Có thể nói, qua những vụ việc đã khẳng định quyết tâm của Đảng, của Trung ương trong đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực suy thoái, cũng từ đây đang cho thấy vấn đề mới đặt ra với công tác kiểm tra giám sát của đảng, nhất là khi có một số vụ việc không được phát hiện từ xa, ngăn chặn từ sớm và giải quyết tận gốc sự việc nên đã gây hậu quả nghiêm trọng trong một thời gian dài.
Mới đây Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra (giai đoạn 2010 – 2018) về công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có vi phạm, trong đó giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; ghi thu, ghi chi không đúng Luật Ngân sách; giao đất trái với chỉ đạo của Thủ tướng và định giá đất cùng các khoản tài chính sai quy định.
Điển hình, Dự án Khu dân cư số 5, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên được Thanh tra chính phủ chỉ ra sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên giao cho Công an tỉnh điều tra, làm rõ.
Bởi có những sai phạm trong việc giao đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư theo quy định.
Mặt khác, quá trình thực hiện Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư APEC Thái Nguyên tiếp tục có những vi phạm nghiêm trọng khi chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã xây dựng nhà kiên cố và chuyển đổi, chuyển nhượng nhiều lô đất.
Tiếp theo là Dự án khu nhà ở kết hơp dịch vụ thương mại tại phường Quang Trung, TP Thái Nguyên có mục đích sử dụng đất không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất đến năm 2020 thành phố thái nguyên và quy hoạch sử dụng đất tỉnh Thái Nguyên được Chính phủ phê duyệt. Đã có những vi phạm, giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất tại thời điểm giao đất không sát với thực tế gây nguy cơ thất thu nguồn Ngân sách Nhà nước.
Ngoài 2 dự án vi phạm trên, còn có 13 dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có vi phạm tương tự và có 6 dự án vi phạm về đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh – Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, “đây là những sai phạm hết sức nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tiến trình của dự án, thậm chí tạo ra những kẽ hở để cho các chủ thể trục lợi bất chính”.
Có thể nói, những vi phạm về sử dụng đất trên địa bàn thành phố Thái Nguyên là trách nhiệm của những người thi hành nhiệm vụ đã làm sai trong việc giao đất không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Thế nhưng, những vi phạm đó vẫn chưa được phát hiện trong nhiều năm, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới bị phát hiện. Thậm chí trong lúc chờ ban hành kết luận thanh tra, UBND thành phố Thái Nguyên đã có một số Quyết định điều chỉnh dự toán đầu tư xây dựng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch để “sửa sai” trong một số dự án.
Cụ thể, ngày 22/4/2021, UBND thành phố Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3686/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị hồ Xương Rồng.
Quyết định do ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại dự án Hồ điều hòa Xương Rồng có nhiều sai phạm |
Theo đó, Quyết định này đã điều chỉnh một số lô đất có dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, điều chỉnh 331m2 đất công thành đất ở biệt thự (nhập vào lô BT-04).
Sau đó, ngày 26/5/2021 được ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và là người từng ký nhiều văn bản đối với dự án này thời ông còn làm Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên, đã có Quyết định số 1681/QĐ-UBND cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty cổ phần Sông Đà 2 diện tích đất 331,0m2.
“Việc này đặt ra những vấn đề về trách nhiệm thi hành, quản lý cũng như năng lực của ban lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên. Nếu đây là hành vi cố tình vi phạm vì mục đích cá nhân thì các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh các chủ thể vi phạm để làm gương cho các dự án khác. Ngoài ra, trong quá trình chờ ban hành kết luận của Thanh tra thì UBND thành phố đã điều chỉnh dự án và hợp thức 331 m2 vào lô đất ở và được ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây cũng được xem là hành vi bất thường của UBND các cấp”, Luật sư Lê Ngọc Khánh nhận xét.
Trước những vi phạm được chỉ ra, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên xử lý về tài chính số tiền hơn 145 tỷ đồng, trong đó điều chỉnh tổng mức đầu tư, ký phụ lục điều chỉnh giá trị dự án với tổng số tiền làm tròn là 79 tỷ đồng; điều chỉnh, giảm trừ 12 tỷ đồng đối với 6 dự án trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.
Những dự án vi phạm trong kết luận thanh tra chỉ ra có trách nhiệm liên quan đến UBND tỉnh và nhiều cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh. Trong đó phải kể đến trách nhiệm của UBND thành phố Thái Nguyên, một địa bàn có hàng chục dự án vi phạm, mà người đứng đầu chính quyền thành phố Thái Nguyên trong giai đoạn đó là ông Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh).
Vấn đề đặt ra, công tác kiểm tra, giám sát tại Thái Nguyên đã bộc lộ những “lỗ hổng”, thể hiện qua những vi phạm về đất đai trong nhiều năm qua, cấp có thẩm quyền không phát hiện.
Trong khi đó, nhiều địa phương khác như Khánh Hoà, Phú Yên, TP HCM và mới đây nhất là tỉnh Bình Dương có những vi phạm tương tự như Thái Nguyên đã được phát hiện và xử lý. Nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh, trong đó có Bí thư Tỉnh ủy đã bị khởi tố, bắt tạm giam để xử lý về hành vi vi phạm trong quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.
Từ những vi phạm tại Thái Nguyên, với thực tế xử lý trách nhiệm cán bộ, lãnh đạo ở các địa phương như Bình Dương thì việc người đứng đầu chính quyền Thành phố Thái Nguyên khi để xảy ra những vi phạm tại một số dự án trên địa bàn thành phố và những đơn vị có liên quan bao giờ sẽ được xử lý và xử lý như thế nào, điều này rất cần cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý công bằng như các địa phương khác.
Ông Nguyễn Đức Hà nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban tổ chức Trung ương đã từng có ý kiến trên cơ quan truyền thông, “nếu giả sử từ lúc đồng chí còn là Phó Chủ tịch, nếu chúng ta phát hiện, xử lý kịp thời thì không đến mức độ trầm trọng như bây giờ, để đồng chí lên làm Chủ tịch, Bí thư tỉnh quyết định nhiều vấn đề khác hơn, rõ ràng càng ngày càng xảy ra những sai phạm lớn hơn”.
“Chính vì buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát cho nên nhiều sai phạm, vi phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời, tức là có vi phạm đó nhưng anh không tiến hành kiểm tra, giám sát thì anh không phát hiện được. Mục đích của kiểm tra, giám sát là phải chủ động phát hiện và kịp thời xử lý, nếu những sai phạm nhỏ, ít nghiêm trọng chúng ta phát hiện kịp thời, chúng ta xử lý, chúng ta uốn nắn thì nó không dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng”, ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương trả lời báo chí truyền thông.
Việc xử lý nghiêm các vi phạm thì cán bộ, đảng viên và nhân dân càng thêm tin tưởng vào công cuộc xây dựng chỉnh đốn đảng, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, suy thoái và tin tưởng vào sự nghiêm minh của kỷ luật đảng.