Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Không để lãng phí nguồn lực
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Lê Thị Thu An (Tổ đại biểu thành phố Thái Nguyên) chất vấn Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về kết quả thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa giai đoạn 2020 – 2022. Đồng thời, bày tỏ băn khoăn về tính hiệu quả, tối ưu nguồn kinh phí Nhà nước bỏ ra và quá trình tích hợp đồng bộ phần mềm khi vận hành song song 2 hệ thống trong cùng một nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực du lịch. Bởi trước đó, trong số các đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt, Đại học Thái Nguyên đã triển khai đề tài “Xây dựng hệ thống Du lịch thông minh phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thái Nguyên” từ năm 2018. Trong khi đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đang phối hợp với VNPT Thái Nguyên quản lý và sử dụng “Cổng thông tin du lịch tỉnh Thái Nguyên”.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phạm Quốc Chính cho biết: giai đoạn 2020 – 2023, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt triển khai 89 đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh. Trong đó, lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn chiếm khoảng 20 – 30%, gồm các đề tài, dự án về lĩnh vực văn hóa. Các đề tài, dự án tập trung vào xây dựng các luận cứ khoa học, phục vụ các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong xây dựng cơ chế, chính sách; phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của các dân tộc… Đối với việc đang song song vận hành 2 hệ thống để thực hiện một nhiệm vụ, về mặt kỹ thuật, việc tích hợp phần mềm là hoàn toàn khả thi, thực hiện được và không có vướng mắc.
Tham gia giải trình làm rõ hơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Ngọc Tuân khẳng định, sau khi hết hạn dự án đối với VNPT Thái Nguyên, ngành Văn hóa sẽ tham mưu tiếp tục hoàn thiện chỉnh sửa phần mềm thông minh theo nghiên cứu của Đại học Thái Nguyên và không phải đi thuê nữa…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh: nghiên cứu, chuyển giao hay cho thuê, thì rõ ràng vẫn có sự trùng lặp ít nhiều bởi cùng thực hiện một nhiệm vụ, nếu làm không tốt sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực. Do đó, cần rút kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, tránh trùng lặp để nâng cao hiệu quả vốn Nhà nước.
Đối với câu hỏi của đại biểu về việc có cần thiết phải triển khai nhiều đề tài về sưu tầm, bảo tồn, phát triển nguồn gen động, thực vật, thủy sản và tài nguyên vi sinh vật quý hiếm trên địa bàn hay không, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Phạm Quốc Chính khẳng định: đây đều là những nguồn gen quý hiếm, đặc hữu, đặc dụng, có nguy cơ tuyệt chủng. Trên cơ sở sưu tầm, bảo tồn gen, các loại cây, con sẽ được nuôi trồng, nhân giống phục vụ cho công tác phát triển nguồn gen, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa nguồn gen sau này…
Khuyến khích, ưu đãi tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu hết sức quan tâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đó là giải quyết nhu cầu về nhà xã hội cho công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp trên địa bàn. Trả lời câu hỏi Đại biểu Hoàng Trần Nam (Tổ đại biểu huyện Đại Từ) về định hướng phát triển nhà ở xã hội của tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Đức Khánh cho biết: toàn tỉnh hiện đã quy hoạch 83 dự án, vị trí, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội với 267,7ha, đủ điều kiện xây dựng 35.000 căn hộ, với diện tích trên 2,45 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đáp ứng chỉ tiêu Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” của Chính phủ.
Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch đầu tư các dự án nhà ở xã hội cụ thể theo từng năm và từng giai đoạn. Quá trình triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới đến năm 2030 sẽ đồng thời quy hoạch quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, hình thành các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ; bố trí cân đối ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội…
Về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ tại nhiều khu vực, nhất là tại các khu vực nội thành, nội thị thường xuyên bị ngập sâu, Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Đức Khánh thừa nhận: tình trạng này chưa được xử lý triệt để. Hiện, thành phố Thái Nguyên đang triển khai thi công 2 công trình thoát nước thuộc dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực, dự kiến hoàn thành trong tháng 8.2023, gồm: hệ thống thoát nước tuyến mương Xương Rồng và hệ thống thoát nước tuyến mương Mỏ Bạch. Hai công trình này sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao năng lực tiêu thoát nước cho thành phố. Thời gian tới, sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tuyến cống chính, các tuyến cống bao và hệ thống cửa xả phía hạ lưu của các lưu vực thoát nước trong thành phố. Đồng thời, tăng cường giải pháp xử lý triệt để những vị trí ngập úng cục bộ.
Đối với hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, người đứng đầu Sở Xây dựng nhấn mạnh: từ năm 2021 đến nay, Sở đã thực hiện 24 cuộc thanh, kiểm tra về trật tự xây dựng trên địa bàn. Qua đó, đã kịp thời xử lý các công trình vi phạm và thu, nộp ngân sách nhà nước trên 510 triệu đồng. Đối với cấp huyện, công tác, kiểm tra xử lý vi phạm về trật tự xây dựng được diễn ra khá thường xuyên…