Buông lỏng quản lý, chậm xử lý công trình vi phạm

Cập nhật: 09/09/2020 09:05

Trên địa bàn huyện Củ Chi vẫn còn trường hợp công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời; không ban hành quyết định xử phạt vi phạm và tiến hành cưỡng chế kịp thời theo quy định, dẫn đến công trình vi phạm hoàn thành và đưa vào sử dụng, gây khó khăn cho công tác xử lý về sau.

Thanh tra TP HCM khẳng định có sự buông lỏng quản lý, chậm xử lý công trình vi phạm của UBND huyện Củ Chi, Đội Thanh tra xây dựng địa bàn, UBND xã đối với 1 số công trình vi phạm. (Ảnh minh họa: CT)

Còn tình trạng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp

Đó là một trong những vi phạm được Thanh tra TP HCM phát hiện khi thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi.

Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Chung Ly tự xây dựng không phép thêm 14 hạng mục công trình với tổng diện tích hơn 10.700m2, quá trình xây dựng kéo dài, liên tục nhưng UBND xã Bình Mỹ, UBND huyện Củ Chi, Đội Thanh tra xây dựng địa bàn huyện đã buông lỏng quản lý, chậm xử lý dẫn tới công trình vi phạm đưa vào sử dụng, hiện có 20 đơn vị đang thuê hoạt động.

Trường hợp ông Thái Tăng Phước xây dựng 18 hạng mục công trình sử dụng vào mục đích tín ngưỡng, ngoài 1 công trình xây dựng có giấy phép nhưng quá trình xây dựng sai phép. Các công trình còn lại đều xây dựng trên đất nông nghiệp với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 1.300m2; vị trí xây dựng không phù hợp quy hoạch (đất công viên cây xanh – thể dục thể thao).

Ông Phước xây dựng liên tục trong 10 năm, nhưng đến năm 2018, UBND xã Nhuận Đức, và các đơn vị liên quan mới lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Như vậy, có sự chậm trễ trong xử lý các công trình vi phạm, thể hiện sự buông lỏng quản lý, dẫn đến công trình vi phạm đưa vào sử dụng.

Trường hợp bà Võ Thị Mỹ Tiên xây dựng 13 hạng mục công trình không phép đất nông nghiệp trên địa bàn xã An Phú để làm nhà ở trong khi chưa chuyển mục đích sử dụng, vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng đất, phần đất xây dựng cũng không phù hợp quy hoạch do là đất cây xanh cảnh quản ven sông Sài Gòn…

Kết luận thanh tra cũng cho biết, UBND xã Trung An, Đội Thanh tra xây dựng địa bàn, UBND huyện Củ Chi đã buông lỏng quản lý, chậm xử lý hành vi vi phạm xây dựng, sửa chữa không phép của các ông, bà: Nguyễn Phi Trường, Phạm Dương Hùng, Lý Kim Ngân, Trần Thị Thu Thủy tự ý xây dựng mới hoặc sửa chữa cải tạo các công trình khuôn viên Hợp tác xã Hà Quang (tổ 10 ấp Thạnh An, xã Trung An) khi chưa chuyển mục đích sử dụng, làm phát các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp…

 Các dãy nhà được hình thành trên địa bàn xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. (Ảnh: CT)

Hình thành nhà 3 chung với những hậu quả phức tạp

Thanh tra TP HCM khẳng định, UBND huyện Củ Chi đã cấp phép xây dựng chưa đảm bảo về điều kiện xây dựng tại các khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư… không đúng quy định tại Điều 93 Luật Xây dựng năm 2014.

UBND huyện cấp phép xây dựng thiếu hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn thiết kế, thiếu chứng chỉ hành nghề của cán bộ thiết kế hoặc sử dụng chứng chỉ hành nghề hết hạn đối với công trình có diện tích trên 250m2 hoặc 3 tầng trở lên là không phù hợp quy định…

Thanh tra TP cũng khẳng định, UBND huyện cấp giấy phép xây dựng, có bản vẽ được duyệt kèm theo giấy phép xây dựng có nhiều căn nhà nhà riêng biệt, liền kề, có hệ móng, hệ cột, hệ mái, công trình phụ, cửa chính, tường ngăn và kiến trúc mặt tiền riêng biệt, hình thành nhà 3 chung.

