Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hà Nội

Cập nhật: 16/04/2024 08:24

Ngày 15.4, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng dẫn đầu đã làm việc với UBND TP. Hà Nội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng phát biểu tại cuộc làm việc

Cùng dự có đại diện: Thường trực Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Kinh tế; đại diện lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Theo Báo cáo của UBND TP. Hà Nội, giai đoạn năm 2009 – 2023, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân trong việc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Hà Nội cũng đã tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông, vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân và các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô… Do đó, tai nạn giao thông giảm liên tục hàng năm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hà Nội -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng phát biểu tại cuộc làm việc

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mạng lưới các tuyến đường giao thông thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch. Hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và mới chỉ có 1 tuyến được đưa vào khai thác sử dụng (tuyến 2A). Việc triển khai áp dụng khoa học, công nghệ cũng như đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong quản lý điều hành giao thông, vận tải mới chỉ trong giai đoạn đầu. Các tuyến đường sắt chạy xuyên tâm qua khu vực trung tâm thành phố, đi qua các khu vực đông dân cư, giao cắt với nhiều tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông xảy ra…

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hà Nội
Quang cảnh cuộc làm việc

TP. Hà Nội kiến nghị, Quốc hội sớm thông qua dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó rà soát kỹ các nội dung còn trùng lặp, chưa phân rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ giữa 2 dự thảo Luật. Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện phần mềm ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để thuận tiện trong công tác quản lý và sử dụng. Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các đơn vị có liên quan của TP, UBND các quận, huyện có đường sắt đi qua tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt theo văn bản số 1312/UBND-ĐT của UBND TP. Hà Nội…

Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của TP. Hà Nội; cho rằng, sự nỗ lực, cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền và sự ủng hộ của Nhân dân đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung trong phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.

Trước tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, tình trạng phá hoại thiết bị, cắt phá hàng rào hộ lan đường sắt vẫn còn xảy ra thì TP. Hà Nội đã triển khai những giải pháp nào và kết quả hiện nay ra sao? Trong công tác rà soát, thống kê, phân loại các công trình vi phạm, các công trình gây ảnh hưởng mất an toàn giao thông đường sắt được các quận, huyện triển khai thực hiện thì có vướng mắc, khó khăn gì?

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với UBND TP. Hà Nội
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu

Về giao thông đường thủy, có ý kiến nêu rõ, tại sao TP. Hà Nội chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định về giá, trong khi đó, có tình trạng cơ sở vận chuyển lại tự ý nâng giá thu. Như vậy, công tác nắm bắt tình hình, quản lý của địa phương như thế nào? Liệu có làm thất thoát ngân sách nhà nước hay không?

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho rằng, thông qua việc chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, thông qua việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau đã góp phần để mỗi người dân khi tham gia giao thông thấy rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống “Văn hóa giao thông” trên địa bàn.

Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của TP. Hà Nội đối với công tác này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp vào báo cáo chung để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn trong bảo đảm an toàn giao thông thời gian tới.

theo Tin và ảnh: N. Thành – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan