Đáng chú ý, trong những năm tới, hàng tỷ USD sẽ được chi cho các biện pháp thích ứng và giảm thiểu khí hậu như: Năng lượng tái tạo, giao thông bền vững, phòng lũ lụt… Chúng ta không thể để mất số tiền đó cho tham nhũng.
Tháng 4 này, thế giới hướng tới sự kiện Ngày Trái đất năm 2020, với mục tiêu xây dựng một thế hệ các nhà hoạt động vì môi trường mới, thu hút hàng triệu người trên toàn thế giới cùng thực hiện các hành động vì môi trường, vì trái đất.
Ngay trong bối cảnh cả thế giới đang đấu tranh để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 hiện nay, thì những hành động vì môi trường, vì trái đất càng cần được chú trọng. Không chỉ bởi đây là ngôi nhà của chúng ta, mà còn bởi, chúng ta không thể bỏ qua yêu cầu về các giải pháp khẩn cấp để bảo vệ môi trường và sự sống phụ thuộc vào nó.
Chủ đề của Ngày Trái đất năm 2020 được Liên hợp quốc lựa chọn là “Hành động vì khí hậu”. Trên thực tế, hành động vì khí hậu và chống tham nhũng là hai vấn đề có mối liên kết rất sâu sắc. Từ việc lạm dụng tài nguyên thiên nhiên đến những ảnh hưởng không đáng có bởi lợi ích tư nhân mạnh mẽ, tham nhũng làm trầm trọng thêm hậu quả thảm khốc của vấn đề tăng nhiệt độ toàn cầu.
Trong khi cuộc khủng hoảng khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên hành tinh, một số quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương. Nhiều người trong số họ vừa phải chịu những tác động của biến đổi khí hậu như mưa đá, bão lũ, nắng nóng kỷ lục gây hạn hán, xâm nhập mặn… đồng thời lại phải đấu tranh với mức độ tham nhũng cao của khu vực công.
Những biểu hiện của tham nhũng ngày càng tinh vi. Ngay cả khi các chính trị gia vẫn cho thấy “bàn tay sạch” thì các doanh nghiệp ngành nhiên liệu, và những ngành công nghiệp khác đã chi hàng tỷ đồng dưới danh nghĩa xây dựng thương hiệu, vận động hành lang liên quan đến khí hậu, “qua mắt” công chúng và các đại diện dân cử. Điều này làm suy yếu luật pháp về khí hậu và ngăn cản những hành động vì khí hậu hiệu quả.
Để thay đổi, chúng ta cần bảo đảm các quỹ khí hậu tiếp cận đến những người thực sự cần chúng và các chính sách khí hậu toàn cầu tránh được những ảnh hưởng không đáng có.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đang tập trung nỗ lực vào việc giám sát các quỹ cho khí hậu. Ví dụ, ở Mexico, các đồng sự của TI đã phát triển một bản đồ tương tác trực tuyến về dòng chảy tài chính cho vấn đề khí hậu. Khi phát hiện ra nguy cơ sai phạm trong quản lý hoặc tham nhũng, họ chỉ rõ vấn đề và kêu gọi cải cách.
Theo TI, thế giới đã không chuẩn bị trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn ra. Nhưng chúng ta vẫn còn thời gian để ngăn chặn những tác động tàn phá hơn nữa của cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra.