Vì sao bị cáo Dương Thị Bạch Diệp hơn 70 tuổi vẫn bị đề nghị tù chung thân

Cập nhật: 22/03/2021 17:12

Việc làm của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp là biết sai nhưng vẫn làm, thể hiện ý chí chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Bị cáo hơn 70 tuổi ít nhiều cũng hạn chế về sức khỏe, tuy nhiên, cần có một bản án nghiêm trị mới đủ răn đe, Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị bị cáo Diệp mức án tù chung thân.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp và bị cáo Nguyễn Thành Tài (ngoài cùng bên trái) tại tòa ngày 22/3/2021. Ảnh: NL

Ngày 22/3, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) cùng 8 thuộc cấp của ông Tài, về việc hoán đổi “đất vàng” gây thiệt hại cho Nhà nước gần 200 tỷ đồng.

Phiên xử bắt đầu với việc ghi nhận sức khỏe của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương), đã ổn, sau 5 ngày tạm dừng phiên tòa.

Trước đó, phiên tòa phải tạm dừng vì bị cáo Diệp khóc, phản đối khi chủ tọa đọc lời khai… và đã bị mời ra khỏi phòng xử. Cơ quan có thẩm quyền đã đưa bị cáo này đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, sau đó quay trở lại trại tạm giam.

Đại diện Viện KSND TPHCM đã công bố bản luận tội các bị cáo, và có đề nghị cụ thể về việc xử phạt các bị cáo.

VKS khẳng định cáo trạng truy tố 9 bị cáo là hoàn toàn đúng có căn cứ.

VKS giữ nguyên quan điểm truy tố bà Diệp về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Năm 2008, bà Diệp thỏa thuận, thống nhất với bị cáo Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM) về việc mang tài sản thuộc sở hữu tư nhân 57 Cao Thắng đổi lấy tài sản khu đất 185 Hai Bà Trưng, thuộc sở hữu Nhà nước.

Bà Diệp gian dối khi cung cấp giấy tờ sở hữu khu đất 57 Cao Thắng (bản photo) thể hiện, hiện trạng chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch bảo đảm cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Khi được cấp giấy chứng nhận cho khu nhà đất 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp đem thế chấp cho ngân hàng khác vay tiền. Còn nhà đất 57 Cao Thắng thì cũng không thể sang tên cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ vì bà Diệp đã thế chấp ngân hàng để vay vốn.

Từ đó Trung tâm Ca nhạc nhẹ đã mất quyền kiểm soát đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng, thiệt hại 186 tỉ đồng.

Về hành vi của bị cáo Diệp, VKS nêu, việc làm của bị cáo Diệp là biết sai nhưng vẫn làm, thể hiện ý chí chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Điều này thể hiện Công ty Diệp Bạch Dương mà đại diện là bị cáo Dương Thị Bạch Diệp là gian dối, chiếm đoạt tài sản gây thất thoát cho Nhà nước hơn 186 tỷ đồng.

Bị cáo trên 70 tuổi ít nhiều cũng hạn chế về sức khỏe. Tuy nhiên, VKS vẫn đề nghị xử nghiêm bị cáo với mức án là tù chung thân. “Cần có một bản án nghiêm trị mới đủ răn đe bị cáo”, VKS nêu rõ.

Ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM) với tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. VKS cho rằng, bị cáo không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, ngày 5/3/2010, ông đã ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi tài sản 185 Hai Bà Trưng và tài sản 57 Cao Thắng.

Cùng với tội danh với ông Tài, là bị cáo Vy Nhật Tảo, VKS cho rằng, hành vi các bị cáo này, là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng niềm tin của nhân dân.

VKS  đánh giá cao khi bị cáo Tài nhìn nhận trách nhiệm của mình, bên cạnh đó có nhiều đóng góp cho xã hội…

VKS  đề nghị tuyên phạt bị cáo Tài, bị cáo Tảo từ 5 – 6 năm tù giam.

Đối với những bị cáo còn lại, VKS cho rằng, không vụ lợi, một số bị cáo phạm tội lần đầu và thành khẩn, mức án từ 3 năm án treo, đến 5 năm tù.

theo Nghiêm Lan – Báo Thanh tra

Tin liên quan