Vụ án trong công ty của H08-Bộ Công An: Giám đốc thuê “giang hồ” dằn mặt nhân viên

Cập nhật: 22/10/2021 08:58

Đang đi trên đường, hai cán bộ, nhân viên của Cty TNHH MTV Thăng Long – Bộ Công an và Cty TNHH MTV Nam Triệu bị người lạ mặt đi xe máy, áp sát, hắt dung dịch nước nóng, axit vào người. Các bị hại không ngờ chủ mưu lại là “sếp” của mình.

Ảnh minh họa

Theo hồ sơ vụ án, chiều tối 3/6/2019, người phụ nữ SN 1976 là Phó GĐ Xí nghiệp kinh doanh xăng dầu trực thuộc Cty TNHH MTV Thăng Long – Bộ Công an rời khỏi trụ sở (tại quận Đống Đa, Hà Nội) để về nhà. Vừa đi ra chỗ để ô tô, chị bất ngờ bị 2 thanh niên đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm Grab, đi xe máy áp sát. Chị bị người thanh niên ngồi phía sau hắt dung dịch nước nóng và dầu ăn vào người.

Bị tấn công bất ngờ, nạn nhân la hét nên được người dân gần đó đưa đi cấp cứu. Đến ngày 7/6/2019, nạn nhân làm đơn trình báo gửi CQĐT Công an quận Đống Đa. Theo Kết luận giám định thương tích, chị bị bỏng nặng, tổn hại 25% sức khỏe.

Hơn một năm sau đó, một sự việc tương tự lại xảy ra tại Hà Nội. Trưa 29/12/2020, người đàn ông SN 1964 (nhân viên Cty TNHH MTV Nam Triệu) điều khiển xe máy, chở đồng nghiệp ngồi phía sau từ cổng Cty ra đường Nguyễn Tuân hướng Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân). Khi đến đầu ngõ 90 phố Ngụy Như Kon Tum, ông bất ngờ bị một xe máy đi phía sau vượt lên, áp sát. Ngay sau đó ông thấy đối tượng nam giới ngồi phía sau hắt ca dung dịch axit vào vùng đầu, cổ, vai ông. May mắn, nạn nhân chỉ bị thương nhẹ.

Sau vụ việc trên 1 ngày, trưa 31/12/2020, người đàn ông tiếp tục bị 2 thanh niên chở nhau trên xe máy áp sát, tạt axit trúng vào đầu, người ở phố Vũ Hữu. Thấy nạn nhân bị thương, một số người dân gần đó đã đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau hai lần bị tạt axit, nạn nhân đã làm đơn trình báo CQĐT Công an quận Thanh Xuân.

Vào cuộc điều tra, Công an Thanh Xuân xác định và bắt được Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1992, ở quận Đống Đa). Sau khi Nghĩa bị bắt, nhiều người khác, trong đó có Phạm Hoàng Long (cựu TGĐ Cty TNHH MTV Nam Triệu – Cục Công nghiệp an ninh (H08) – Bộ Công an) bị bắt giữ.

Tại cơ quan công an và tại tòa, các bị cáo đều khai nhận hành vi của mình. Trong đó, bị cáo Long khai đầu năm 2017 được bổ nhiệm giữ chức GĐ Xí nghiệp kinh doanh xăng dầu thuộc Cty TNHH MTV Thăng Long – Bộ Công an. Khi đó, người phụ nữ SN 1967 là Phó GĐ dưới quyền.

Quá trình làm việc cùng Xí nghiệp, nữ Phó GĐ không đồng ý một số việc làm của Long nên có đơn gửi đến cơ quan thẩm quyền đề nghị xem xét giải quyết. Biết cấp phó làm đơn kiện mình, Long bực tức, nhờ Nguyễn Hiền Bàng (SN 1987, ngụ huyện Hoài Đức, Hà Nội) “dằn mặt” bằng cách tạt nước nóng vào người. Bàng đồng ý, sau đó nhờ “đàn em” theo dõi, hắt dung dịch nước nóng, dầu ăn vào người nạn nhân vào chiều tối 3/6/2019.

Sau khi nhờ Bàng đánh “dằn mặt” cấp phó cho mình, tháng 8/2019, Long được điều động bổ nhiệm giữ chức TGĐ Cty TNHH MTV Nam Triệu. Quá trình làm việc tại đây, Long bị nam nhân viên SN 1964 viết đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Bị ảnh hưởng công việc vì đơn thư khiếu kiện, Long lại nhờ Bàng “cảnh cáo”. Lần này, Long bảo Bàng “cảnh cáo” bằng cách tạt dung dịch axit pha loãng.

Nhận lời, Bàng đã nhờ “anh em xã hội” của mình thực hiện giúp. Theo cáo trạng, người đàn ông SN 1964 đã hai lần bị tạt axit gây thương tích. Vậy nhưng tại tòa, người này lại xin rút yêu cầu khởi tố. Sau khi xem xét, HĐXX TAND TP Hà Nội đã chấp nhận đơn xin rút yêu cầu khởi tố. Do đó, 3 người có hành vi tạt axit với người này được đình chỉ xét xử.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt 4 bị cáo có hành vi gây thương tích đối với người phụ nữ SN 1976. Cụ thể, Tòa tuyên Long 3 năm tù, Bàng 30 tháng tù và 2 “đàn em” của Bàng mỗi người từ 24 – 26 tháng tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

Liên quan vấn đề trả thù người tố cáo, hồi tháng 9/2020, trong báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh ra Chính phủ cho biết, mặc dù cơ chế bảo vệ người tố giác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được pháp luật quy định, tuy nhiên trên thực tế hiện tượng trù dập, trả thù hoặc đe doạ trả thù vẫn xảy ra khiến người tố cáo tham nhũng lo ngại, không dám đấu tranh.

Trong công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, ngân sách; nhưng xác định hành vi tham nhũng trong các sai phạm này còn gặp khó khăn; do hoạt động thanh tra, giải quyết tố cáo khó có cơ sở, chứng cứ chứng minh hành vi yếu tố vụ lợi, chỉ khi chuyển CQĐT, áp dụng các biện pháp tố tụng mới làm rõ được.

Còn những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng như một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo quy định; chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, chưa công khai đầy đủ kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác.

Việc kiểm tra nội bộ, tự phát hiện hành vi tham nhũng trong một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Một số đơn vị thuộc một số bộ, ngành, địa phương khi có xảy ra tham nhũng nhưng người đứng đầu chưa bị xem xét, xử lý trách nhiệm kịp thời.

theo Hồng Mây – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan