Chữ ký giả và câu hỏi nguyên đơn là ai?
Trước đó, tại phiên xử ngày 13/8, trả lời đề nghị của thẩm phán, các bên đương sự cho biết đã thực hiện tranh luận đầy đủ trong gần 3 ngày, không còn gì để tranh luận nữa. Theo qui định, sẽ đến phần phát biểu của VKS và sau đó Tòa sẽ nghị án. Tuy nhiên, chủ tọa lại bất ngờ tuyên: tạm dừng phiên tòa 7 ngày.
Tại phiên xử ngày 20/8, chủ tọa tuyên bố tiếp tục ngưng phiên tòa trong vòng 1 tháng để thu thập thêm chứng cứ do có văn bản yêu cầu của VKSND Q7. Đại diện các bên liên quan vụ kiện đều phản ứng trước quyết định bất ngờ của chủ tọa, trừ nguyên đơn vụ kiện… vỗ tay!?
Sau đó, trong Đơn gửi VKSND Q7 ngày 7/9/2020, Cty Kim Oanh đề nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa Q7 làm đình trệ việc triển khai dự án Hòa Lân, đồng thời đề nghị sớm đưa vụ án ra xét xử. Tại lá đơn này, Cty Kim Oanh cho rằng, có nhiều bất thường trong việc thụ lý vụ kiện của thẩm phán. Như: Việc thụ lý đơn khởi kiện của Thiên Phú cũng như nội dung thông báo thụ lý vụ kiện là “thần tốc, bất thường” và mâu thuẫn; Xác định quan hệ pháp luật, tư cách tham gia tố tụng của các bên đương sự không đúng; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa Q7 có vi phạm pháp luật về mặt nội dung, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của bên trúng đấu giá là Cty Kim Oanh…
Nội dung Đơn cũng nêu những bất thường về người đại diện của nguyên đơn trong vụ kiện. Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc, chiếm 99% vốn điều lệ tại Cty Thiên Phú là người ký đơn khởi kiện. Sau đó, ông Sơn bị bắt tạm giam vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng của Kim Oanh trong quá trình chuyển giao dự án Hòa Lân.
Ông Sơn ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Thiên Phú, đại diện trước tòa. Sau đó, Thiên Phú lại thay đổi người đại diện là luật sư Hà Thị Hồng Quyên. Rồi xuất hiện bà Phạm Thị Hường và con dâu (bà Châu) nhận chuyển nhượng vốn tại Thiên Phú của ông Sơn (chiếm 99% vốn điều lệ) và ông Phú (chiếm 1%) đòi trở thành thành viên góp vốn của Thiên Phú.
Do vụ chuyển nhượng bị CQĐT Bộ Công an có văn bản yêu cầu gửi Sở KH&ĐT Bình Dương nên bà Hường, bà Châu chưa được công nhận là 2 thành viên mới của Thiên Phú, nên họ chưa thể là người đại diện cho Thiên Phú, nhưng lại được Tòa Q7 cho tham gia với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Ngày 18/5 và 25/6/2020, từ trong trại tạm giam, ông Sơn với tư cách Giám đốc Thiên Phú bất ngờ có 2 lá đơn: “Rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện tại Tòa Q7” và “Hủy bỏ toàn bộ ủy quyền liên quan đến việc khởi kiện”.
Thẩm phán Lê Thị Phơ đã vào trại giam để xác minh trực tiếp và dù ông Sơn vẫn khẳng định nội dung đơn đã ký gửi, vụ kiện vẫn không được đình chỉ theo qui định của pháp luật.
Cty Kim Oanh nhận định: “Bản chất vấn đề này như sau: Thực tế đến ngày 25/5/2017, tổng cộng nợ gốc và lãi Thiên Phú còn phải trả cho Agribank là 3.145.768.290.960 đồng, sau khi bán đấu giá toàn bộ tài sản của Cty Thiên Phú, Ngân hàng thu hồi nợ lãi và gốc là 1.428.373.475.447 đồng; Hiện Thiên Phú không còn tài sản nào và vẫn nợ Ngân hàng 1.717.394.815.518 đồng, đến nay không có khả năng trả. Vậy mà sau 2 năm, Thiên Phú đem toàn bộ tài sản là Dự án Hòa Lân ra đấu giá trả nợ Ngân hàng; Cty Thiên Phú ví như đã chết nhưng chưa chôn, còn một khoản nợ lớn, không có tài sản nào và không hoạt động, nhưng bà Hường, bà Châu vẫn nhận chuyển nhượng vốn góp. Quan hệ mua vốn góp của bà Hường, việc khởi kiện của ông Sơn, cách thụ lý đơn kiện chóng vánh cho thấy bản chất đây là việc mua bán vụ kiện”.
Cần nói thêm, khi ông Sơn, Giám đốc Thiên Phú có đơn “rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện” và “hủy bỏ toàn bộ ủy quyền liên quan đến việc khởi kiện” tới Tòa Q7, lúc này người đại diện cho Thiên Phú tại tòa lại cho rằng ông Sơn đang bị bắt tạm giam nên người có vốn góp còn lại tại Thiên Phú là ông Trương Thành Phú (chiếm 1% vốn điều lệ) sẽ là đại diện đương nhiên.
Sau đó, Tòa Q7 vẫn tiếp tục xét xử với người đại diện nguyên đơn cũ và không có lời giải thích thuyết phục.
Mới đây, CQCSĐT Bộ Công an có Văn bản 3469/CSKT-P10 gửi Tòa Q7. Theo đó, căn cứ kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự TP.HCM thì “tại hồ sơ đăng ký kinh doanh của Cty Thiên Phú do Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cung cấp cho CQCSĐT, toàn bộ chữ ký, chữ viết tên “Bùi Thế Sơn” đều không phải do bị can Bùi Thế Sơn ký và viết”.
Đồng thời, lời khai của ông Bùi Thế Sơn cũng khẳng định chữ ký trên các tài liệu chuyển nhượng vốn góp không phải của ông.
Ngày 15/9/2020, từ trại tạm giam, ông Sơn có Đơn đề nghị gửi đến Tòa Q7 bốn nội dung.
Thứ nhất, với toàn bộ hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh của Thiên Phú “chữ ký Bùi Thế Sơn tôi xác định là không phải chữ ký của tôi. Do vậy, tôi viết đơn này đề nghị TAND Q7 không chấp nhận cho người khác tham gia vụ kiện”.
“Thứ hai, tôi đã từng đề nghị hủy toàn bộ ủy quyền trước đây với bà Hà Thị Hồng Quyên là luật sư và ông Nguyễn Văn Tuấn (PGĐ Cty). Đến nay tôi tiếp tục đề nghị Tòa Q7 thực hiện việc hủy ủy quyền trên theo nguyện vọng của tôi”.
“Thứ ba, với 1% phần vốn góp của ông Trương Thành Phú tại Thiên Phú là do tôi nhờ Phú đứng tên giúp, không có góp vốn, không tham gia điều hành, không có bất kỳ quyền gì với Thiên Phú. Tôi cũng không ủy quyền cho Phú quyết định gì vì Phú chỉ là lái xe của tôi. Vì vậy không rõ vì sao thẩm phán thông báo cho tôi là ông Phú có ủy quyền cho những người trên tham gia vụ kiện ở Tòa Q7”.
“Theo tôi, Phú có thể bị đe dọa hoặc bị mua chuộc. Đề nghị CQĐT và Tòa Q7 điều tra làm rõ sự việc trên và bác bỏ các nội dung ông Phú ủy quyền hoặc yêu cầu tại Tòa Q7”.
“Thứ tư, việc ông Phú ký nhận tiền của người khác để chuyển nhượng phần vốn góp trên danh nghĩa tại Thiên Phú, ký vào các tài liệu giả mạo chữ ký của tôi, nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đề nghị Tòa Q7 có văn bản kiến nghị CQĐT vào cuộc làm rõ và bảo vệ quyền lợi ích cho tôi và pháp nhân Thiên Phú”.
Lý do ngưng phiên tòa 1 tháng và ý kiến của UBND tỉnh Bình Dương
Trở lại phiên tòa ngày 20/8. Chủ tọa tuyên bố tạm ngừng phiên tòa trong vòng 1 tháng sau khi công bố văn bản của VKSND Q7 ký ngày 19/8, yêu cầu thu thập chứng cứ xác minh 2 nội dung.
Thứ nhất, áp dụng Điều 5 Luật Đấu giá 2016; căn cứ Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 quy định một số điều của Luật Kinh doanh BĐS về trình tự, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án do UBND các cấp quyết định đầu tư và thẩm định, cho ý kiến về hồ sơ chuyển nhượng. Từ đó, trước khi chuyển nhượng bằng hình thức đấu giá, phải được các sở chuyên ngành tổ chức thẩm định và báo cáo UBND tỉnh ký quyết định cho phép chuyển nhượng. Theo VKS, dự án Hòa Lân có cả diện tích đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng. Việc bán đấu giá chưa làm rõ ý kiến của UBND tỉnh Bình Dương.
Thứ hai, Tòa Q7 chưa có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước có ý kiến về quy định chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng tại Thông tư 11/2011/TT-NHNN. Nguyên đơn tranh chấp việc tính lãi và thời điểm tính lãi; yêu cầu giám định, nhưng Tòa chưa trưng cầu giám định.
Ngày 15/9/2020, Chủ tịch UBND Bình Dương Trần Thanh Liêm có Văn bản 4538/UBND-KT, theo đó, về dự án Hòa Lân đã có ý kiến như sau:
“Với dự án Hòa Lân, qua phân tích và đối chiếu với quy định pháp luật, UBND tỉnh Bình Dương chưa xem xét việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án Hòa Lân. Sau khi bán đấu giá, Kim Oanh có nộp hồ sơ xin chuyển đổi chủ đầu tư, UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho Sở Xây dựng thẩm định, tham mưu.
Nhưng khi đang trong quá trình giải quyết thì Thanh tra Bộ Tư pháp thanh tra quá trình đấu giá. Tiếp theo, ngày 14/02/2019, Thiên Phú có đơn ngăn chặn; ngày 15/3/2019, Tòa Q7 có quyết định “phong tỏa” dự án Hòa Lân.
UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo Tòa Q7 đẩy nhanh việc xét xử làm cơ sở để UBND tỉnh Bình Dương hướng dẫn Kim Oanh thực hiện hiện thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư theo đúng quy định.”
Trước đó, Agribank cũng có báo cáo gửi Thủ tướng số 2568/NHNo-Pc về việc bán đấu giá Dự án Hòa Lân: “… Việc Tòa Q7 ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch về tài sản dưới mọi hình thức là không đúng tinh thần của Nghi quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước về thí điểm xử lý nợ xấu của Tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên trúng đấu giá là Cty Kim Oanh cũng như quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu của Agribank…”
Cùng với những tình tiết mới và bất ngờ của vụ án, cho thấy, không những toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thực chất – ông Bùi Thế Sơn – không còn, mà dấu hiệu của một vụ án hình sự trong quá trình giải quyết vụ án dân sự đã xuất hiện, cần được xem xét và xử lý nghiêm minh theo luật định,/.
Báo TNVN tiếp tục phản ánh vụ kiện này.