Tại hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng nhằm tổ chức thành công Ðại hội XIII của Ðảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Trước hết, những cán bộ nòng cốt của Ðảng phải kiên quyết giữ cho vững đạo đức cách mạng, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, làm tròn trọng trách trước Ðảng và nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước. Theo Người, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài, vừa là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của cán bộ, công chức, của toàn đảng, toàn dân hiện nay.
Vậy, vì sao phải chống chủ nghĩa cá nhân và lòng tham quyền lực trong giai đoạn hiện nay? Liên quan đến vấn đề này, PV VOV trao đổi với Phó giáo sư- Tiến sĩ Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Chủ nghĩa cá nhân là căn bệnh gốc sinh ra thói hư tật xấu khác
PV: Thưa Phó giáo sư, tiến sĩ Lý Việt Quang, ông có suy nghĩ gì về thông điệp của Tổng Bí thư- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước thềm Đại hội lần thứ 13 của Đảng trong việc chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân?
TS Lý Việt Quang: Đây là sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng về quét sạch chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng. Nghiên cứu về Bác Hồ- vị lãnh tụ của chúng ta, chúng tôi thấy Người cũng đề cập nhiều nhất về đạo đức cách mạng và đối lập của đạo đức cách mạng. Đó chính là chủ nghĩa cá nhân.
Đây cũng là yêu cầu của toàn đảng, toàn dân để đảng thực sự xứng đáng là đạo đức, là văn minh. Cho nên thông điệp mà Tổng Bí thư- Chủ tịch nước nêu ra đã đáp ứng được yêu cầu cũng như nguyện vọng, mong muốn của toàn đảng, toàn dân để đảm bảo được vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa hiện hại hóa đất nước
PV: Chủ nghĩa cá nhân là yếu tố dễ làm cho người cán bộ đảng viên phai nhạt lý tưởng, làm cho không ít cán bộ nảy sinh căn bệnh tham ô, tư túi, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể và trên cả lợi ích quốc gia dân tộc. Đứng trước lợi ích, họ sẵn sàng quên đi những giá trị về phẩm chất, lý tưởng, danh dự của người cán bộ đảng viên. Theo ông, vì sao người đứng đầu Đảng, Nhà nước lại nhấn mạnh đến điều này?.
TS Lý Việt Quang: Theo tôi, điều này có lẽ từ 3 lý do. Thứ nhất, chủ nghĩa cá nhân như Bác Hồ đã chỉ ra là căn bệnh gốc, từ đó sinh ra những thói hư tật xấu khác. Bác cũng nói, chủ nghĩa cá nhân là một loại vi trùng rất độc hại mà nó chính là kẻ thù không đội trời chung của đạo đức cách mạng.
Điều thứ hai, chủ nghĩa cá nhân được Hồ Chí Minh coi là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ và vai trò cầm quyền của Đảng, của những người cộng sản. Trong những buổi nói chuyện và căn dặn cán bộ đảng viên, Người có nhắc đến một kết luận điểm mà cho đến nay chúng tôi thấy nó luôn có ý nghĩa thời sự, đó là: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được quần chúng yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng, nếu như sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Rõ ràng đó là một nguy cơ nếu không cẩn thận, cảnh giác sẽ dẫn đến đe dọa vai trò của Đảng cộng sản cũng như đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Thứ 3, hiện nay, thực tế chúng ta thấy bên cạnh rất nhiều cán bộ, đảng viên tích cực, góp phần làm nên những thành tựu của 35 năm đổi mới đất nước, thì cũng còn có một bộ phận cán bộ đảng viên mắc phải căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân với rất nhiều biểu hiện tiêu cực. Chính vì vậy, xuất phát từ thực tế đó, cần phải có sự cảnh tỉnh, nhấn mạnh, nhắc nhở điều này đối với cả cán bộ đảng viên.
PV: Thưa ông, chủ nghĩa, cá nhân với những biểu hiện đa dạng và luôn biến hóa muôn hình vạn trạng. Bởi thế, có rất nhiều người mơ hồ hoặc là cố ý mơ hồ cho rằng đó là những căn bệnh của người khác mắc phải, còn mình thì không. Theo ông làm sao để nhận diện được căn bệnh chủ nghĩa cá nhân?
TS Lý Việt Quang: Điều này chúng tôi thấy Bác Hồ chỉ ra rất rõ. Mặc dù có rất nhiều biểu hiện, biến thể khác nhau, nhưng chủ nghĩa cá nhân về bản chất của nó là chỉ biết đến lợi ích của bản thân và không cần biết đến lợi ích của tập thể của cộng đồng và của dân tộc. Thậm chí, sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của tập thể, của người khác để mưu lợi bất chính cho bản thân. Vì vậy, những hành động, việc làm nào mà chỉ có lợi ích cho bản thân, vô cảm đối với cả lợi ích của cộng đồng và đi ngược lại, xâm phạm lợi ích chung của dân tộc của Đảng thì đó chính là chủ nghĩa cá nhân
PV: Trong dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng cũng đưa ra nhận định, đó là: “Một bộ phận cán bộ đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống không tuân thủ nguyên tắc của Đảng quan liêu, tham nhũng, lãng phí cá nhân chủ nghĩa, cơ hội thực dụng, bè phái và gây mất đoàn kết nội bộ”. Thực tế, trong nhiệm kỳ 12 việc Đảng ta kỷ luật hơn 100 cán bộ đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý đã cho thấy quyết tâm cao của Đảng trong việc đấu tranh mạnh mẽ với chủ nghĩa cá nhân?.
