D.A được triển khai thực hiện theo Quyết định số 1220/QĐ-UBND ngày 2/6/2010 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc phê duyệt D.A Đầu tư xây dựng công trình bờ kè sông Lái Hiếu (đoạn qua trung tâm thị trấn Cây Dương) và Quyết định số 1752/QĐ-UBND ngày 6/11/2018 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc phê duyệt điều chỉnh D.A.
D.A thuộc nhóm B; công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp III. D.A có tổng chiều dài 1.446m, do UBND huyện Phụng Hiệp làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện D.A 2010 -2019, tổng mức đầu tư trên 152,6 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 70,2 tỷ đồng; chi phí quản lý D.A trên 1,1 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng gần 4,6 tỷ đồng; chi phí bồi hoàn trên 60,5 tỷ đồng; chi phí dự phòng trên 15 tỷ đồng và chi phí khác trên 1 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ và ngân sách Nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Nguyễn Thanh Diện, Giám đốc Ban Quản lý D.A Đầu tư xây dựng huyện Phụng Hiệp cho biết, có 256 hộ thuộc chỉ giới giải phóng mặt bằng (GPMB). Mặc dù đã triển khai được 10 năm song đến nay mới GPMB được 213/256 hộ, còn 43 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng cho D.A. Trong đó, có 3 hộ đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ và đất tái định cư nhưng chưa bàn giao; 4 hộ đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ nhưng đòi cấp đất nền tái định cư thương mại và 36 hộ chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ và đề nghị được cấp đất nền tái định cư thương mại. “Do vướng mặt bằng nên D.A còn khoảng 300m không thể triển khai”, ông Diện nói.
Để giải ngân nguồn vốn, ngày 27/9/2018, UBND tỉnh Hậu Giang tiếp tục có Văn bản số 3452 về việc chủ trương điều chỉnh D.A. Theo đó UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất chủ trương điều chỉnh D.A nhưng không thay đổi tổng mức đầu tư và đúng mục tiêu.
D.A còn 300m không thể triển khai vì chưa giải phóng được mặt bằng. Ảnh: Trần Quý |
“Thực hiện Văn bản số 3452 ngày 27/9/2018 của UBND tỉnh Hậu Giang, chủ đầu tư đã chuyển đổi 300m kè thuộc D.A Bờ kè sông Lái Hiếu (đoạn qua trung tâm thị trấn Cây Dương), nơi 43 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng sang một vị trí khác (kè kênh La Bắc), ngoài D.A để thực hiện” – ông Diện cho biết.
Cũng theo ông Diện, hiện chủ đầu tư đang quyết toán vốn phần xây dựng và tiền đối với những hộ đã bồi hoàn xong. Số tiền bồi hoàn cho 36 hộ dân chưa nhận là 11,5 tỷ đồng. Vốn đầu tư xây dựng 300m kè thuộc thuộc D.A Bờ kè sông Lái Hiếu (đoạn qua trung tâm thị trấn Cây Dương) đang phải chờ nguồn vốn đầu tư trung hạn 2021 – 2025.
Ông Trần Thanh Tâm, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, Trưởng ban Tiếp công dân huyện Phụng Hiệp cho biết, sau khi có thông báo thu hồi đất cho D.A và phương án bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư, có 22 hộ dân tại chợ Cây Dương, ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương không nhất trí với giá đền bù và vị trí bố trí đất tái định cư nên đã có đơn khiếu nại. “Các hộ dân khiếu nại về một số nội dung: Được bố trí tái định cư tại khu dân cư trung tâm thương mại thị trấn Cây Dương; nâng giá bồi thường vật kiến trúc theo giá quy định hiện hành và một số khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư” – ông Tâm nói.
Sau khi các hộ dân có đơn khiếu nại, UBND huyện Phụng Hiệp đã thụ lý đơn khiếu nại của các hộ và đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu với nội dung: “Không công nhận nội dung khiếu nại của các hộ dân; giữ nguyên mức giá bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư tại khu dân cư thị trấn Cây Dương”.
Không “tâm phục khẩu phục”, các hộ dân tiếp tục khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần hai đối với các hộ dân có đơn khiếu nại. UBND tỉnh Hậu Giang chỉ công nhận một phần nội dung khiếu nại về nâng giá đền bù vật kiến trúc trên đất cho một số hộ dân còn lại vẫn công nhận giữ nguyên các quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của UBND huyện Phụng Hiệp đối với các hộ dân.
Khu dân cư và trung tâm thương mại thị trấn Cây Dương, nơi 22 hộ dân kiến nghị được bố trí đất tái định cư tại đây. Ảnh: Trần Quý |
Ông Nguyễn Văn Bùi, đại diện cho 22 hộ dân tại chợ Cây Dương, ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương cho biết, các hộ dân đến mưu sinh ở đây từ những năm 1984 và đã được chính quyền công nhận. “Chúng tôi là những người buôn bán đầu tiên tại chợ Cây Dương và mưu sinh bằng nghề buôn bán từ đó đến nay với nhiều thế hệ. Nếu bố trí chúng tôi vào khu tái định cư thị trấn Cây Dương chẳng khác nào đẩy chúng tôi vào bước đường cùng, không nghề mưu sinh” – ông Bùi nói.
Cũng theo ông Bùi, thấy quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nên các hộ dân tiếp tục có đơn khiêu nại lên cấp trên. Trong đơn khiếu nại, các hộ dân cũng chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư; thu hồi đất, giao đất cho nhà đầu tư cũng như việc triển khai thực hiện D.A khu dân cư và trung tâm thương mại thị trấn Cây Dương; việc chia lô, bán nền; việc phá dỡ cầu nhằm cô lập khu chợ; việc một số cán bộ chỉ bị ảnh hưởng của D.A thì được cấp nhiều lô đất trong khu dân cư và trung tâm thương mại…
Qua tìm hiểu của PV, hầu hết các hộ dân ở khu chợ Cây Dương, ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương đều nhất trí, ủng hộ với việc triển khai thực hiện D.A Bờ kè sông Lái Hiếu (đoạn qua trung tâm thị trấn Cây Dương), tuy nhiên yêu cầu việc bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư phải đúng luật, thấu tình, đạt lý, tạo điều kiện cho người dân duy trì kế mưu sinh.
Việc 22 hộ dân tại khu chợ Cây Dương, ấp Mỹ Quới, thị trấn Cây Dương kiến nghị được bố trí tại định cư tại khu dân cư và trung tâm thương mại thị trấn Cây Dương là nguyên vọng chính đáng, nhằm duy trì cuộc sống mưu sinh vì họ không còn nghề nào khác ngoài nghề buôn bán. Nên chăng UBND tỉnh Hậu Giang và UBND huyện Phụng Hiệp tạo điều kiện để 22 hộ dân nơi đây được bố trí tái định cư nơi mà họ có thể duy trì được cuộc sống cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện D.A, hạn chế đơn thư khiếu nại?
theo Trần Quý – thanhtra.com.vn
https://thanhtra.com.vn/dieu-tra/du-an-bo-ke-song-lai-hieu-cham-tien-do-do-dau-168216.html