lTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam ngày 2/3/2023. (Ảnh: TTXVN) |
Không chỉ là truyền thống quý báu mà còn là chiến lược cách mạng
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Đây là bài viết rất quan trọng, nhằm khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, tiếp tục thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng; củng cố niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu, bài học kinh nghiệm chủ yếu mà Đảng và đất nước ta đã đạt được qua các chặng đường lịch sử. Trong cả 3 phần của bài viết, Tổng Bí thư nhiều lần nhắc đến cụm từ “đoàn kết” và “yêu nước”, đồng thời cho rằng đây là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta.
Từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, không cam chịu làm thân phận nô lệ, Nhân dân ta đã liên tiếp vùng lên đấu tranh qua các phong trào yêu nước diễn ra liên tục và mạnh mẽ bằng nhiều con đường với nhiều khuynh hướng khác nhau. “Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ.
Đánh giá cao các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là quan điểm của người đứng đầu Đảng ta về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam chia sẻ: Sinh thời, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh suy nghĩ nhiều nhất, đề cập và chăm lo nhiều nhất chính là vấn đề đoàn kết. Nhờ đoàn kết, chúng ta mới chiến thắng mọi kẻ thù. “Chúng ta đã 3 lần chiến thắng Nguyên – Mông. Đất chúng ta không rộng, người không đông, kinh tế chậm phát triển, nhưng chúng ta chiến thắng quân thù chính là dân tộc ta biết đoàn kết trên tinh thần yêu nước” – ông Nguyễn Túc bày tỏ.
Đoàn kết là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Nhân dân tham dự Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ tháng 4/2016. (Ảnh: TTXVN) |
Yêu nước và tinh thần đoàn kết không chỉ là truyền thống quý báu mà còn là chiến lược cách mạng của Đảng ta, ông Túc dẫn chứng: Nhiều người không tin Việt Nam có thể chiến thắng thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ, vậy mà Việt Nam đã làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ đã thức tỉnh tinh thần vùng dậy của Nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới và ngọn cờ độc lập dân tộc của dân tộc ta được các nước phát triển lên. Tương tự, nhiều người không tin Việt Nam có thể chiến thắng Mỹ, nhưng với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối vào ngày 30/4/1975, đúng theo tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Đánh cho Mỹ cút/Đánh cho Ngụy nhào”.
Trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều mong muốn cuối cùng của Bác là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Kế thừa và phát triển truyền thống đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng tầm lên trong điều kiện hiện nay khi đất nước chúng ta đã có hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc; đặc biệt trong quá trình đổi mới tiến lên CNXH thì điều quan trọng nhất là Đảng phải đoàn kết. Đoàn kết toàn Đảng là hạt nhân cho đoàn kết toàn dân. “Dưới sự lãnh đạo của Đảng thì Đảng phải đoàn kết trước, thứ hai là đoàn kết toàn dân, thứ ba là đoàn kết quốc tế” – ông Nguyễn Túc nói.
Muốn đoàn kết thực sự phải có dân chủ thực sự
Ông Nguyễn Túc – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: Vân Anh) |
Để tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tới nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Tổng Bí thư lưu ý một số bài học kinh nghiệm và truyền thống của dân tộc: “Đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí…”.
Theo ông Nguyễn Túc, vấn đề quan trọng nhất trong tình hình hiện nay khi phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN thì đoàn kết trong Đảng là yếu tố quyết định để đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế. “Tại sao tôi muốn nhấn mạnh điều đó? Vì thời gian vừa qua, chúng ta thấy chỗ nọ, chỗ kia mất đoàn kết trong nội bộ Đảng. Cũng vì không thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ nên dẫn đến mất đoàn kết, tham nhũng, hối lộ… Hầu hết trong những vụ án trọng điểm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra gần đây, sai phạm đầu tiên được nhắc đến là “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ”. Khi không thực hiện được nguyên tắc cốt lõi đó thì nhất định sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Cho nên tôi rất tâm đắc với tất cả những bài viết gần đây của đồng chí Tổng Bí thư… Tổng Bí thư đã nhấn mạnh vấn đề đoàn kết trong nội bộ Đảng là hết sức quan trọng. Bác Hồ từng căn dặn, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là vậy. Nếu trong Đảng mỗi người một phe, một quan điểm thì trong dân sẽ có sự phân hóa, tạo ra phe cánh, lợi ích nhóm…” – ông Túc bày tỏ.
Nhằm việc thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, phát triển đất nước đến năm 2025 và năm 2030 xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đăc biệt nhấn mạnh yêu cầu: từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ…
Ông Nguyễn Túc cho rằng, đổi mới để xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh chưa có tiền lệ; chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo thì Đảng ta phải mạnh. Muốn Đảng mạnh thì trong nội bộ phải đoàn kết; muốn trong nội bộ đoàn kết thì khẩu hiệu đầu tiên Bác Hồ căn dặn chúng ta là “muốn đoàn kết thực sự phải có dân chủ thực sự”. Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên là phải tập trung dân chủ.
“Phải nói đi nói lại rằng, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đoàn kết trong Đảng phải trở thành vấn đề quyết định cho đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế. Bài học đau xót xảy ra ở Liên Xô và Đông Âu là vấn đề mà chúng ta cần phải cảnh giác” – vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chỉ rõ.
Truyền đạt những nội dung cơ bản, cốt lõi trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt mới đây, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, cuốn sách thể hiện tư duy nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc, vấn đề được xác định là đường lối chiến lược của Đảng ta, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ.
Ông Đỗ Văn Chiến đề cập tới 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập. Trước tiên, cần giữ vững vai trò tiên phong, hạt nhân lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời kỳ mới. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm huy động mọi nguồn lực, phát huy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sức sáng tạo của các giai tầng xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Cùng với đó, phát huy dân chủ XHCN, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực chủ yếu, là mục tiêu của đại đoàn kết toàn dân tộc trong tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam…