Tọa đàm trực tuyến về giải pháp hỗ trợ, ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch

Cập nhật: 17/11/2021 10:38

Sáng 17/11, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch”.

Trong năm 2021, thị trường lao động nước ta phải đối mặt với những tác động tiêu cực khi số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao. Đồng thời, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng so quý trước và cùng kỳ do những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến hết quý  III, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm.  Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý III lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế gắn liền với với bảo đảm an sinh xã hội.

Với mong muốn góp phần đưa các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến mang chủ đề “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch”. Qua đó, nhằm ghi nhận những ý kiến đóng góp thẳng thắn, những kinh nghiệm thực tiễn từ đại diện người lao động, người sử dụng lao động, các nhà quản lý, chuyên gia để làm rõ hơn ý nghĩa, nội dung, cũng như lộ trình, bước đi trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động sau đại dịch.

Chương trình có sự tham gia của đại diện các cơ quan như: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cũng như các doanh nghiệp.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi tới email nhandandientu@nhandan.vn, hoặc qua Fanpage của Báo Nhân Dân https://facebook.com/nhandandientutiengviet/.

 09:35
 Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc tọa đàm
Tọa đàm trực tuyến về giải pháp hỗ trợ, ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch -0

Thưa các quý vị khách mời và quý bạn đọc thân mến,
Thưa các đồng chí và đồng nghiệp,

Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến thị trường lao động nước ta phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức rất cao, cung – cầu lao động mất cân bằng ở hầu hết các địa bàn, ngành nghề; đồng thời thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm mạnh so với trước đại dịch.

Đến hết quý III, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm. Giãn cách xã hội kéo dài đã làm trầm trọng hơn các điểm yếu của thị trường lao động và ảnh hưởng mạnh đến ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Số lao động trong 2 ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý III lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội.

Ngày 25/6, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư hoan nghênh, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ngay từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát trong năm 2020 có ý nghĩa chính trị – xã hội quan trọng, góp phần hỗ trợ người dân, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân về các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Bộ Chính trị cũng đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội; rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và các biện pháp hỗ trợ của các nước để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực.

Trên tinh thần khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Trước đó, được sự đồng ý về chủ trương của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Những chính sách ban hành nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch, bao gồm cả người dân, người lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động, những đối tượng yếu thế, phụ nữ mang thai, trẻ em mồ côi cha, mẹ vì đại dịch,… cũng như những ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch như vận tải, hàng không, dịch vụ lưu trú, du lịch,… trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.

Thưa các quý vị,
Với mong muốn góp phần đưa nhanh các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, hôm nay, Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến để lắng nghe những ý kiến đóng góp thẳng thắn, thiết thực, những kinh nghiệm thực tiễn quý báu ở trong nước và quốc tế từ đại diện người lao động, người sử dụng lao động, các nhà quản lý, chuyên gia để làm rõ hơn ý nghĩa, nội dung, cũng như lộ trình, bước đi trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động sau đại dịch.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia buổi tọa đàm trực tuyến hôm nay.

Xin chúc quý vị sức khỏe và chúc buổi tọa đàm thành công tốt đẹp!

 09:39
 Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

Thưa ông, đến thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động trong nước? Xin ông có thể chia sẻ một số kết quả của các chính sách hỗ trợ lao động, doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 trong năm 2021? Nhất là kết quả từ các gói hỗ trợ của Nghị quyết 68, Nghị quyết 116?

Tọa đàm trực tuyến về giải pháp hỗ trợ, ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch -0

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

Tôi rất vui mừng được tham gia tọa đàm ngày hôm nay. Trước tiên, về một số tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động Việt Nam, tôi xin được chia sẻ mấy nội dung:

Từ đầu năm 2021, Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Trong quý III, người lao động bị tác động nhiều nhất với 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng rất nặng nề với 4,59% lao động vùng Đông Nam bộ có và 44,7% lao động vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc.

Nguồn cung lao động bị suy giảm. Trong quý 3/2021, lực lượng lao động có 49,1 triệu lượt người, giảm 22 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2020. Lao động việc làm là 47,2 triệu người, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, năm 2021, số lượng lao động giảm việc làm rất trầm trọng.

Về cơ cấu việc làm và chuyển dịch bị đảo chiều. Trước kia thông thường lĩnh vực nông lâm thủy sản giảm, lĩnh vực dịch vụ công nghiệp tăng nhưng trong đợt này lại đảo chiều. Số lao động trong nông lâm thủy sản 14,5 triệu người tăng lên 479.000 người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 960.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động ngành việc làm trong ngành dịch vụ là 17,1 triệu người, giảm 2-3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Như vậy lĩnh vực dịch vụ giảm rất lớn.

Tiền lương thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao. Tỷ lệ thiếu việc làm quý III/2021 là 4,46%, là hơn 1,8 triệu người, tăng 1,86% so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98% hơn 1,7 triệu người, tăng hơn 1,25% so với cùng kỳ năm trước.

Về kết quả các chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, có Nghị quyết 68 của Chính phủ và để triển khai, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 23. Sau quá trình thực hiện có vướng mắc khó khăn, Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 126, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 33.

Cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Để triển khai Nghị quyết ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 28.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116, tính đến thời điểm này, tổng kinh phí thực hiện 27,24 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 27,62 triệu lượt đối tượng.

Trong đó có 3 nhóm chính sách chính: Thứ nhất, nhóm bảo hiểm đã hỗ trợ 5,38 nghìn tỷ đồng cho 375.809 đơn vị sử dụng lao động và 11,389 triệu người lao động.

Nhóm thứ 2 là chính sách hỗ trợ bằng tiền, đã hỗ trợ cho hơn 15,64 triệu đối tượng với tổng kinh phí là 21,11 nghìn tỷ động, trên 13,35 triệu người lao động tự do và đối tượng đặc thù khác tại 58 tỉnh, thành phố được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 17,14 nghìn tỷ đồng.

Nhóm thứ 3 là nhóm chính sách cho vay vốn đã giải ngân 479,5 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.449 doanh nghiệp để trả lương cho 209.280 lượt người lao động.

Về thực hiện Nghị quyết 116 và Quyết định 28, tính đến nay đã hỗ trợ bằng tiền cho 11,365 triệu lao động với tổng số tiền hỗ trợ là 27,230 tỷ đồng (gói này dự kiến hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng). Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động cơ bản hoàn thành, giảm mức đóng cho hơn 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính điều chỉnh giảm đóng là 7.595 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành chính sách (Theo Nghị quyết phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021).

Hiện còn có một số đối tượng bảo hiểm chưa nắm danh sách thì các đối tượng này sẽ đến trực tiếp bảo hiểm xã hội. Hy vọng trong thời gian ngắn nhất sẽ hoàn thành chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

 09:48
 Thưa Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo chương trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và an sinh xã hội trong một bộ phận cấu thành của Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Nội dung cụ thể của chương trình tập trung vào các vấn đề gì và tiến độ ra sao? Nguồn kinh phí dành cho chương trình sẽ được huy động như thế nào? Chúng ta cần tận dụng những cơ hội trong thách thức từ đại dịch như thế nào để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”?

Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh: Trước sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động, nguy cơ thiếu lao động rất lớn. Để phục hồi thị trường lao động, chúng ta cần nhiều giải pháp kịp thời.

Hiện nay, Bộ đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, với 7 nhóm giải pháp lớn với những cơ chế chính sách tập trung vào những vấn đề lớn:

Hỗ trợ trực tiếp người lao động: giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm… Hiện nay các doanh nghiệp đi vào sản xuất phải xét nghiệm rất nhiều.

Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Một số nơi thiếu lao động, biện pháp này hỗ trợ bảo đảm nguồn cung cho doanh nghiệp.

Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động: hai bên có cung hoặc có cầu nhưng đôi khi không gặp nhau, chúng ta giúp cho việc kết nối này nhanh hơn.

Hoàn thiện bền vững thị trường lao động: hiện đại hóa thị trường lao động, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm, có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia của Bộ Công an.

Bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động.

Xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình khá lớn, hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ, như vậy Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư sẽ nghiên cứu để bố trí kinh phí làm sao cho đủ để thực hiện 7 giải pháp này.

Ngoài ngân sách Trung ương, chúng ta cần huy động ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa.

Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, do đó cần tận dụng cơ hội này.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam, như là thị trường lao động bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra thiếu lao động cho sản xuất kinh doanh. Mỗi nơi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho nên việc đi lại giao lưu giữa các vùng cũng khó khăn hơn, gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.

Tác động của dịch Covid-19 cũng làm gia tăng khoảng cách về kỹ năng của ngời lao động hiện tại và các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần để thích ứng với thay đổi về công nghệ và thị trường.

Tuy nhiên khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, cũng tạo ra nhiều cơ hội lớn để thị trường lao động phát triển. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp sắp xếp cơ cấu sản xuất kinh doanh phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội điều chỉnh phân bổ lại lao động giữa các vùng, các ngành kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, kinh tế xanh. Đó là cơ hội phát triển các hình thức giao dịch việc làm, cơ hội đổi mới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Để tận dụng được các cơ hội trên, trước hết phải triển khai có hiệuq ủa các giải pháp. Trước hết là phải kiểm soát được dịch bệnh. Người lao động phải được an toàn, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất.

Chúng ta cũng phải thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, và doanh nghiệp khó khăn, như Nghị quyết 68 đã ban hành. Bên cạnh đó, các chính sách về tín dụng, tài khóa, giảm, giãn nợ, thuế phí, cơ cấu lại khoản vay, giảm giãn nợ ngân hàng, tiếp tục hỗ trợ cho vay vốn để sản xuất kinh doanh. Đồng thời chúng ta cũng sớm ban hành và triển khai một số giải pháp. Trong chương trình phát triển kinh tế xã hội, hiện nay Chính phủ đang nghiên cứu trình các cơ quan có thẩm quyền trong đó có nhiều chính sách khác nhau, hỗ trợ các đối tượng từ người sử dụng lao động, doanh nghiệp cho đến người lao động.

Và Chương trình phát triển thị trường lao động mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ, đang xây dựng trong đó chú trọng các giải pháp đào tạo việc làm chất lượng, phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Chúng ta nếu làm tốt chương trình này, sẽ phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng và bền vững.

 09:52
 Thưa TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, ông đánh giá như thế nào về các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ với người lao động và người sử dụng lao động để vượt qua những khó khăn trong dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, nhất là trong năm 2021 này như gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116? Trong thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã có những giải pháp nào để hỗ trợ người lao động?
Tọa đàm trực tuyến về giải pháp hỗ trợ, ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch -0

TS Vũ Minh Tiến:

Trước khi trả lời 2 câu hỏi, tôi xin thay mặt cho rất nhiều cán bộ công đoàn cả nước, đặc biệt là đoàn viên công đoàn cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của toàn bộ hệ thống chính trị từ cấp cao nhất là Đảng, Nhà nước, tới các cấp các ngành, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.

Qua gặp trực tiếp công nhân, lao động tự do, có một nhận xét chung là các chính sách của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với người lao động trong 2 năm vừa qua được tóm gọn trong “3 từ hơn” và “3 từ nhất”: Các chính sách sau ngày càng kịp thời hơn, thiết thực hơn và thuận tiện hơn.

Riêng 2 gói hỗ trợ gần đây nhất, đặc biệt là gói hỗ trợ từ bảo hiểm thất nghiệp, tất cả công nhân lao động và doanh nghiệp đều rất phấn khởi vì tính kịp thời và thủ tục thuận tiện. Như tôi được biết, hầu hết công nhân lao động và các doanh nghiệp đều đã tiếp cận được gói này. Đầu tiên tôi cũng rất hoang mang với mục tiêu 45 ngày nhưng đến nay về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu “tốc tiến, tốc thắng”. Người lao động rất mong có thêm nhiều gói như gói hỗ trợ 68.

Cùng với các cấp các ngành, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong 2 năm qua, đặc biệt là đợt dịch 4 vừa rồi, đã tiếp tục thể hiện vai trò trách nhiệm với người lao động nói chung và với công đoàn, công nhân nói riêng.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ tạo các cấp công đoàn trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kịp thời phát hiện những khó khăn của người lao động để kịp thời phản ánh, để kiến nghị với các cấp các ngành về các biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho các lao động khó khăn, đặc biệt là các lao động yếu thế như lao động nữ di cư đang mang bầu, con nhỏ, lao động di cư, nhập cư mất việc.

Tổng Liên đoàn Lao động chưa tổng hợp kịp, nhưng sơ bộ gần 2 năm vừa rồi, tổng nguồn lực hỗ trợ cho lao động vì dịch Covid-19 lên tới gần 6.000 tỷ đồng, gần 1 triệu cán bộ công đoàn các cấp huy động để triển khai đến từng ngõ xóm đến từng nơi phát quà. Những phần quà công đoàn, từ nhà hảo tâm được phát cho mọi đối tượng, không phân biệt người lao động trong công đoàn hay ngoài công đoàn, miễn là lao động khó khăn.

Chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở đối thoại, bàn bạc với người lao động để san sẻ việc làm đều cho người lao động dù ít việc, hỗ trợ một phần lương để người lao động duy trì cuộc sống chờ việc, giữ chân người lao động.

