Xuất hiện ở phút thứ “89”
Sau này, ông Sơn đã dám có Đơn rút đơn khởi kiện nhưng là khi ông đã bị Bộ Công an bắt tạm giam…
Như Báo TNVN đã phản ánh, sau khi Cty Kim Oanh trúng đấu giá dự án Hòa Lân giúp Agribank giải quyết nợ xấu, giúp Cty Thiên Phú thoát khỏi món nợ xấu, Cty Thiên Phú thay vì tạo điều kiện thuận lợi đã liên tục gây khó khăn cho Cty Kim Oanh. Từ việc làm đơn tố cáo đến Thanh tra Bộ Tư pháp đòi hủy kết quả đấu giá không thành, Cty Thiên Phú tiếp tục khởi kiện ra TAND quận 7 TP HCM. Mặc dù Cty Kim Oanh và Agribank đã có văn bản phản đối gửi các cấp các ngành, kể cả báo cáo lên Thủ tướng, nhưng TAND quận 7 vẫn quyết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khiến Cty Kim Oanh không thể triển khai dự án Hòa Lân và chịu thiệt hại nặng nề khi phải “chôn vốn” hàng nghìn tỷ đồng.
Đến nay, TAND quận 7 vẫn chưa đình chỉ vụ án, dù từ trong trại giam, Giám đốc Cty Thiên Phú Bùi Thế Sơn đã có đơn xin rút đơn khởi kiện và đơn xin hủy toàn bộ ủy quyền đại diện Cty Thiên Phú đối với Phó Giám đốc Nguyễn Văn Tuấn.
4 ngày trước khi Giám đốc Bùi Thế Sơn bị bắt vì tội lừa đảo để chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng tiền đền bù dự án Hòa Lân của Cty Kim Oanh, ông Sơn cùng ông Trương Thành Phú đã kịp bán hết cổ phần của mình tại Thiên Phú cho 2 người khác. Cụ thể, ông Sơn bán cho bà Phạm Thị Hường phần vốn góp 89,1 tỷ (tương đương 99% vốn điều lệ Cty Thiên Phú); ông Phú bán cho bà Nguyễn Ngọc Kim Châu phần vốn góp 900 triệu (tương đương 1% vốn điều lệ).
Vụ mua cổ phần khiến nhiều người “kinh ngạc” bởi lúc này Cty Thiên Phú chẳng còn tài sản, dự án nào nữa, đang nợ đầm đìa, lại đang tham gia vụ kiện do tòa án cấp quận thụ lý trong tình cảnh Thanh tra Bộ Tư pháp trước đó đã có kết luận đúng sai và đã báo cáo Thủ tướng.
Sau vụ mua bán, Phó Giám đốc Tuấn lập tức có văn bản và hồ sơ đề nghị thay đổi người thành viên và người đại diện theo pháp luật của Thiên Phú đến Sở KH&ĐT Bình Dương.
Tuy nhiên, CQĐT Bộ Công an đã có văn bản số 1275/CSKT-P15 “đề nghị Sở KH&ĐT chưa thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đối với Cty Thiên Phú cho đến khi có ý kiến của CQĐT Bộ Công an.”
Sở KH&ĐT Bình Dương đã có văn bản gửi TAND quận 7, cho biết chưa thực hiện đăng ký thay đổi thành viên và người đại diện Cty Thiên Phú cho đến khi có ý kiến của Bộ Công an.
Dù thế, trong đơn gửi TAND Quận 7, ông Tuấn vẫn cho rằng 2 mẹ con bà Phạm Thị Hường là hai cổ đông mới, đòi tòa cho họ vào làm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện.
Vì sao ông Tuấn vẫn kiên trì như vậy? Phải chăng ông tin rằng với tên tuổi của bà Hường Tòa sẽ chấp thuận? Vậy bà Phạm Thị Hương là ai?
Đại gia “phân lô bán nền”
Theo diễn biến mới nhất, ngày 27/6, UBND tỉnh Bình Dương nhận được công văn của Cơ quan điều tra (CQĐT), Bộ Công an đề nghị cung cấp tài liệu để xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc phân lô bán nền và thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, 4 công ty mà cơ quan điều tra yêu cầu cung cấp hồ sơ đều do gia đình bà Phạm Thị Hường làm chủ.
UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế và UBND thành phố Thuận An, UBND thành phố Dĩ An cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện 17 dự án bất động sản.
Tổng số lượng của 17 dự án lên tới hàng ngàn nền đất. Đa phần các dự án đều có nguồn gốc là đất nhà máy, xí nghiệp thuê đất của nhà nước để sản xuất kinh doanh, đất nông nghiệp, đất qui hoạch làm công viên cây xanh…
Từ việc nhận chuyển nhượng quyền thuê đất sản xuất, các công ty của bà Hường đã xin chuyển mục đích sử dụng trót lọt để phân chia thành các lô đất ở. Với cách làm này, chỉ trong vài năm trở lại đây, các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương đã giúp các công ty gia đình bà Hường nhanh chóng thâu tóm và tách thửa với hàng ngàn lô đất để bán cho người dân thu lợi.
Năm 2018, bà Hường lập “kỷ lục” khi được giao tới 8 dự án, tính trung bình cứ một tháng rưỡi lại được giao một khu đất.
Thống kê trong 3 năm (2017-2019), ngay trước khi Quốc hội ra Nghị quyết về việc thành lập thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An (được nâng cấp từ 2 thị xã nằm sát TP HCM vào cuối tháng 1/2020) các công ty của bà Hường đã được UBND tỉnh Bình Dương giao khoảng nửa triệu m2 đất để xây các khu nhà ở thương mại với trên 3.700 thửa đất.
