Trước hết, phải nói rằng đây là sách lý luận, không dễ đọc, cần người đọc có sự nghiêm cẩn, nghiền ngẫm và một tầm tư duy nhất định cộng với những kiến thức thực tiễn. Với 464 trang khổ 16×24, tập hợp 28 bài viết, diễn văn, phát biểu tại các hội nghị…, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã khái quát thực tiễn của đất nước. Ðồng thời, bằng lý luận, tác giả khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam khi lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngay từ khi bài viết được in trên Báo Nhân Dân ngày 17/5/2021 và sau đó mang tên tập sách, tác giả đã đặt ra những câu hỏi rất cụ thể: “Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?”. Chỉ với 20 trang của bài viết, tác giả đã trả lời khá đầy đủ những câu hỏi này qua những lập luận chặt chẽ, được minh chứng bằng thực tiễn phát triển của đời sống xã hội Việt Nam gần một thế kỷ qua.
Về câu hỏi “Chủ nghĩa xã hội là gì?”, tác giả viết: “Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm… Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…”. Qua một đoạn văn ngắn, ngôn từ gần gũi, dễ hiểu, tác giả đã trả lời rõ ràng, rành mạch về một câu hỏi từng là mối trăn trở của không ít cán bộ và người dân, thậm chí cả một số trí thức, nhà khoa học.
Về câu hỏi “Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?”, từ thực tiễn của các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, từ thành tựu phát triển đất nước, nhất là sau 35 năm đổi mới, so sánh với các thể chế chính trị ở nước ngoài, tác giả đã khẳng định “Ði lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”…
Song, có lẽ điều mà tác giả quan tâm nhất trong tác phẩm này là câu hỏi “Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam?”. Ðây là chủ đề xuyên suốt, được tác giả đặt vấn đề qua các Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII, Diễn văn bế mạc Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Ðảng Cộng sản Việt Nam và các bài phát biểu tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, các hội nghị của các tổ chức chính trị-xã hội, các bộ, ngành, Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận và Quy định của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội nghị về đối ngoại toàn quốc, Hội nghị tổng kết của Hội đồng Lý luận Trung ương, Ðại hội Công đoàn Việt Nam, Ðại hội Hội Nông dân, Ðại hội thi đua yêu nước toàn quốc… và diễn văn tại các lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước. Trong các bài phát biểu này, người đứng đầu Ðảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các tổ chức đảng thuộc mọi lĩnh vực đối với Tổ quốc, với nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong đó, đồng chí đặc biệt quan tâm công tác chỉnh đốn Ðảng mà công cuộc phòng, chống tham nhũng là một trong những tâm điểm.
Tình trạng nhiều cán bộ, đảng viên sa vào cạm bẫy tham nhũng, tha hóa, biến chất, đã làm giảm sức mạnh của nhiều tổ chức đảng, gây bức xúc trong nhân dân. Bằng phương cách kiên trì, bền bỉ không ngừng nghỉ, có lý, có tình, cân nhắc công-tội, kết hợp giữa giáo dục và răn đe, “kỷ luật một người để cứu muôn người” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể nói chưa bao giờ công cuộc phòng, chống tham nhũng đạt được hiệu quả như thời gian qua. Song, cũng phải nói rằng cuộc chiến phòng, chống tham nhũng không có điểm dừng vì những diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp trong lĩnh vực này.
Không khó để nhận thấy việc xây dựng một đội ngũ cán bộ, đảng viên thanh liêm, gương mẫu, vì nước, vì dân và làm trong sạch tổ chức đảng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, trăn trở.
Cuốn sách thuộc thể loại nghị luận, cần nghiền ngẫm… Song, bằng lối hành văn giản dị, cấu tứ chặt chẽ, cách nói chừng mực, mạch lạc và sâu sắc, dễ hiểu, tác phẩm đã có sức lôi cuốn đông đảo các tầng lớp bạn đọc. Có được điều này, ngoài khả năng bẩm sinh, sự học hỏi, rèn luyện, không thể không kể đến việc tác giả đã từng theo học tại Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp (Hà Nội), cái nôi văn chương vào thời điểm đó.
Với cá nhân người viết bài này, sự thuyết phục của tác phẩm còn bởi chính đời sống liêm chính của tác giả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương về tinh thần nhân văn, nhân ái, là biểu tượng của sự giản dị, thanh liêm không chỉ ở cá nhân ông mà còn của cả vợ con cũng như những người trong gia đình. Lối sống thanh cao, giản dị và tấm lòng vì nước, vì dân của ông cũng chính là một tấm gương sáng đầy sức thuyết phục.