Ưu tiên củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô
Tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Nêu ý kiến về các nội dung này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trong tổ chức thực hiện, phải thể hiện bằng các quy định, thể hiện trách nhiệm của cơ quan từ Trung ương đến địa phương như thế nào. Phân cấp, phân quyền mạnh phải đi liền với hậu kiểm, nếu không có thể dẫn đến mất cán bộ, địa phương thực hiện không đúng quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập đến một số vụ án liên quan đến tự chủ, xã hội hóa các bệnh viện như ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim, Bệnh viện Mắt Sài Gòn. Từ đó, bà Nga đề nghị làm rõ hơn, Chính phủ có đánh giá rút ra được điều gì về quản lý điều hành kinh tế – xã hội, nhất là quản lý các bệnh viện. “Chúng tôi đề nghị, mỗi khi có chủ trương mới, cần phải cho thí điểm, làm một số nơi rồi tổng kết, sau đó mới nhân rộng. Công tác thanh tra, kiểm tra phải làm thường xuyên. Như bây giờ chúng ta mất cán bộ rất nhiều và điều đau xót là toàn các bác sỹ rất giỏi”, bà Nga bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ cho biết, các báo cáo của Chính phủ cũng như của cơ quan thẩm tra có chất lượng tốt, bám sát các nghị quyết và cơ bản phù hợp với tình hình thực tế. Theo Chủ tịch QH đây là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Chính phủ và QH. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi báo cáo sang các cơ quan của QH từ rất sớm. Lãnh đạo QH, các cơ quan của QH vào cuộc từ sớm từ xa. Đây là bài học kinh nghiệm cần phát huy trong thời gian tới. Tuy nhiên, nội dung các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của cơ quan thẩm tra cần chắt lọc, sắc sảo hơn nữa, cần đánh giá sát, đúng và làm nổi bật thành tựu của 4 năm nhiệm kỳ khóa XIV cũng như sự “vượt khó” của năm 2020. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ thêm những vướng mắc, khó khăn khi vận hành cơ chế mới của đầu tư công.
Thực tế cho thấy sau khi sửa Luật Đầu tư công kết hợp với công tác điều hành thì tỷ lệ giải ngân năm 2020 rất cao, đạt 97 – 98%. Cơ cấu thu – chi ngân sách rất tích cực. Nhiều địa phương có tỷ lệ thu nội địa rất cao như Hà Nội đạt tới 93%. Chi thường xuyên giảm rất mạnh, có những thời điểm giảm xuống dưới 62%, 60%, một số địa phương làm rất tốt vấn đề này như Hà Nội bảo đảm chi thường xuyên – chi đầu tư phát triển là 50% – 50%, Quảng Ninh là 49% – 51%.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhắc lại các quan điểm, mục tiêu Trung ương đã thống nhất, trong đó nhấn mạnh các yếu tố nhanh, bền vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu, bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, không để nợ xấu quay trở lại, đây là thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Về các giải pháp, phải bàn kỹ định hướng, phương hướng tổ chức thực hiện như thế nào. Trong đó, về thể chế, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trước hết phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là vấn đề rất lớn nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đề cập, nhất là những vấn đề rất mới lần đầu tiên được đề cập và cả những vấn đề đã có nhưng được tiếp cận theo quan điểm mới như: cách mạng 4.0, các cơ chế thử nghiệm, phát triển đô thị, kinh tế đô thị…
Để tiếp tục sửa đổi hoàn thiện, bổ sung hệ thống thể chế bao gồm các luật, nghị định, thông tư, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải khắc phục 2 khuynh hướng. Một là bảo thủ, sai mà không sửa. Hai là đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế gồm có luật, có nghị định, có thông tư, có văn bản hướng dẫn. Cấp nào là phải có trách nhiệm để rà soát để sửa; phải xác định là sửa cái gì, sửa thế nào. Trong khi hiện nay chúng ta chỉ kêu thôi mà không sửa gì cả.
Kiểm soát chặt việc sử dụng quỹ vaccine
Cùng ngày, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ nhất QH khóa XV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết: Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 nội dung.
Trong đó, cử tri đề nghị các vị đại biểu QH khóa XV đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử; thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, minh bạch thông tin về tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí…
Tại phiên họp, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các nội dung mà Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ nhất QH khóa XV, trong đó có nhiều nội dung và cử tri quan tâm. Theo đánh giá của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ, Mặt trận đã chủ động và chuẩn bị chu đáo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ nhất QH khóa XV. Chủ tịch QH cũng đề nghị, Báo cáo của Mặt trận cần có đánh giá thêm về sự lãnh đạo chỉ đạo của Ban Bí thư, QH, Chính phủ trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là vừa qua đã ban hành gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, đây là Kỳ họp đầu tiên của QH khóa XV, vậy kỳ vọng của cử tri trong 5 năm tới như thế nào, nhất là kỳ vọng của nhân dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.