Phát động hàng nghìn sáng kiến, hàng trăm nghìn sáng kiến như ATM gạo, túi quà tình nghĩa, túi quà thực phẩm khô,…

 

 10:00
 Qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã thấy hiện hữu nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực của thị trường lao động nước ta. Việc người lao động từ các tỉnh, thành phố khu vực phía nam về quê tránh dịch rất được quan tâm. Ông có cho rằng có tình trạng thiếu hụt lao động sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát? Làm sao để có thể tránh được tình trạng này? Chính sách nào để giữ chân được người lao động sau đại dịch?
Tọa đàm trực tuyến về giải pháp hỗ trợ, ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch -0

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

Do tác động mạnh của dịch bệnh Covid-19 đã dẫn đến có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh: thời gian qua đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía nam về các địa phương (chiếm khoảng 60% số người dân di chuyển, trong đó khoảng 292 nghìn người về từ TP Hồ Chí Minh và 450 nghìn người trở về từ một số tỉnh trọng điểm phía nam). Một số tỉnh có số lao động lớn trở về là Thanh Hóa (160 nghìn người), Sóc Trăng (99,7 nghìn người), Nghệ An (75,8 nghìn người); Đắc Lắc (75 nghìn người), Cà Mau (58,7 nghìn người), An Giang (65 nghìn người), Sóc Trăng (50,7 nghìn người), Hà Tĩnh (36 nghìn người), Kiên Giang (32 nghìn người), Hậu Giang (20 nghìn người),…

Qua khảo sát tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy: Có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì: các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100% (hiện có khoảng 70-75% doanh nghiệp, 50-60% lượng lao động so với trạng thái bình thường), mặt khác nhiều doanh nghiệp đã có chính sách giữ chân, như Tập đoàn Dệt May Việt Nam thường xuyên giữ mối liên hệ với người lao động nên mức độ thiếu hụt lao động không đáng kể.

Tuy nhiên, vào khoảng tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao. Dự kiến trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700 nghìn người.

Nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái “bình thường mới”. Cụ thể như:

– Nỗ lực phòng chống, dịch, bảo đảm an toàn, bảo đảm duy trì việc làm với chính sách “tại chỗ” và di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc, cùng các hình thức khác phù hợp với từng doanh nghiệp để duy trì việc làm.

– Thực hiện các chế độ bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho người lao động để người lao động yên tâm sản xuất, kinh doanh.

– Đối với lao động ngừng việc do doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc có người lao động về quê, các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp nhằm “giữ chân” lao động như: (i) chủ động giữ thông tin, liên lạc để sẵn sàng kêu gọi người lao động quay trở lại sản xuất khi tình hình dịch được kiểm soát thông qua lập các nhóm trên mạng xã hội, internet với người lao động; (ii) thực hiện các chế độ hỗ trợ, phúc lợi người lao động (trả lương ngừng việc, hỗ trợ bằng tiền đối với một số ngày nhất định khi tạm hoãn, nghỉ việc không lương), (iii) áp dụng các biện pháp ngừng việc có trả lương, hoặc tạm hoãn/nghỉ việc không lương thay cho việc chấm dứt hợp đồng lao động để “giữ chân” lao động…

 

theo NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ\

Tin liên quan

Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức giao ban các đơn vị khu vực Vụ Địa bàn II - Cập nhật: 05/04/2024 14:08
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng: Thông điệp văn hóa trong một số bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Cập nhật: 04/04/2024 08:33
Thủ tướng: Khi đã quyết tâm rồi, chỉ “bàn làm, không bàn lùi” - Cập nhật: 29/03/2024 13:47
Góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) - Cập nhật: 29/03/2024 09:33
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam - Cập nhật: 28/03/2024 10:55
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội xem xét 4 nội dung quan trọng - Cập nhật: 27/03/2024 10:49
Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành Hội nghị chuyên đề - Cập nhật: 27/03/2024 10:33
Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 HĐND tỉnh Bắc Giang tiếp tục đồng hành, chia sẻ, nâng cao chất lượng giám sát, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách của địa phương - Cập nhật: 25/03/2024 12:22
Nâng cao trách nhiệm giải trình phải trở thành nét đẹp văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước, quản trị xã hội - Cập nhật: 19/03/2024 15:51
Hội nghị toàn quốc lần thứ Hai triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV Quyết tâm, song hành đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống - Cập nhật: 07/03/2024 09:55