Đấu giá tài sản thi hành án hình sự: Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Cập nhật: 29/02/2024 10:31

Trong bài viết, tác giả tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc của tổ chức đấu giá tài sản trong việc đấu giá tài sản thi hành án dân sự. Từ đó, kiến nghị một số giải pháp, đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật.

Ảnh minh họa.

1. Những khó khăn, vướng mắc của tổ chức đấu giá tài sản trong việc đấu giá tài sản thi hành án dân sự

Thứ nhất, khó khăn, vướng mắc liên quan đến trường hợp Chấp hành viên khi kê biên xong tài sản đã quên không áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, và quá trình không thu được giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Đó là những trường hợp Chấp hành viên vì những lý do nào đó, sau khi kê biên tài sản nhưng lại không thông báo cho các cơ quan đăng ký quyền sở hữu, cũng như hệ thống văn phòng công chứng trên địa bàn nơi có đất, điều này dẫn đến trường hợp người phải thi hành án vẫn còn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính việc cơ quan thi hành án không gửi thông tin cho các cơ quan có liên quan theo quy định tại Điều 69 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018 như vậy, các Văn phòng Công chứng họ vẫn chứng bình thường vì không có biện pháp bảo đảm, không có biện pháp ngăn chặn. Có trường hợp Chấp hành viên vẫn ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản và vẫn xác định được người trúng đấu giá. Đến khi bàn giao tài sản đấu giá cho người trúng đấu giá, khi tiến hành xác minh thì đó không phải là người phải thi hành án và tài sản đã sang tên cho chủ mới. Như vậy, nếu gặp tình huống này xảy ra thì Tổ chức đấu giá đã mất rất nhiều công sức bỏ ra nhưng cuối cùng thì bị dừng lại và không biết khi nào mới xong.

Thứ hai, khó khăn, vướng mắc khi xác định các giấy tờ pháp lý cơ bản mà Chấp hành viên phải cung cấp cho tổ chức đấu giá trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thi hành án

Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì:

“2.Khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức đấu giá tài sản bằng chứng chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bằng chứng đó. Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm kiểm tra thông tin về quyền được bán tài sản do người có tài sản đấu giá cung cấp;

3. Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm kiểm tra thông tin về quyền được bán tài sản do người có tài sản đấu giá cung cấp. Tổ chức đấu giá tài sản không chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng của tài sản đấu giá, trừ trường hợp tổ chức đấu giá tài sản không thông báo đầy đủ, chính xác cho người tham gia đấu giá những thông tin cần thiết có liên quan đến giá trị, chất lượng của tài sản đấu giá theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản”.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như Luật Đấu giá tài sản năm 2016 hiện chưa có bất cứ sự điều chỉnh nào về vấn đề Chấp hành viên của Cơ quan thi hành án dân sự khi ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản cần phải cung cấp những giấy tờ, tài liệu gì. Điều này cũng có nghĩa là Tổ chức đấu giá phải dựa trên những đặc điểm cơ bản của tài sản thi hành án dân sự mà tự đưa ra những giấy tờ được xem là bảo đảm cho quá trình tổ chức đấu giá.

Như đã biết, tài sản thi hành án dân sự đem ra đấu giá có thể nói đây loại tài sản đặc thù, chứa đựng rất nhiều rủi ro, phức tạp, điều này đòi hỏi khi xem xét hồ sơ giấy tờ, đòi hỏi các tổ chức đấu giá phải có sự đánh giá chính xác đối với các loại giấy tờ tài liệu được cung cấp từ phía Chấp hành viên nhằm đảm bảo những giấy tờ, tài liệu đó đáp ứng đầy đủ, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia đấu giá, đặc biết là người trúng đấu giá tài sản thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay chưa được sự điều chỉnh hoặc hướng dẫn từ phía các cơ quan có thẩm quyền dẫn đến việc yêu cầu các loại giấy tờ, tài liệu của các tổ chức đấu giá mỗi nơi làm một kiểu, thiếu sự nhất quán, đồng bộ, điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh từ chính các quy định pháp luật chuyển ngành cũng như Luật đấu giá tài sản nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn, đồng bộ, giúp cho quá ký kết hợp đồng dịch vụ giữa cơ quan thi hành án dân sự với tổ chức đấu giá được mình bạch, chuyên nghiệp hơn.

Thứ ba, khó khăn, vướng mắc trong trường hợp Người phải thi hành án xin nhận lại tài sản đấu giá

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018 được thể hiện như sau: “5. Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá”.

Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Đây chính là điểm đặc thù khi đấu giá tài sản thi hành án dân sự. Nhưng cũng chính xuất phát từ điểm đặc thù này mà khi áp dụng vào thực tế, tổ chức đấu giá sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Pháp luật quy định trong trường hợp xin nhận lại tài sản thì người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản .

Vấn đề đặt ra ở đây là thế nào là chi phí hợp lý, vấn đề này khi áp dụng vào thực tiễn sẽ gây tranh cãi, bởi lẽ hiện nay pháp luật thi hành án, pháp luật Đấu giá tài sản còn đang “bỏ ngỏ” chưa có hướng dẫn cụ thể. Chính vì chưa có quy định từ pháp luật nên mỗi nơi sẽ tiến hành một cách khác nhau, mà việc xác định thế nào là chi phí hợp lý không hề đơn giản, ngày cả khi phải ra Tòa, Tòa án cũng phải xét xử dựa trên các quy định pháp luật, mà hiện pháp luật chưa điều chỉnh, chưa hướng dẫn cụ thể nên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Vấn đề tiếp theo là vấn đề thời gian xin nhận lại theo quy định của pháp luật là trước 01 ngày trước khi mở cuộc đấu giá 01 ngày làm việc, việc quy định như vậy là quá gấp, khiến cho tổ chức đấu giá bị động nhất là khi mọi việc chuẩn bị cho cuộc đấu giá đã sẵn sàng. Hơn nữa pháp luật dành cho người phải thi hành án được quyền xin nhận lại tài sản quá dài.

Thứ tư, khó khăn, vướng mắc liên quan đến nội dung biên bản kê biên tài sản của người phải thi hành án trong thực tiễn thực hiện

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 88 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018 thể hiện như sau: “Việc kê biên tài sản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng. Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người được ủy quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên lập biên bản”.

Theo quy định trên đây, Chấp hành viên khi lập biên bản kê biên phải thể hiện rõ tình trạng của từng tài sản, mô tả về tài sản kê biên. Tuy nhiên, trên thực tiễn thi hành, rất nhiều Chấp hành viên kê biên tài sản không thể hiện rõ điều này. Và khi đấu giá thành đã có nhiều trường hợp các bên đương sự trong hợp đồng đã dựa vào đây để yêu cầu hủy kết quả đấu giá thành.

Thứ năm, khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định giá khởi điểm để đấu giá tài sản thi hành án dân sự đối với trường hợp giá do các đương sự thỏa thuận.

Điều 98 và Điều 99 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018 thì đối với tài sản thi hành án dân sự có 03 hình thức xác định giá khởi điểm đối với tài sản kê biên. Giá do đương sự thoả thuận, giá do tổ chức thẩm định giá xác định, giá do Chấp hành viên xác định. Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về đề tài, học viên nhận thấy, đây cũng là một vấn cũng đang còn nhiều bất cập, vướng mắc cả về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng.

Theo quy định thì biên bản thỏa thuận giá tài sản kê biên cần có đầy đủ chữ ký của Chấp hành viên và các đương sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018 thì: “Đương sự gồm người được thi hành án, người phải thi hành án”. Như vậy, trong trường hợp vụ việc có nhiều người được thi hành án hoặc nhiều người phải thi hành án thì biên bản thỏa thuận giá phải có đầy đủ chữ ký của các bên. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành vấn đề vướng mắc cả về lý luận và thực tiễn là đối với tài sản chung của vợ chồng, tài sản của hộ gia đình hay tài sản chung của các thành viên khác thì chủ sở hữu chung lại không được tham gia vào việc thỏa thuận giá khởi điểm để bán đấu giá.

Khi xử lý tài sản chung thì không chỉ xác định phần sở hữu trong khối tài sản chung, quyền ưu tiên mua tài sản chung có ý nghĩa quan trọng cho nên việc xác định giá của tài sản kê biên rất quan trọng đối với các đồng sở hữu. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đều có quy định chủ sở hữu chung được quyền thỏa thuận khi định đoạt đối với tài sản chung. Với quy định hiện hành của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì quyền lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu chung có được bảo đảm hay không khi họ không được pháp luật ghi nhận quyền tham gia vào việc thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá? Trên thực tiễn các đồng sở hữu chung rất bức xúc khi chỉ thông báo cho họ là tài sản chung bị kê biên mà không cho họ được tham gia vào việc xác định giá hoặc ít nhất là hỏi ý kiến của họ về việc xác định giá tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của họ như thế nào?”.

Thứ sáu, khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 về việc thông báo công khai việc đấu giá tài sản

Khoản 1 Điều 57, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định:“Đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc”.

