Tiếp tục phát huy chủ quyền nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Cập nhật: 20/07/2022 08:21

Một trong những giá trị cốt lõi đầu tiên của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Ðây là nguồn gốc, là bản chất và là sức mạnh của nhà nước pháp quyền XHCN nước ta.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa UBND quận Hai Bà Trưng. (Ảnh minh họa: THÀNH NGUYỄN)

Theo đó, chủ quyền nhân dân cao hơn quyền lực nhà nước; quyền lực nhà nước được phái sinh từ quyền lực của nhân dân, do nhân dân giao quyền, ủy quyền có giới hạn và phải chịu sự kiểm soát của nhân dân. Hay nói cách khác, nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước, có trước, khách quan và độc lập với quyền lực nhà nước.

Chính vì thế, chủ quyền nhân dân là nguồn gốc của tính chính danh, tính hợp pháp của nhà nước. Nhà nước và quyền lực của nhà nước có được là dựa trên sự đồng thuận của nhân dân, thông qua việc nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến (quyền phúc quyết Hiến pháp và quyền tài phán vi phạm Hiến pháp) và nhân dân trực tiếp thực hiện quyền bầu cử và bãi miễn những người thay mặt mình nắm giữ quyền lực nhà nước. Vì thế, quyền lập hiến và quyền bầu cử là hai quyền cơ bản thể hiện chủ quyền của nhân dân trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước.

Giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Người đầu tiên ở nước ta nhận thức một cách sâu sắc và thực hiện một cách nhất quán, xuyên suốt tư tưởng về chủ quyền nhân dân trong xây dựng nhà nước kiểu mới-nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở nước ta là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho hình thức dân chủ trực tiếp ở nước ta. Hiến pháp năm 1946 do Người làm trưởng ban soạn thảo đã quy định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” (Ðiều 21) và “Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết” (khoản c, Ðiều 70 Hiến pháp năm 1946).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ quyền nhân dân xuyên suốt trong tư duy lý luận và quan điểm, đường lối của Ðảng ta về xây dựng nhà nước, từ nhà nước dân chủ nhân dân, rồi nhà nước chuyên chính vô sản và hiện nay là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cốt lõi trong quan điểm về chủ quyền nhân dân là tư tưởng chính quyền thuộc về nhân dân.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước trong điều kiện mới, tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1/1994), Ðảng ta đề ra chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Mô hình tổng thể nhà nước pháp quyền XHCN mà Ðảng ta xây dựng là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Thể chế hóa quan điểm nhà nước pháp quyền XHCN của Ðảng, Hiến pháp năm 2013 tại Ðiều 2 khẳng định: (1) Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; (2) Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Vai trò chủ thể của nhân dân ngày càng được bổ sung, hoàn thiện và phát triển

Quan điểm, nhận thức của Ðảng về chủ quyền nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, vai trò chủ thể của nhân dân ngày càng được bổ sung, hoàn thiện và phát triển trong quá trình thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Từ chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân ở Ðại hội Ðại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) đến Hội nghị Trung ương ở khóa VII chuyên đề bàn về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính” (1/1995) đã đề ra 5 quan điểm cơ bản chỉ đạo xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước, trong đó quan điểm đầu tiên là: “Xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Ðảng Cộng sản lãnh đạo. Thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội”.

Các Ðại hội lần thứ VIII, IX của Ðảng tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN bảo đảm “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân. Làm rõ hơn nhận thức về nhà nước pháp quyền XHCN trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân và bắt đầu chú trọng tới vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước trong đó có giám sát quyền lực nhà nước của nhân dân.

Ðại hội X và XI của Ðảng tiếp tục làm sâu sắc hơn nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ðây là các Ðại hội có bước phát triển về nhận thức. Văn kiện Ðại hội X trong mục tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân đã đề cập tới vấn đề: “Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”, trong đó đã đề cập sâu đến vấn đề: “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Văn kiện Ðại hội XI, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ (bổ sung và phát triển năm 2011) đã bổ sung vào nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền XHCN một nội dung mới, đó là kiểm soát quyền lực nhà nước.

Ðây là một bước nhận thức mới và là bước đột phá trong việc đề cao chủ quyền nhân dân, đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước phải được tổ chức và hoạt động trong giới hạn mà nhân dân giao cho, phải được kiểm soát và hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền.

Ðại hội XII của Ðảng kiên định quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân trong giai đoạn mới với một nhận thức mới cao hơn, đó là Nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động, trong đó nguyên tắc pháp quyền đầu tiên là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.

Ðại hội XIII của Ðảng đã định hướng giai đoạn 2021-2030 là Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, khi đề cập tới việc xây dựng và hoàn thiện từng thiết chế cấu thành bộ máy nhà nước, đòi hỏi phải thực sự của dân, do dân, vì dân, phục vụ nhân dân; phải thể hiện sâu sắc quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong hoạt động lập pháp, xây dựng nền hành chính, nền tư pháp. Ðại hội XIII của Ðảng còn chỉ rõ: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở… phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phương châm này thể hiện một bước phát triển mới trong quan điểm của Ðảng về phát huy dân chủ và các giá trị đích thực của dân chủ.

Cùng với các quan điểm, nhận thức mới về chủ quyền nhân dân trong đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Ðảng, việc tổ chức thực hiện trong thực tế cũng ngày càng được đổi mới và tăng cường.

