Tranh luận công an hay quân đội chủ trì duy trì an ninh ở cửa khẩu biên giới

Cập nhật: 11/08/2020 08:30

Thứ trưởng Bùi Văn Nam đề nghị giao Bộ Công an chủ trì công tác an ninh trật tự khu vực biên giới với nhiều lý do. Nhưng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến không đồng tình.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến và Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam. Ảnh: TN

Chiều ngày 10/8, tiếp tục chương trình làm việc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo Dự thảo, một trong những nhiệm vụ của bộ đội biên phòng là “chủ trì thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”.

Vẫn có “sơ hở” dù 2 hệ thống cùng quản lý

Nêu ý kiến, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho hay, trong công tác duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, cửa khẩu nếu không rõ thẩm quyền, quyền hạn của các cơ quan sẽ rất khó khăn.

Dẫn ví dụ về xuất nhập cảnh, theo ông Nam, ở Việt Nam có 2 cơ quan cùng quản lý.

“Biên phòng quản lý xuất nhập cảnh biên giới và trên biển, công an quản lý 5 cửa khẩu hàng không. Hai hệ thống quản lý mặc dù có liên kết nhưng không tránh khỏi những cái sở hở trong quản lý”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Từ đó, ông Nam đề nghị, Dự thảo quy định theo hướng Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, trong đó có bộ đội biên phòng, các cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.

 Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam

“Nếu quy định như thế sẽ phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Công an nói và nêu một loạt căn cứ.

Đầu tiên, Hiến pháp đã quy định rõ, Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Còn Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tiếp đó, Nghị quyết số 18 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII cũng đưa ra nguyên tắc, 1 việc chỉ do 1 cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm…

Theo ông Nam, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới không chỉ quản lý đường an ninh biên giới, cột mốc, mà cái chính là bảo vệ nội bộ, bảo vệ an ninh văn hoá, tư tưởng, an ninh thông tin, đấu tranh chống gián điệp, phản động, quản lý xuất nhập cảnh, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm…

“Chúng tôi thấy, nếu chúng ta không khắc phục được chồng chéo thì việc bảo đảm an ninh khu vực biên giới sẽ còn sơ hở, chắc chắn là như thế”, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nam, chính vì có những sơ hở trong công tác quản lý, nên vừa qua, một số đối tượng tham nhũng, tiêu cực đã “lọt” qua cửa khẩu để trốn ra nước ngoài. Từ đó, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị, cân nhắc quy định như Dự thảo.

“Phải ngồi lại với nhau để chỉnh lý cho phù hợp”

Giải trình ở phiên họp, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng cho hay, các luật hiện hành như Luật Biên giới quốc gia 2003, Luật An ninh quốc gia 2004 và Luật Quốc phòng 2018 đều giao Bộ Quốc phòng chủ trì đảm bảo an ninh trật tự ở vùng biên giới, cửa khẩu.

Theo ông Chiến, các luật hiện hành như Luật Biên giới quốc gia 2003, Luật An ninh quốc gia 2004 và Luật Quốc phòng 2018 đều giao Bộ Quốc phòng chủ trì đảm bảo an ninh trật tự ở vùng biên giới, cửa khẩu.

“Như vậy, Chính phủ thống nhất rất cao chứ không phải là tự Ban Soạn thảo, Uỷ ban Quốc phòng An ninh hay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghĩ ra”, ông Chiến nhấn mạnh.

 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, một số ví dụ mà ông Nam dẫn ra thì trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Công an và của hệ thống chính trị từ khâu cấp giấy tờ, chứ kiểm soát ở cửa khẩu thì không sơ hở gì.

“Tôi thấy hình ảnh phối hợp giữa công an và quân đội, đặc biệt bộ đội biên phòng nói riêng trong phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự rất tốt”, ông Chiến phát biểu và đề nghị, cần tiếp tục sử dụng cơ chế phối hợp này.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho hay, Dự thảo Luật đã được soạn thảo thận trọng, chặt chẽ câu từ, không chỉ được biên phòng mà được cả công an.

“Chính phủ rất thận trọng và bên này chúng tôi nghe ngóng cũng rất thận trọng”, ông Việt nói.

Theo ông Việt, Dự thảo Luật lần này cũng xử lý theo cơ chế lực lượng nào phát hiện trước thì lực lượng ấy xử lý theo quy định của pháp luật.

“Ví dụ, xử lý vụ án tổng thể thì phải là Bộ Công an, còn điều tra ban đầu thì cảnh sát biển, biên phòng, hải quan và một số lực lượng khác. Thẩm quyền xử lý ban đầu xong rồi phải chuyển cơ quan điều tra, xử lý”, ông Việt nêu.

Cũng cho ý kiến, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, về nguyên tắc, ở cửa khẩu khu vực biên giới thì là bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, đi vào từng nhiệm vụ cụ thể thì lực lượng nào chủ trì thì đề nghị các cơ quan ngồi lại với nhau để chỉnh lý cho phù hợp hơn.

“Ví dụ, phòng chống dịch xảy ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu thì Bộ Y tế chủ trì chính, còn các lực lượng khác phối hợp không? Chỗ này phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quản lý Nhà nước của từng bộ, ngành để phân định cho hợp lý hơn”, ông Lưu nêu quan điểm.

Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp 10 tới đây.

theo Hương Giang – Báo Thanh tra

Tin liên quan