Chiều 28/12, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; vụ trưởng, trưởng ban tổ chức, cán bộ các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan ở Trung ương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và các Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì hội nghị.
Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các mặt công tác
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính phát biểu đề dẫn cho biết: Năm 2022, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã có nhiều nỗ lực tham mưu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao: Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng công tác tham mưu chiến lược. Hoàn thành 19/19 đề án trong chương trình gồm 2 đề án trình BCH Trung ương, 10 đề án trình Bộ Chính trị, 7 đề án trình Ban Bí thư bảo đảm tiến độ, chất lượng. Công tác phối hợp giữa Ban Tổ chức Trung ương với các địa phương, cơ quan, đơn vị được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các quy định của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng như việc phối hợp tổ chức giao ban trực tuyến công tác tổ chức xây dựng Đảng ngày càng nền nếp và chất lượng; việc phối hợp xây dựng các đề án, nhiệm vụ; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Trung ương và các văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Trong năm 2022, Ban Tổ chức Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, nhất là Bộ Nội vụ hoàn thiện nội dung trao đổi, giải đáp 281 đề xuất, kiến nghị về công tác tổ chức xây dựng Đảng…
Đồng thời, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cũng chỉ rõ vẫn còn một số bất cập như: Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; chất lượng một số văn bản góp ý chưa cao do thời gian xin ý kiến ngắn chưa tổ chức lấy ý kiến được nhiều đối tượng; một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời nghiên cứu, có giải pháp phù hợp; công tác phối hợp thẩm định hồ sơ nhân sự diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có lúc chậm.
Từ thực tiễn công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022, đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nêu ra một số kinh nghiệm: Luôn bám sát nhiệm vụ chính trị được BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp uỷ các cấp giao, bám sát chương trình công tác của Ban Tổ chức Trung ương; chú trọng công tác thể chế hoá, cụ thể hoá, bảo đảm thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác tổ chức xây dựng Đảng; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các cấp uỷ, tổ chức đảng; quan tâm, chăm lo công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng có bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Đồng chí Mai Văn Chính nhấn mạnh, năm 2023 toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đồng bộ 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, 3 nhiệm vụ, giải pháp đột phá chiến lược về công tác xây dựng Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ, thông tin, báo cáo kịp thời những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức xây dựng Đảng ở các địa phương, đơn vị.
Tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương biểu dương kết quả toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đạt được trong năm 2022, đồng thời ghi nhận những ý kiến của các đại biểu tại hội nghị. Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị trên cơ sở chương trình làm việc chung của toàn Ngành được Ban Tổ chức Trung ương đưa ra tại hội nghị, các đại biểu nghiên cứu, xây dựng chương trình công tác đồng bộ phối hợp thống nhất từ Trung ương đến địa phương tạo nên hiệu ứng tích cực cho kết quả thực hiện công tác tổ chức xây dựng Đảng.
“Nếu có sự phối hợp tốt, đồng bộ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, trong đó có Ban Tổ chức Trung ương sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn,” Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2023, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các Trưởng ban Tổ chức tỉnh, thành ủy; vụ trưởng, trưởng ban tổ chức cán bộ các bộ, ban, ngành trực thuộc Trung ương cần quán triệt rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, trong năm 2023.
Cụ thể, năm 2023 được xác định là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; do đó, yêu cầu quyết tâm cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn để tiến hành một số công việc quan trọng; tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết của Đảng.
Bên cạnh đó, đối với kinh tế-xã hội, phải tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh đối ngoại nâng cao đời sống nhân dân.
Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Bộ Chính trị cũng yêu cầu phải đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết trong năm 2023, Đảng sẽ tổ chức để lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ; quy hoạch cán bộ cấp chiến lược để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới và tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, trong đó có Nghị quyết 28-NQ/TW về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Cũng theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phải tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình gắn với kiểm soát quyền lực siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Cùng với 4 nhiệm vụ trọng tâm trên, Trưởng ban Tổ chức Trung ương yêu cầu các trưởng ban tổ chức tỉnh, thành ủy; vụ trưởng, trưởng ban tổ chức cán bộ các bộ, ban, ngành trực thuộc Trung ương lưu ý 15 nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho Ban Tổ chức Trung ương để đảm bảo sự phối hợp thực hiện nhịp nhàng, chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, cơ sở; đồng thời tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; chú trọng xây dựng ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Cho biết năm 2024, Đảng sẽ tiến hành tổng kết 15 năm thi hành Điều lệ Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị tất cả các Ban Tổ chức của các địa phương, bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên một cách mạnh mẽ quyết liệt hơn.
Công tác phát triển đảng viên, chất lượng sinh hoạt chi bộ phải cụ thể hóa, thực hiện tốt hơn; tích cực tham gia khảo sát, đóng góp ý kiến cũng như xây dựng báo cáo tổng kết thi hành Điều lệ Đảng ở địa phương, đơn vị, để Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
Đề cập yêu cầu với cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh cán bộ làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng phải nghiên cứu sâu, đầy đủ các chủ trương, quy định của Đảng.
“Người nào phụ trách việc gì, hỏi là trả lời được ngay, không lúng túng. Cán bộ chuyên nghiệp tới mức đó thì mới gọi là cán bộ tổ chức xây dựng Đảng. Tôi rất mong các đồng chí nghiên cứu sâu, đầy đủ, tất cả các chủ trương, kết luận, quy định của Đảng liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng. Không đặt ra cho mình một tinh thần chủ động tự giác để cập nhật liên tục các chủ trương quy định của Đảng thì không đáp ứng đủ yêu cầu,” Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu rõ.
theo Trọng Bằng – Báo công lý
https://congly.vn/thuc-hien-nghi-quyet-trung-uong-5-mot-cach-manh-me-quyet-liet-hon-220774.html