Thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án

Cập nhật: 24/08/2022 09:06

Trên thực tế, các tranh chấp lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động hay với tập thể người lao động xảy ra thường xuyên ở nơi làm việc. Các tranh chấp này đa phần liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động như vấn đề tiền lương, việc làm, điều kiện lao động, kỷ luật lao động… Các bên trong tranh chấp lao động thường tìm đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và đa phần họ yêu cầu tòa án giải quyết.

 Ảnh minh họa. 

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án

Trên thực tế, các tranh chấp lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động hay với tập thể người lao động xảy ra thường xuyên ở nơi làm việc. Các tranh chấp này đa phần liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động như vấn đề tiền lương, việc làm, điều kiện lao động, kỷ luật lao động… Các bên trong tranh chấp lao động thường tìm đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và đa phần họ yêu cầu tòa án giải quyết.

Theo quy định tại Điều 187 và 191 Bộ luật Lao động năm 2019, tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền. Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, tòa án không có thẩm quyền giải quyết, do đây là những tranh chấp về các vấn đề chưa được pháp luật quy định hoặc chưa được thỏa thuận, cam kết trong các hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc dưới hình thức khác. Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 195 Bộ luật Lao động năm 2019, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích không thuộc về tòa án mà thuộc về hòa giải viên lao động hoặc hội đồng trọng tài lao động.

Thẩm quyền của tòa án trong giải quyết tranh chấp lao động được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó, tại Điều 32, tòa án có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà đã hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải. Cũng căn cứ Điều 35 Bộ luật này, tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp lao động nêu trên; đối với các trường hợp đương sự ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp ở nước ngoài thì sẽ do tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Ngoài ra, tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp huyện nếu thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của tòa án nhân nhân cấp huyện theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, nếu chỉ quy định thẩm quyền như trên có thể dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền giữa các tòa án. Để phòng tránh điều đó, cũng như để nâng cao hiệu quả trong giải quyết tranh chấp lao động, pháp luật tố tụng hiện hành đã quy định rõ ràng về thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, các bên có thể thỏa thuận với nhau để lựa chọn tòa án có thẩm quyền giải quyết, trường hợp không thỏa thuận được, nếu nguyên đơn có yêu cầu thì tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động. Trong trường hợp nguyên đơn không có yêu cầu thì tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu bị đơn là người lao động), hoặc nơi bị đơn có trụ sở (bị đơn là người sử dụng lao động) sẽ có thẩm quyền giải quyết.

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án

Khi có yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động, một bên trong tranh chấp lao động gửi đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu liên quan đến tranh chấp lao động như hợp đồng lao động và phụ lục hợp đồng, tài liệu chứng minh việc các bên đã hòa giải ở cơ sở nhưng không thành hoặc hòa giải không diễn ra hoặc các bên không tuân thủ biên bản hòa giải thành; các bên đã có yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động nhưng ban hội đồng lao động không được thành lập hoặc đã được thành lập nhưng không tiến hành giải quyết tranh chấp lao động trong thời hạn luật định, hoặc bên còn lại không thi hành quyết định của trọng tài…

Khi đơn khởi kiện đáp ứng đủ điều kiện trên, tòa án sẽ thụ lý vụ án và tiến hành hòa giải để các bên trong tranh chấp lao động thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp lao động (cả về nội dung và án phí). Nếu các bên thỏa thuận được, thẩm phán sẽ lập biên bản hòa giải thành, và hết thời gian 07 ngày, nếu không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Các bên trong tranh chấp lao động sẽ thực hiện theo biên bản hòa giải thành này. Trường hợp các bên không thỏa thuận được, tòa án đưa vụ án ra xét xử, các bên có nghĩa vụ phải thi hành bản án của tòa án. Nếu không đồng ý với phán quyết của tòa, đương sự có thể kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố bản án.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án

Như vậy, pháp luật lao động hiện hành đã quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động của tòa án. Tuy nhiên, với kinh nghiệm 12 năm hành nghề luật sư, tác giả nhận thấy thực tế áp dụng vẫn còn một số khó khăn, bất cập, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, đa phần các tranh chấp lao động đều do tòa án giải quyết, điều này đã gây áp lực lên các cơ quan tòa án khi phải giải quyết một số lượng án lao động lớn, kết quả là án tồn động qua năm, không được giải quyết kịp thời nên không bảo đảm được quyền lợi của các bên trong tranh chấp lao động, nhất là quyền lợi của người lao động – chủ thể vốn yếu thế hơn trong quan hệ lao động, trong khi pháp luật hiện hành cho phép các bên có thể tự giải quyết tranh chấp lao động thông qua thương lượng hoặc nhờ đến sự giúp đỡ của hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động.

Thứ hai, vẫn còn xảy ra tình trạng vụ tòa án xét xử sơ thẩm thiếu căn cứ pháp luật, nhiều lỗ hổng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Trong một số vụ án, khi nghiên cứu tài liệu, đánh giá chứng cứ, tòa án còn thiếu khách quan, thiếu tính toàn diện. Không ít thẩm phán không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, không xem xét kỹ yêu cầu của đương sự, thụ lý và giải quyết sai đối tượng khởi kiện, dẫn đến tình trạng giải quyết lại vụ án đã bị hủy, nên tòa án cấp phúc thẩm phải hủy hoặc sửa án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm, kéo dài thời hạn giải quyết tranh chấp lao động.

Thứ ba, việc giải quyết tranh chấp lao động của tòa án còn gặp một số trở ngại do người lao động khó khăn trong thu thập, cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền lợi của mình bị xâm phạm, cũng như gửi đơn khởi kiện đến tòa án không đúng thẩm quyền. Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ sự chồng chéo, chưa đồng bộ giữa các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Thứ tư, qua thực tiễn áp dụng, có thể thấy cơ chế giải quyết tranh chấp lao động thông qua tòa án không phù hợp với những tranh chấp lao động mà các bên mong muốn được giải quyết nhanh chóng cũng như những tranh chấp lao động nhỏ, không phức tạp bởi cơ chế này sẽ làm các bên mất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí tố tụng. Thay vì đó, các bên trong tranh chấp lao động nên lựa chọn hòa giải thông qua hòa giải viên lao động.

Qua thực trạng trên, tác giả cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phương thức giải quyết tranh chấp lao động đến người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động để họ có thể lựa chọn phương thức xử lý phù hợp nhất, tiết kiệm được thời gian và công sức, kịp thời bảo vệ quyền lợi cho mình, đồng thời giảm áp lực một phần cho cơ quan tòa án. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền pháp luật lao động đến người lao động và người sử dụng lao động sẽ giúp họ nhận thức rõ hơn về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết của tòa án, tạo thuận lợi cho tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Về phía đội ngũ cán bộ, công chức của tòa án, họ cần nâng cao trách nhiệm, khắc phục quan điểm coi nhẹ công tác giải quyết các vụ việc lao động để giải quyết nhanh chóng, kịp thời, khách quan các tranh chấp lao động cũng như nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp thông qua các buổi tập huấn, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác giải quyết, xét xử.

               theo             Luật sư TRẦN XUÂN TIỀN

Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/thuc-tien-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong-tai-toa-an1661266137.html

Tin liên quan