Trước hết, Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa các quan điểm của Ðảng về đề cao chủ quyền nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của dân, do dân, vì dân. Từ chỗ Hiến pháp không quy định nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến (Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992) đến việc ghi nhận “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này” (lời nói đầu Hiến pháp năm 2013).

Từ chỗ chưa hình thành cơ chế bảo vệ Hiến pháp đến chỗ tuy chưa thật đầy đủ nhưng đã hình thành cơ chế bảo vệ Hiến pháp theo Luật định (khoản 2 Ðiều 119 Hiến pháp năm 2013) để tiến tới hình thành cơ chế bảo vệ Hiến pháp độc lập, chuyên trách khi có điều kiện. Từ chỗ nhân dân chỉ thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân đến chỗ thừa nhận nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua các cơ quan đại biểu của nhân dân và các cơ quan nhà nước khác mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp (Ðiều 6 Hiến pháp năm 2013).

Từ chỗ đồng nhất quyền con người với quyền công dân trong Hiến pháp năm 1980 đến thừa nhận quyền con người nhưng chưa phân biệt quyền con người với quyền công dân trong Hiến pháp năm 1992 đến quy định đầy đủ và rõ ràng hơn với nguyên tắc hiến định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1 Ðiều 14).

Từ chỗ chỉ khẳng định: Ðảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội (Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992) đến chỗ không những khẳng định vị trí và vai trò lãnh đạo, mà còn nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng là “phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” (Ðiều 4 Hiến pháp năm 2013).

Nhiều quyền mới của con người, của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Ðã hình thành cơ chế kiểm soát của nhân dân đối với quyền lực chính trị của Ðảng lãnh đạo và quyền lực nhà nước bằng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Ðiều 9 Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015). Cơ chế kiểm soát quyền lực này đã được vận hành trong thực tiễn và thu được những kết quả ban đầu. Dân chủ cơ sở được đề cao và phát huy trong thực tiễn.

Một số quyền dân chủ trực tiếp đã được thể chế như Luật Trưng cầu ý dân năm 2015; Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016; Luật Khiếu nại, Tố cáo (sửa đổi); Luật Tiếp cận thông tin và Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung với nhiều tư duy pháp lý mới đề cao nhân tố con người, quyền con người, quyền công dân.

Tuy đạt được một số kết quả về nhận thức và tổ chức thực hiện nói trên, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ðó là, xã hội nói chung, các cơ quan, tổ chức và công dân nói riêng chưa có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò chủ thể, chủ quyền nhân dân của mình trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Quyền lập hiến là quyền thể hiện một cách trọn vẹn nhất chủ quyền thuộc về nhân dân nhưng nhân dân chưa được thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp và chưa có cơ chế bảo vệ Hiến pháp độc lập, chuyên trách của mình khi quyền lực nhà nước vi phạm Hiến pháp, xâm hại đến quyền hiến định của mình. Vấn đề nữa là dân chủ trực tiếp chưa được coi trọng; một số quyền dân chủ hiến định chưa được thể chế hóa như quyền hội họp, lập hội, biểu tình (Ðiều 25 Hiến pháp); quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Ðiều 28).

Cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực chính trị của Ðảng lãnh đạo và quyền lực nhà nước chưa hoàn thiện và vận hành một cách có hiệu quả. Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp chưa được coi trọng đúng mức và chưa có đầy đủ các quy định pháp lý để nâng cao hiệu lực và hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước…

Tổ chức thực hiện quyết liệt hơn quyền chủ quyền của nhân dân

Trong thời gian tới theo chúng tôi, về mục tiêu của việc tiếp tục phát huy chủ quyền nhân dân là trên cơ sở nâng cao nhận thức, thể chế hóa đầy đủ và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt hơn quyền chủ quyền của nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Về quan điểm, chúng ta kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, và đường lối của Ðảng ta về phát huy dân chủ, quyền chủ quyền của nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân và vì dân; bảo đảm và thực hiện quyền chủ quyền của nhân dân là giá trị cốt lõi, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta; đề cao chủ quyền nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Về phương hướng, từ nay đến năm 2030: cần phải thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm tổ chức thực hiện trên thực tế các quyền dân chủ trực tiếp được Hiến pháp năm 2013 quy định. Từ sau năm 2030, định hướng đến năm 2045: có thể sửa đổi Hiến pháp năm 2013 để bổ sung các quyền chủ quyền của nhân dân còn thiếu như quyền phúc quyết Hiến pháp cơ chế hiến định về tài phán Hiến pháp chuyên trách.

Trong điều kiện dân trí ngày càng cao, dân chủ ngày càng mở rộng và tăng cường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì vấn đề phát huy chủ quyền nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng, trước hết, cần tiếp tục nhận thức sâu sắc và đổi mới tư duy về mối quan hệ giữa chủ quyền nhân dân với quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước.

Hai là, xây dựng cơ chế bảo hiến độc lập chuyên trách và cơ chế phúc quyết Hiến pháp. Nên chăng xem việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế phúc quyết Hiến pháp và cơ chế tài phán vi phạm Hiến pháp độc lập, chuyên trách là bước đột phá có tính chiến lược về đề cao chủ quyền nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta từ nay đến năm 2030 định hướng đến năm 2045.

Ba là, xây dựng xã hội pháp quyền, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật. Ðây được xem là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục của toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, phát huy vai trò của các hình thức dân chủ trực tiếp và vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN – nhiệm vụ có tính đột phá trong việc đề cao chủ quyền nhân dân của chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN từ nay đến năm 2030 định hướng đến năm 2045 ở nước ta.

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24