Với quy định trên đây, khi áp dụng vào thực tiễn, tổ chức đấu giá tài sản đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tiễn cho thấy các tổ chức đấu giá khi áp dụng quy định này rất khác nhau và khó có thể kiểm soát việc đăng báo bán đấu giá của tổ chức đấu giá như thế nào là phù hợp. Do pháp luật chỉ quy định chung chung là đăng trên báo in, báo hình mà không thống nhất là báo in nào, báo hình nào nên có tổ chức đấu giá đăng trên nhiều báo khác nhau và thông tin rất khó đến được với khách hàng. Có tổ chức đấu giá đăng thông báo bán đấu giá trên báo mua bán với chi chít các thông tin, thông tin về bán đấu giá thi hành án dân sự nhỏ xíu, khách hàng khó có thể tìm được về thông tin bán tài sản, hoặc đăng trên báo rất ít người đọc như báo người cao tuổi, báo nông nghiệp. Có tổ chức đấu giá lý luận rằng pháp luật chỉ quy định là báo in mà không quy định cụ thể là báo nào nên đăng thông báo bán đấu giá trên bất kỳ báo in nào cũng được thậm chí là báo hoa học trò, báo nhi đồng và chỉ cần tiêu chí mỗi lần cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc. Việc đăng báo trên báo hình của Trung ương cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự vì có quá nhiều các kênh truyền hình, có tổ chức đăng thông báo bán đấu giá trên kênh học tiếng dân tộc cho người thiểu số, có tổ chức đấu giá đăng thông báo bán đấu giá trên các kênh truyền hình VOV, VTC nhưng ở những khung giờ mà chẳng ai xem như 5 sáng, 11 giờ đêm…để tiết kiệm chi phí hoặc với mục đích bưng bít thông tin, hạn chế khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.

Một số giải pháp đề xuất hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, nhằm tránh những rủi ro từ việc bất cẩn của phía Chấp hành viên của Cơ quan thì hành án khi kê biên tài, đồng thời tránh làm mất thời gian, công sức của tổ chức đấu giá tài. Đối với những trường hợp mà Chấp hành viên khi kê biên tài sản mà không thu được giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng thì Tổ chức đấu giá thường xuyên phải kiểm tra qua hệ thống các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và hệ thống các Tổ chức công chứng để xác định xem có việc Cơ quan thi hành án dân sự có gửi quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản hay không. Việc làm trên đây của các tổ chức đấu giá nó vừa thể hiện ý thức trách nhiệm nghề nghiệp vừa bảo vệ được chính tổ chức đấu giá tài sản. Bởi lẽ, khi xảy ra sự việc nêu trên thì tổ chức đấu giá sẽ bị kéo vào vòng xoáy, mất thời gian, công sức.

Thứ hai, tài sản thi hành án dân sự được xem là loại tài sản đặc thù, đối với việc đấu giá tài sản thi hành án dân sự rất dễ xảy ra khiếu nại, và đặc biệt rất khó khăn để giao tài sản khi đã đấu giá thành. Chính vì vậy, tâm lý của người dân rất e ngại khi đăng ký tham gia đấu giá. Nhằm đồng bộ hóa các quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý an toàn cho các tổ chức đấu giá tài sản khi tổ chức đấu giá loại tài sản này, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành hoặc có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về các thông tin, tài liệu cần thiết để yêu cầu người có tài sản đấu giá cung cấp mà cụ thể là Chấp hành viên. Có như vậy sẽ tránh được việc mỗi tổ chức đấu giá lại có những yêu cầu khác nhau về tài liệu, giấy tờ đối với phía Chấp hành viên. Đồng thời nó cũng là hành lang pháp ý vững chắc cho các chủ thể, trong đó có các tổ chức đấu giá, Chấp hành viên của các Cơ quan thi hành án dân sự sẽ nắm được các loại giấy tờ, tài liệu cụ thể nào cần phải có trong thành phần hồ sơ pháp lý của tài sản.

Thứ ba, xuất phát từ thực tiễn áp dụng pháp luật, để khắc phục những vướng mắc, bất cập nêu trên đối với trường hợp người phải thi hành án xin nhận lại tài sản như đã nêu trên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần cần có văn bản hướng dẫn thi hành về trường hợp chi phí hợp lý bao gồm những khoản gì? Căn cứ pháp lý để tính các chi phí này một cách cụ thể, rõ ràng. Vấn đề tiếp theo là cần sửa đổi thời gian xin nhận lại tài sản một cách hợp lý, khoa học. Cần đảm bảo vấn đề quyền con người đối người phải thi hành án nhưng cũng phải tính đến lợi ích của tổ chức, cá nhân khác khi tham gia vào quá trình đấu giá tài sản.

Thứ tư, để tiến độ đấu giá tài sản thi hành án dân sự được nhanh chóng, phù hợp với quy đinh của pháp luật, theo tác giả bài viết chúng ta nên sửa đổi bổ sung quy định về biên bản kê biên tài sản theo hướng cụ thể, chặt chẽ hơn. Cụ thể như sau: “…đề xuất sửa quy định về nội dung của biên bản kê biên tài sản tại khoản 2 Điều 88, Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018 như sau: “Biên bản kê biên tài sản, phải ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản kê biên là căn cứ để giao bảo quản tài sản kê biên và xác định giá khởi điểm của tài sản.

Thứ năm, nhằm khắc phục những bất cập từ thực tiễn áp dụng pháp luật đối với trường hợp các bên đương sự thỏa thuận về giá, theo tác giả bài viết chúng ta cần tiếp tục sửa đổi trong Luật Thi hành án dân sự trong thời gian tới đối với các quy định liên quan đến việc xác định giá khởi điểm của tài sản kê biên theo hướng bảo bảo quyền, lợi ích của các đồng sở hữu trong việc xác định giá khởi điểm, thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá. Việc có đi đến được thỏa thuận không hoàn toàn phụ thuộc vào các bên đương sự nhưng pháp luật cần phải ghi nhận để bảo đảm quyền của đồng sở hữu trong việc định đoạt tài sản. Tuy nhiên lại cần nghiên cứu rút ngắn thời gian dành quyền ưu tiên mua của các đồng sở hữu đối với tài sản thi hành án và trong trường hợp các đồng sở hữu có đơn không mua tài sản thì cần ký kết hợp đồng bán đấu giá tài sản ngay mà không cần phải chờ hết thời gian luật định là 01 tháng hay 03 tháng. Bởi lẽ, với quy định hiện hành của Luật Thi hành án dân sự về vấn đề này đã ảnh hưởng đến quyền, và lợi ích hợp pháp của các đồng sở hữu tài sản.

Thứ sáu, pháp luật về bán đấu giá tài sản cần quy định về đăng thông báo trên một báo in chuyên trách về đấu giá thay cho việc đăng thông báo bán đấu giá trên tất cả các loại báo in hiện nay. Chúng ta đã có một báo riêng về hoạt động đấu thầu thì cũng cần phải xây dựng một báo riêng về hoạt động đấu giá. Bên cạnh đó, trong các kênh phát sóng của truyền hình cũng cần xây dựng chuyên mục về bán đấu giá tài sản và pháp luật về bán đấu giá cũng cần quy định việc đăng báo hình trên truyền hình trung ương phải đăng trong chuyên mục về bán đấu giá tài sản để khách hàng có thể nắm bắt được thông tin về bán đấu giá mọi loại tài sản trong đó có tài sản thi hành án dân sự;

Thứ bảy, khi áp dụng khoản 1 Điều 57, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 thì tổ chức đấu giá thấy rằng việc thông báo công khai lại là bắt buộc với tài sản có giá khởi điểm từ 50 triệu và bất động sản chứ không phụ thuộc vào yêu cầu của người có tài sản. Chính vì sự thiếu rõ ràng trong quy định của Luật Đấu giá tài sản đã dẫn đến khi áp dụng tổ chức đấu giá tài sản rất lúng túng. Áp dụng vào tài sản tài sản thi hành án dân sự, đối với tài sản là động sản có giá khởi điểm từ 10 triệu đồng trở lên thuộc thẩm quyền bán đấu giá của tổ chức đấu giá và nếu tài sản đưa ra đấu giá dưới 50 triệu thì việc thông báo công khai chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của Chấp hành viên. Xuất phát từ bất cập này, tác giả bài viết đề nghị sửa khoản 4 Điều 35, Luật Đấu giá tài sản như sau: “Ngoài việc niêm yết quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, tổ chức đấu giá tài sản thực hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản tại Điều 57 của Luật này”.

theo NGUYỄN HẢI DOANH

Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng

ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Tòa án Quân sự khu vực quân khu 4 – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/da-u-gia-ta-i-sa-n-thi-ha-nh-a-n-hi-nh-su-kho-khan-vuo-ng-ma-c-va-kie-n-nghi-hoa-n-thie-n-pha-p-lua-t-1709134283.html

Tin liên quan