Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp xếp tổ chức bộ máy phải chống lợi ích cá nhân

Cập nhật: 13/12/2024 14:43

  Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. (Ảnh: VGP)
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; việc quản lý tài chính, tài sản công, các dự án đầu tư công trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; việc sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước… Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo sẽ hoàn thiện trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo; giao Bộ Nội vụ, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, tiếp thu các ý kiến, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện thêm một bước các văn bản, báo cáo, đề án. Thủ tướng yêu cầu thông báo kết luận phiên họp này tới các Bộ, ngành, cơ quan để làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện đề án của Bộ, ngành, cơ quan, dưới sự chỉ đạo của các Phó Thủ tướng Chính phủ được phân công chỉ đạo.

Trên tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt; làm việc nào, dứt việc đó”, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan đề cao trách nhiệm, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện Việt Nam có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Thủ tướng nêu rõ, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn song phải hiệu lực, hiệu quả; không bỏ chức năng, nhiệm vụ, thậm chí có những nhiệm vụ phải tăng cường; giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục, tăng cường cho cơ sở, xóa bỏ quan liêu bao cấp, tăng cường chuyển đổi số, giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm tham nhũng vặt, giảm phiền hà sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp.

Trong quá trình hoàn thiện, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần chống “chạy chọt”, chống lợi ích cá nhân, xóa bỏ cơ chế xin – cho. Cùng với việc làm tốt công tác tư tưởng, cần tiếp tục nghiên cứu chế độ, chính sách trên tinh thần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, cán bộ, công chức, viên chức và có thời kỳ quá độ phù hợp. Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì các nhiệm vụ vẫn phải thúc đẩy, hoàn thành.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phân loại doanh nghiệp và lên phương án đảm bảo quản lý nhà nước và phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm nhiều hơn cho các doanh nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các Bộ, cơ quan hoàn thiện đề án; trên cơ sở đó hoàn thiện đề án chung của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền, đảm bảo thời gian, chất lượng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Tin liên quan