Phía sau quyết định chấm dứt hợp đồng là cả một hành trình dài người lao động chân chính đấu tranh với những biểu hiện sai phạm trong quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp. Đó cũng là hết thảy những xót xa, mất mát của người lao động trong quá trình cổ phần hóa, biểu hiện tức tưởi thành những lá đơn đến các cơ quan Trung ương. Lật tìm những báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình gửi Thanh tra Chính phủ, chúng tôi đến gần với sự thật.
Khởi kiện Công ty vi phạm Luật Lao động
Cty CP Vật tư APRAMACO Thái Bình tiền thân là Cty Vật tư Nông nghiệp Thái Bình.
Ông Vũ Khắc Căn cho biết, tháng 1/1985, sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự ông được chuyển về làm công nhân tại Cty Vật tư Nông nghiệp Thái Bình – nay là Cty CP Vật tư APRAMACO Thái Bình (Cty APRAMACO Thái Bình). Thời gian công tác tại Cty APRAMACO Thái Bình, ông Căn lần lượt kinh qua các công việc từ công nhân, thủ kho, cán bộ kế hoạch kinh doanh, rồi đến Phó Giám đốc Cty. Tháng 1/2015, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Cty và là thành viên của Cty với tỷ lệ góp vốn là 20%.
Còn bà Chu Thị Diệp, tháng 7/1988, sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự bà được chuyển ngành về làm công nhân Xí nghiệp May thương binh huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Tháng 5/1990, bà chuyển sang Cty Vật tư Nông nghiệp Thái Bình. Tại đây, bà làm nhân viên rồi làm thủ kho, Phó Giám đốc Cty rồi là thủ kho kiêm bán hàng và thu tiền cho Cty. Ngoài ra, bà còn là thành viên Cty với tỷ lệ góp vốn là 5%.
Ngày 13/6/2018, Cty APRAMACO Thái Bình tổ chức Đại hội cổ đông bất thường. Tuy nhiên, theo ông Căn, bà Diệp, việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường này không đúng theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2015 và Điều lệ của Công ty. Ông Căn, bà Diệp đã có văn bản gửi Chủ tịch HĐQT nhưng không được chấp nhận, giải quyết.
Ngày 3/7/2018, Cty đã niêm phong phòng làm việc của kế toán, hành chính, đập phá khóa cửa các phòng làm việc tầng 2 của Cty, phá hủy toàn bộ hệ thống camera bảo vệ và lục soát phòng làm việc của ông dẫn đến ông Căn, bà Diệp bị mất một số giấy tờ, sổ sách, đồ dùng cá nhân và tài sản khác. Không những vậy, Cty còn không trả lương, dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với ông Căn, bà Diệp từ tháng 7/2018 đến nay.
Đến ngày 12/12/2018, ông Căn, bà Diệp nhận được Quyết định số 01 VTTB/QĐ-TCHC và số 02 VTTB/QĐ-TCHC ngày 27/11/2018 của Cty APRAMACO Thái Bình về việc chấm dứt Hợp đồng lao động.
Cho rằng, việc Cty APRAMCO Thái Bình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Căn, bà Diệp đã có đơn khiếu nại gửi đến Cty, đến Sở Lao động TB & XH nhưng không được xem xét, giải quyết. Do vậy, ông Căn, bà Diệp đã khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng là trái pháp luật
Ngày 26/2/2020, TAND tỉnh Thái Bình đã mở phiên tòa xét xử vụ án “Yêu cầu hủy quyết định chấm dứt hợp đồng lao động” theo đơn khởi kiện của ông Vũ Khắc Căn và bà Chu Thị Diệp. Bị đơn là Cty APRAMACO Thái Bình, trụ sở tại số 196 đường Lý Thường Kiệt, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình do ông Hà Tuấn Linh, Giám đốc.
Theo TAND, trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự không giao nộp được cho Tòa án Hợp đồng lao động giữa ông Căn, bà Diệp với Cty APRAMACO Thái Bình. Lý do, ông Căn, bà Diệp đưa ra là do phòng việc của ông, bà tại Cty bị lục soát mất một số giấy tờ tài sản và cửa đã bị khóa.
Còn theo đại diện của Cty APRAMACO Thái Bình, ông Căn và bà Diệp khóa cửa phòng làm việc, không hợp tác nên không có Hợp đồng để giao nộp.
Tại tòa, các đương sự đều thừa nhận ông Căn, bà Diệp là thành viên, là cổ đông của Cty và đã được chia lợi tức theo tỷ lệ vốn góp. Mặt khác, Cty CP Vật tư APRAMAGO Thái Bình trước đây là Cty Vật tư Nông nghiệp Thái Bình là doanh nghiệp nhà nước, ông Căn và bà Diệp đều là nhân viên của Cty.
Như vậy, giữa ông Căn và bà Diệp với Cty APRAMACO Thái Bình có ký kết Hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trước khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, ông Căn là Giám đốc Cty, còn bà Diệp là Thủ kho kiêm bán hàng, thu tiền.
Theo Cty APRAMACO Thái Bình, trong thời gian ông Căn làm Giám đốc thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ, chống đối HĐQT và ban kiểm soát, không chuẩn bị sổ sách, tài liệu để tiến hành Đại hội cổ đông, khi bị miễn nhiệm chức vụ Giám đốc đã không bàn giao tài liệu, sổ sách, tài chính, kho hàng… theo yêu cầu của HĐQT, ông Căn và bà Diệp cùng một số người lao động khác đã tự ý nghỉ việc hơn 2 tháng.
Chính vì vậy, Lãnh đạo Cty đã căn cứ báo cáo của Phòng Tổ chức hành chính, xin ý kiến của HĐQT, xác định ông Căn và bà Diệp tự ý nghỉ việc không có lý do, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vi phạm thời hạn báo trước nên Cty APRAMACO Thái Bình đã căn cứ khoản 3 Điều 37 và Điều 41 Bộ luật Lao động ban hành Quyết định số 01 và số 02 chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Căn và bà Diệp.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, đại diện Cty APRAMACO Thái Bình không xuất trình được tài liệu, chứng cứ, chứng minh việc ông Căn và bà Diệp tự ý nghỉ việc không có lý do, vi phạm thời hạn báo trước.
Tại phiên tòa, đại diện Cty cũng thừa nhận là đầu giờ chiều ngày 3/7/2018, Lãnh đạo Cty đã chỉ đạo một số nhân viên khóa cửa và niêm phong phòng làm việc của kế toán, hành chính, rút hệ thống camera bảo vệ.
Trong thời gian ông Căn và bà Diệp làm việc tại kho do bà Diệp quản lý, Cty không liên hệ, kiểm tra và làm việc với ông Căn và bà Diệp mà cho rằng ông Căn và bà Diệp tự ý nghỉ việc hơn 2 tháng không báo trước cho Cty nên Cty đã căn cứ vào khoản 3 Điều 37, Điều 41 Bộ luật Lao động ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông Căn và bà Diệp là không có căn cứ, không đúng pháp luật.
Cty APRAMACO Thái Bình đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Căn và bà Diệp nhưng không báo cho ông Căn và bà Diệp biết trước ít nhất 45 ngày theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động.
Như vậy, việc Cty APRAMACO Thái Bình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Căn và bà Diệp là trái pháp luật vì không có căn cứ và vi phạm thời hạn báo trước, không đúng quy định tại Điều 37, Điều 38 Bộ luật Lao động.
Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Cty
Từ kết quả xét xử tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Khắc Căn, bà Chu Thị Diệp, xử hủy Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 01 và số 02 đối với ông Căn và bà Diệp của Cty APRAMACO Thái Bình.
Việc Cty APRAMACO cho rằng ông Căn và bà Diệp tự ý nghỉ việc không có lý do hơn 2 tháng, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nên Cty yêu cầu ông Căn và bà Diệp phải bồi thường nửa tháng tiền lương và bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong thời gian 45 ngày không báo trước, đối với ông Căn tổng số tiền là hơn 13,6 triệu đồng, đối với bà Diệp tổng số tiền hơn 11 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo TAND tỉnh Thái Bình, do Cty APRAMACO Thái Bình đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với ông Căn và bà Diệp, nên yêu cầu phản tố của Cty đối với ông Căn và bà Diệp là không có căn cứ.
Bên cạnh đó, Tòa không chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của Cty APRAMACO Thái Bình đối với ông Căn và bà Diệp. Cty APRAMACO Thái Bình phải nộp án phí lao động sơ thẩm và án phí yêu cầu phản tố không được chấp nhận với tổng số tiền phải nộp hơn 1 triệu đồng; đối trừ số tiền 1,2 triệu đồng Cty APRAMACO Thái Bình đã nộp tạm ứng án phí tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nội dung này.