Vẫn còn tình trạng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại địa bàn huyện Củ Chi. (Ảnh minh họa: CT)

UBND huyện Củ Chi cấp giấy phép xây dựng khi chưa đảm bảo các điều kiện cấp giấy phép xây dựng, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đồng bộ, ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch. Sau khi thi công xây dựng hoàn thành nhà ở liền kề, chủ đầu tư đã chuyển nhượng từng căn nhà riêng biệt bằng hình thức vi bằng, không đúng quy định pháp luật, đã tạo kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để không lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định pháp luật về nhà ở…

Điều này dẫn đến hậu quả phức tạp do người mua nhà ở sẽ không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, có thể phát sinh các tranh chấp dân sự, phát sinh các vấn đề phức tạp khác trong công tác quản lý Nhà nước tại địa phương.

 Việc phối hợp kiểm tra của UBND huyện, UBND các xã và lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn chưa kịp thời; không chủ động xử lý ngay từ đầu các trường hợp có vi phạm về đất đai… (Ảnh minh họa: CT)

Việc phối hợp xử lý vi phạm chưa kịp thời

Từ 2016 – 2019, toàn huyện Củ Chi có 643 trường hợp xây dựng không phép và 46 trường hợp xây dựng sai phép cần phải xử lý. Việc phối hợp kiểm tra, kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm của UBND huyện, UBND các xã, thị trấn và lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn chưa kịp thời, không chủ động xử lý ngay từ đầu các trường hợp có vi phạm về đất đai dẫn đến gây áp lực rất lớn cho hạ tầng khi hình thành các khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp.

Việc tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép chưa được ngăn chặn kịp thời, để cho người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, tự phân lô bán nền, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp và trên đất không phải là đất ở, làm ảnh hưởng tới công tác lập, quản lý quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch nông thôn mới…

Nhiều căn nhà hình thành với xung quanh là đất nông nghiệp tại địa bàn xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. (Ảnh: CT)

Đến thời điểm thanh tra, còn 21 trường hợp xây dựng không phép và 7 trường hợp sai phép chưa xử lý dứt điểm. Kiểm tra thực tế 102/16.779 công trình được cấp phép xây dựng tại các xã ghi nhận một số công trình xây dựng đúng nội dung cấp phép, tuy nhiên quá trình đưa vào sử dụng sai mục đích sử dụng thành nhà xưởng, kho hoặc nhà trọ cho thuê, một số công trình cấp phép là nhà ở riêng lẻ nhưng thiết kế dạng nhà xưởng, kho…

Kiểm tra thực tế 74/643 công trình xây dựng không phép do UBND các xã lập hồ sơ xử lý, theo báo cáo là đã tháo dỡ hoặc cưỡng chế nhưng ghi nhận thực tế có 21/74 trường hợp chỉ tháo dỡ 1 phần, chưa tháo dỡ hoàn toàn như báo cáo…

Thanh tra TP cũng cho biết, từ năm 2017, UBND huyện đã chấm dứt ban hành các văn bản chấp thuận cho chủ đầu tư xây dựng công trình và văn bản chấp thuận cho phép tồn tại các công trình là chưa đúng quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và Thông tư 15/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng, cần phải được kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan.

“Để xảy ra những vi phạm trên, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo quản lý điều hành thuộc về Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách địa chính – xây dựng; trách nhiệm trực tiếp thuộc về lãnh đạo các đơn vị: Phòng Quản lý đô thị, Đội Thanh tra xây dựng địa bàn huyện Củ Chi, UBND các xã, thị trấn thuộc huyện Củ Chi và các đơn vị, cá nhân có liên quan tại thời ký phát sinh vụ việc”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

theo Chu Tuấn – Báo Thanh tra

Tin liên quan