hoá được mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 – thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.

Khẳng định Lễ khởi công NMTĐ Hòa Bình mở rộng cũng là hành động thiết thực để thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng sắp khai mạc, Thủ tướng tin rằng, các bộ, ngành, EVN tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng, đoàn kết vượt mọi khó khăn, triển khai hoạt động hiệu quả, công khai minh bạch, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sự nghiệp CNH, HĐH, nâng cao đời sống nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước.

* Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo đã thực hiện nghi thức  khởi công dự án.

Nhân dịp này, EVN trao quà 1 tỷ đồng cho Quỹ An sinh xã hội tỉnh Hòa Bình

Nhân dịp tới dự Lễ khởi công Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, cũng trong ngày 10-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã tới thăm và động viên CBCNV Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khởi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng -0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng từ năm 1979, hòa lưới tổ máy số 1 vào cuối năm 1988. Nhà máy có tám tổ máy vận hành với tổng công suất lắp đặt là 1.920 MW.

Đây là công trình thủy điện lớn thứ 2 ở Việt Nam và cũng là một trong các công trình thủy điện lớn nhất Đông – Nam Á. Thủy điện Hòa Bình cũng được đảm nhận vai trò chính trong việc điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện quốc gia.

Qua hơn 30 năm vận hành, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vẫn đóng vai trò là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ năm 2010 trở lại đây, sau khi các bậc thang thủy điện lớn phía trên lần lượt đưa vào vận hành (Thủy điện Sơn La, Lai Châu), sản lượng điện phát của Thủy điện Hòa Bình đạt xấp xỉ 10,1 tỷ kW giờ/năm, tăng 24,2% so với sản lượng thiết kế ban đầu. Đặc biệt năm 2017, nhà máy phát sản lượng điện kỷ lục lên tới 11,25 tỷ kW giờ. Từ thời điểm thành lập và đi vào vận hành đến nay, tổng sản lượng điện sản xuất lũy kế đã đạt gần 250 tỷ kW giờ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khởi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng -0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, động viên và tặng quà công nhân Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: MAI PHƯƠNG

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình luôn phát huy vai trò là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu. Hồ chứa công trình đã tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Việc vận hành, điều tiết hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình với dung tích trên 9 tỷ m3 đã giúp cho vùng đồng bằng Bắc Bộ cơ bản không còn xảy ra tình trạng ngập lụt.

Cùng với nhiệm vụ chính là cắt lũ, giảm lũ và phát điện, Thủy điện Hòa Bình còn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng và tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác.

Lượng nước xả từ hồ Hòa Bình phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh thành ở đồng bằng Bắc Bộ chiếm khoảng 65-70% tổng lượng xả từ tất cả các hồ thủy điện lớn ở phía bắc. Không chỉ vậy, trong suốt mùa cạn, nhà máy thực hiện phương thức phát điện duy trì dòng chảy tối thiểu luôn lớn hơn dòng chảy tự nhiên để nâng mức nước hạ lưu thêm từ 0,6-2,5 m, giúp cho các phương tiện thủy trên sông Đà và sông Hồng lưu thông dễ dàng; tạo điều kiện kết nối giao thương giữa khu vực miền núi Tây Bắc với Đông Bắc Bộ thuận tiện hơn.

Trong nhiều năm qua, Công ty Thủy điện Hòa Bình còn đóng góp nguồn kinh phí đáng kể vào ngân sách nhà nước và địa phương. Những năm gần đây, công ty đã nộp ngân sách cho tỉnh Hòa Bình 1.000 – 1.400 tỷ đồng/năm.

Tại buổi đến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích đã đạt được của tập thể cán bộ Công ty Thủy điện Hòa Bình trong các nhiệm vụ sản xuất điện, chống lũ, tưới tiêu… Công ty đã đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, Công ty Thủy điện Hòa Bình cùng với tỉnh Hòa Bình, thực hiện thắng lợi các kế hoạch đã đề ra. Công ty quản lý vận hành nhà máy an toàn, thực hiện đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động; đổi mới doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng hai tổ máy của Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng theo kế hoạch.

theo THANH GIANG – TRẦN HẢI (Báo nhân dân điện tử)

Tin liên quan

Nghiên cứu đa dạng hoá chính sách ưu đãi thuế - Cập nhật: 22/11/2024 14:13
Công an TP Hồ Chí Minh: Mục tiêu không để tội phạm xảy ra tại bất kỳ cây ATM, ngân hàng nào - Cập nhật: 22/11/2024 08:23
Đợt 2 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập pháp - Cập nhật: 20/11/2024 09:01
Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng - Cập nhật: 20/11/2024 08:54
Hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu - Cập nhật: 19/11/2024 10:12
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cập nhật: 19/11/2024 08:38
Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động “ly khai”, “tự trị” - Cập nhật: 15/11/2024 10:00