Vụ đất sử dụng suốt 34 năm vẫn có nguy cơ mất trắng tại Đồng Nai: Nhiều vấn đề cần được TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh làm rõ

Cập nhật: 11/11/2020 08:43

– Hơn 30 năm sử dụng đất ổn định, được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) từ năm 2003 và cấp lại vào năm 2011, nhưng người dân lại đứng trước nguy cơ bị mất trắng vì một vụ kiện đòi đất. Nhiều cấp tòa đã xét xử vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.

Hiện trạng khu đất mà gia đình bà Lệ Thu sử dụng ổn định hơn 30 năm qua. (Ảnh: CT)

Hơn 30 năm sử dụng ổn định

Theo hồ sơ vụ việc, 3 thửa đất số 1060, 1061, 1062 tờ bản đồ số 39 xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là 3 thửa đất) được gia đình bà Huỳnh Thị Lệ Thu và ông Ngô Văn Lộc (đã mất) cùng ngụ tại huyện Trảng Bom sử dụng ổn định từ năm 1986 đến nay.

Với 3 thửa đất này, gia đình bà Lệ Thu đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kê khai, đóng thuế nên đến năm 2003 được UBND huyện Trảng Bom cấp GCNQSDĐ cho 3 thửa đất và được cấp lại GCNQSDĐ vào năm 2011, với nguồn gốc đất là do Nhà nước giao trồng rừng vào năm 1986.

Tuy nhiên, phần đất của gia đình bà Lệ Thu được giao, kê khai, cấp sổ và trực tiếp sử dụng suốt 34 năm qua vẫn bị khởi kiện yêu cầu trả lại cho người khác. Cụ thể, năm 2015, gia đình bà Lệ Thu bị bà Nguyễn Ngọc Thu (ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) khởi kiện với yêu cầu buộc gia đình bà Lệ Thu trả lại cho bà Ngọc Thu 3 thửa đất nêu trên.

Nguyên nhân được bà Ngọc Thu đưa ra, phần đất đó là của bố mẹ chồng bà Ngọc Thu khai hoang từ năm 1977, đến năm 1982 thì cho vợ chồng bà. Bà Ngọc Thu canh tác sử dụng đến năm 1985 thì bị gia đình bà Lệ Thu chiếm đất.

Tuy nhiên, sự thật có phải gia đình bà Lệ Thu chiếm đất của gia đình bà Ngọc Thu hay không thì đến nay các cấp tòa vẫn còn có những quan điểm trái chiều.

Những bản án gây tranh cãi

Ngày 4/12/2015, tại Bản án sơ thẩm số 51/2015/DS-ST, TAND huyện Trảng Bom đã tuyên bác đơn yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc Thu đối với bà Lệ Thu và những người kế thừa quyền và nghĩa vụ của ông Ngô Văn Lộc; bác yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc Thu về nội dung “hủy việc UBND huyện Trảng Bom cấp GCNQSDĐ” đối với 3 thửa đất đã cấp cho vợ chồng bà Lệ Thu.

Không đồng ý với phán quyết này, bà Ngọc Thu đã kháng cáo. Ngày 27/5/2016, TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án. Tại Bản án phúc thẩm số 157/2016/DS-PT, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 51/2015/DS-ST.

Do vụ án có quan hệ pháp luật tranh chấp quyền sử dụng đất, có xem xét hủy quyết định cá biệt của UBND huyện nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh. Do đó, sau khi bản án phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm và xử lại thì thẩm quyền xét xử sơ thẩm thuộc về TAND tỉnh Đồng Nai.

Trong các ngày 17 và 26/9/2019, TAND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ việc. Tại Bản án sơ thẩm số 11/2019/DS-ST, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc Thu về tranh chấp quyền sử dụng đất thửa số 1060, 1061, 1062 tờ bản đồ số 39 xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom; hủy các GCNQSDĐ do UBND huyện Trảng Bom cấp ngày 8/12/2011 công nhận quyền sử dụng đất các thửa đất số 1060, 1061, 1062…

 Nhiều cấp tòa đã xét xử vụ việc, nơi nói đúng, nơi nói sai nhưng đến nay vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. (Ảnh: CT)

Các vấn đề TAND Cấp cao cần làm rõ

Đánh giá về nguồn gốc đất và chứng cứ do bà Ngọc Thu cung cấp làm cơ sở khởi kiện, luật sư Trần Anh Dũng, Công ty Luật Hợp Danh MIC, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Bà Ngọc Thu khai, diện tích đất tranh chấp là đất do mẹ chồng của bà là bà Phạm Thị Phương khai phá năm 1977. Đến năm 1982 thì bà Phương cho vợ chồng bà. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án không có bất cứ một tài liệu chứng cứ nào, không có bất cứ một biên lai, chứng từ, mục kê nào chứng minh thửa đất tranh chấp có nguồn gốc là của bà Phương, do bà Phương canh tác từ năm 1976 – 77 đến năm 1982. Chính quyền các cấp từ trước đến giờ cũng chưa có một cơ quan, tổ chức nào xác nhận bà Phương là người đã khai hoang thửa đất trên từ năm 1976-77”.

Luật sư Trần Anh Dũng phân tích: “Bà Ngọc Thu có mời một số người đứng ra làm chứng (bà Huỳnh Thị Mai và ông Trương Văn Hải) cho bà là có từng canh tác ở khu vực đất tranh chấp. Nhưng tại lần xét xử sơ thẩm thứ nhất của TAND huyện Trảng Bom đã từng tiến hành thẩm định tại chỗ thì các nhân chứng này cũng không xác định được vị trí đất mà bà Ngọc Thu đã canh tác. Mặt khác, các nhân chứng này cũng chỉ xác nhận được việc có thấy bà Ngọc Thu canh tác ở khu vực đất đang tranh chấp với gia đình bà Lệ Thu chứ họ cũng không chứng minh và xác nhận được ranh giới đất, diện tích mà bà Ngọc Thu canh tác là bao nhiêu m2”.

Liên quan tới văn bản ghi ngày 12/7/2009 của bà Phạm Thị Phương (mẹ chồng bà Ngọc Thu) trình bày là bà có một miếng đất diện tích 1,4ha thuộc Tập đoàn 39 quản lý do bà canh tác từ năm 1977 đến năm 1982 thì cho vợ chồng con trai là Nguyễn Thái Thịnh, Nguyễn Ngọc Thu tiếp tục canh tác.

Luật sư Trần Anh Dũng cho rằng, đây chỉ là lời khai một phía của bà Phương, bà Phương không có bất cứ một tài liệu, chứng cứ nào chứng minh quyền sử dụng đất của mình rồi sau đó cho vợ chồng bà Ngọc Thu.

Về 2 biên lai biên lai nộp thuế đất mầu và một giấy xác nhận thu thuế đất mầu mà bà Ngọc Thu cung cấp cho tòa có xác nhận thu tiền của ông Trương Văn Hải, luật sư Trần Anh Dũng phân tích: Thứ nhất, cả 3 giấy tờ nộp thuế đất mà bà Ngọc Thu cung cấp cho toà thì không có một giấy tờ nào ghi nhận và xác định được đây là khoản thuế nộp cho diện tích đất đang tranh chấp mà chỉ xác định được đây là thuế đất vụ mùa.

Thứ hai, hồ sơ vụ án và lời khai của những người trong cuộc thể hiện thửa đất 1,5ha đang tranh chấp là loại đất được quy hoạch là đất trồng cây gây rừng từ xưa đến nay chứ không phải đất vụ mùa.

Thứ ba, trong hồ sơ vụ án và hồ sơ lưu trữ tại cơ quan quản lý đất đai địa phương cũng không ghi nhận có việc bà Ngọc Thu đã đăng ký sử dụng đất theo quy định.

Do việc đăng ký sử dụng đất theo quy định của pháp luật không có, việc sử dụng đất không được ghi vào sổ địa chính của Nhà nước nên không thể có việc cơ quan thuế thu của bà Ngọc Thu thuế sử dụng đất đối với 1,5ha đất đang tranh chấp. Bà Ngọc Thu cũng không cung cấp được cho toà án tài liệu, chứng cứ nào do cơ quan quản lý thuế của địa phương giải trình rõ ràng về khoản thu này.

“Từ những phân tích trên có thể khẳng định các biên lai nộp thuế mà bà Ngọc Thu cung cấp không tương đồng với loại đất rừng 1,5ha mà bà đang tranh chấp với gia đình bà Lệ Thu. Nói cách khác là không có cơ sở để khẳng định các biên lai này là biên lai nộp thuế cho 1,5ha đất rừng mà cơ quan có thẩm quyền đã giao cho gia đình bà Lệ Thu”, luật sư Trần Anh Dũng khẳng định.

Theo tìm hiểu của PV Báo Thanh tra, gia đình bà Lệ Thu đã làm đơn kháng cáo lên TAND Cấp cao tại TP HCM yêu cầu xét xử vụ việc theo thủ tục phúc thẩm. Đến nay, vụ việc đã được TAND Cấp cao tại TP HCM thụ lý và đưa ra xét xử.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

theo Chu Tuấn – Báo Thanh tra

Tin liên quan

Đề nghị bổ sung 04 dự án Luật và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 - Cập nhật: 27/11/2024 08:41
Cao Bằng: Tổng kết 10 năm thi hành Luật Tiếp công dân của HĐND các cấp - Cập nhật: 27/11/2024 07:44
Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08