TS Lý Việt Quang: Việc kỷ luật đó cho thấy, chủ nghĩa cá nhân có thể xảy ra ở bất kỳ ai và ở bất kỳ cấp nào nếu như chúng ta lơ là, mất cảnh giác và không đề phòng. Mặt khác, cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng để loại trừ ra khỏi cơ thể của Đảng những mầm bệnh, những ung nhọt làm cho cơ thể của Đảng được thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đạo đức, là văn minh để đảm đương được vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo dân tộc.
Tham vọng quyền lực hiểu ngắn gọn “Tài không xứng và tâm thì không đáng”
PV: Có thể thấy căn bệnh chủ nghĩa cá nhân trói buộc, bịt mắt nhiều người để phục vụ danh lợi cá nhân, vinh thân phì gia. Đây cũng là vấn đề đang được đặt ra hiện nay, đặc biệt là trước Đại hội 13 của Đảng, làm sao để chống chạy chức, chạy quyền chống lòng tham quyền lực thưa ông?
TS Lý Việt Quang: Qua tổng kết thực tiễn đã chỉ ra rất rõ trong quy định 205 QĐ/TƯ ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền. Vấn đề đặt ra, chúng ta đã có những quy định rất chặt chẽ, khoa học nhưng phải thực hiện thế nào cho đúng đắn, nghiêm túc. Trong đó, theo tôi để thực hiện đạt hiệu quả, trước hết là vai trò nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, các tổ chức cơ quan
Về phía mỗi cá nhân, theo tôi phải luôn luôn tự mình cảnh tỉnh, tu dưỡng, rèn luyện để không bị trở thành nạn nhân của chủ nghĩa cá nhân, không bị lòng tham, quyền lực chi phối, làm cho bị bịt mắt. Bởi vì khi đã bị trói buộc, bị bịt mắt thì lúc đó không còn làm được gì cả. Thực tế, là lúc đó có mắt nhưng mà nhìn lại không thấy. Cho nên, rất nhiều những cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian vừa qua. Đây không phải do năng lực yếu kém, mà đấy là nạn chủ nghĩa cá nhân làm cho mắt vẫn có nhưng mà lại không nhìn thấu tỏ được những giá trị của đất nước, của Đảng, của dân tộc.
PV: Thưa ông, một vấn đề đáng chú ý, đó là trước đây chủ nghĩa cá nhân biểu hiện sự tham lam ích kỷ kèn cựa, đố kỵ, thì nay đang trở thành lối sống và tạo sự đồng lần trong một bộ phận không nhỏ, cán bộ đảng viên, đặc biệt là trong một số những người có chức có quyền. Trước là lợi ích nhỏ, mang tính thu vén cá nhân thì nay là lợi ích lớn của một nhóm người. Quan điểm của ông về vấn đề này như nào?
TS Lý Việt Quang: Thực tế này thể hiện đúng điều mà Bác Hồ chúng ta đã chỉ ra, chủ nghĩa cá nhân là một loại vi trùng rất độc hại và có thể lây nhiễm. Vì vậy, cho nên nếu không cảnh giác, không đề phòng thì là sẽ lây nhiễm ra cộng đồng.
Điều thứ hai, chúng ta thấy là có những hiện tượng dẫn đến kéo bè kéo cánh. Chúng tôi cho rằng, trong ngôn ngữ hiện đại của chúng ta hiện nay gọi nó là “lợi ích nhóm”. Xét về thực chất thì đó cũng vẫn là chủ nghĩa cá nhân. Theo đó, những kẻ vì lợi ích bất chính của cá nhân sẽ tìm đến với nhau và liên kết với nhau để trục lợi. Do vậy, cuộc đấu tranh chắc chắn sẽ phức tạp, gian khó hơn và đòi hỏi quyết tâm chính trị phải cao hơn
PV: Thưa ông, trong bài viết về lựa chọn nhân sự đại hội 13 của Đảng thì Tổng Bí thư- Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc, kiên quyết không để lọt vào Trung ương những cán bộ có biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội chính trị, chạy chọt tham nhũng, quan liêu. Vậy cần phải nhìn nhận vấn đề này thế nào?
TS Lý Việt Quang: Cụm từ “tham vọng quyền lực”- tức là những người không thực sự có tài với vị trí đó, với cương vị đó nhưng mà vẫn muốn tìm mọi cách để giành được cương vị đó, quyền lực đó và họ cũng không có tâm vì lợi ích chung nhưng vẫn muốn ngồi vào vị trí lãnh đạo. Thực tế, những cương vị quyền lực đó đại diện cho lợi ích của nhân dân, do nhân dân ủy quyền và vốn dĩ để mà phục vụ cho lợi ích của nhân dân nhưng khi ngồi vào ghế đó thì vì cái tâm không trong sáng để mưu cầu cho cái lợi ích bất chính của bản thân mình.
Tóm lại, những người tham vọng quyền lực chúng tôi cho rằng nếu có thể nói một cách ngắn gọn “Tài không xứng và tâm thì không đáng”.
PV: Xin cảm ơn ông!./.