Trước năm 2014, bà Hường chưa được biết đến trong giới bất động sản ở Bình Dương. Nhưng từ năm 2014, sau khi thực hiện cú “lách luật” ngoạn mục khi từ 9 khu đất nông nghiệp, vợ chồng bà Hường và 2 con đã tự tách thành 1059 lô đất ở bằng cách 4 người “tặng cho” nhau, bà Hường trở nên nổi tiếng.
Cú “lách luật” ngoạn mục
Ngoài 17 dự án của 4 công ty gia đình bà Hường, Bộ Công an còn đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến Kết luận kiểm tra 250/KL-UBND năm 2014 về việc phân lô bán nền trên địa bàn Thuận An.
Theo Kết luận 250, trong 10 khu đất được kiểm tra chỉ có 1 khu đất do ông Tống Văn Cư làm chủ đầu tư là có phương án tách thửa theo đúng quy định của pháp luật. Còn lại 9 khu đất, diện tích 101.353m2, do bà Hường làm chủ đầu tư thì không theo đúng quy định. Tất cả 9 khu đất đều được chia tách với hình thức là phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thành nhiều khu nhỏ có diện tích dưới 2000m2. Sau khi tách thành nhiều khu nhỏ, tiếp tục tách thành 1059 thửa nhỏ có diện tích bình quân là 60m2 bằng hình thức bố mẹ tặng cho các con. Trong 9 khu đất này có 2 khu đất không phù hợp quy hoạch. Kết luận nêu: “Việc cho tách thành 312 thửa, chuyển mục đích sang đất ở 310 thửa, không đúng quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (đất này đã được quy hoạch làm công viên cây xanh cách ly) được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt tại Quyết định 1071/QĐ – UBND ngày 12/4/2010”.
Cũng theo Kết luận, đối với chủ đầu tư Phạm Thị Hường, do làm sai qui định đã hưởng lợi hơn 41 tỷ đồng vì không phải chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, bà Hường còn không phải bỏ tiền đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trước khi phân lô bán nền theo qui định.
Chưa kể, theo qui định của pháp luật, nếu doanh nghiệp muốn đầu tư dự án bất động sản thì phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cùng nhiều chi phí khác.
Đối với cán bộ nhà nước tiếp tay cho việc làm trái qui định, Kết luận chỉ rõ sai phạm từng người, thậm chí nhiều người được kết luận là “cố ý vi phạm qui định của pháp luật”. Đáng chú ý, ông Đặng Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND TP Thuận An, một năm ký tới 1059 sổ đỏ, có ngày ký tới 107 sổ đỏ cho 2 vợ chồng và 2 con trong gia đình bà Hường mà vẫn “vô tư”!
Theo Kết luận của UBND tỉnh Bình Dương, việc phân lô bán nền của gia đình bà Hường với số lượng rất lớn là việc làm vi phạm pháp luật, không chỉ hình thành nên các khu dân cư tự phát, không được đầu tư hạ tầng mà còn có nguy cơ gây thất thu thuế cho nhà nước.
Việc làm của bà Hường có sự tiếp tay của cán bộ và rất nghiêm trọng. Hành vi vi phạm trong việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng, phân lô bán nền có hệ thống và được lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian ngắn có dấu hiệu tiêu cực. Vì thế, UBND tỉnh đã thống nhất chuyển cơ quan điều tra Công an tỉnh xử lý.
Ngay trong năm 2015, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng cũng đã từng yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an tỉnh phối hợp với VKSND tỉnh khẩn trương xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý, nếu đủ căn cứ thì khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, vụ án hình sự đã không được khởi tố.
Mới đây, trả lời báo chí, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Sau khi chuyển hồ sơ cho CQĐT Công an Bình Dương làm rõ, phía công an đã vào cuộc và đã có kiến nghị không xử lý hình sự bà Phạm Thị Hường, với lý do sai phạm chưa đến mức phải xử lý hình sự mà chỉ xử lý vi phạm hành chính”. Về diện tích 2 lô đất 16.238m2 được qui hoạch làm công viên cây xanh cách ly được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt tại Quyết định 1071/QĐ – UBND ngày 12/4/2010, ông Liêm nói: “Lúc đó mới chỉ là quy hoạch phân khu chưa có một cái gì cụ thể cả”. Về xử lý cán bộ có sai phạm, ông Liêm cho hay: “Năm 2015, UBND tỉnh kỷ luật hơn 10 cán bộ có liên quan, trong đó có trường hợp phải cho nghỉ việc, trường hợp luân chuyển làm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ…”
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bình Dương xử lý các dự án sai phạm
Ngày 01/7/2020, Văn phòng Chính phủ gửi công văn số 5283/VPCP-V.I truyền đạt ý của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh Bình Dương vào cuộc kiểm tra các dự án bất động sản trên địa bàn. Nội dung công văn do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy ký nêu rõ: Thời gian qua nhiều cơ quan báo chí có nhiều bài viết phản ánh các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại TP Thuận An, TP Dĩ An và TX Bến Cát. Đồng thời, VP Chính phủ nhận được đơn do Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển đến phản ánh các vi phạm nêu trên. Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến, yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh của báo chí, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2020. |
Báo TNVN sẽ tiếp tục phản ánh kết quả điều tra của CQĐT Bộ Công an./.
Theo LÊ Hải – báo tiếng nói Việt Nam