Thời gian qua xuất hiện tình trạng tình trạng mặt đê láng nhựa thuộc công trình xử lý cấp bách đê hữu sông Chu đoạn Km 16+700-Km 24 +142 thuộc địa bàn huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị hư hỏng nặng nề.
Theo thiết kế tuyến đường đê này sức chịu tải của đường chỉ cho phép là 12 tấn. Tuy nhiên, thực tế qua tìm hiểu của phóng viên thì tại Km17+680 thuộc thị trấn Thọ Xuân có bãi tập kết cát do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lâm Tuấn quản lý thường xuyên có xe tải trọng lớn vận chuyển cát đi qua tuyến đê, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình, gây mất đảm bảo an toàn đê điều. Đặc biệt, có một số xe chở cát có khối lượng ước tính từ 15 đến 20m3, khối lượng cả cát lẫn xe khoảng 40 tấn, trong khi thiết kế sức chịu tải của tuyến đường đê chỉ là 12 tấn thì việc hư hỏng, rạn nứt mặt nhựa, lún sụt, phá vỡ kết cấu của công trình là điều không thể tránh khỏi.
Đường đê được thiết kế trọng tải 12 tấn, thế nhưng xe 20 đến 30 tấn thường xuyên có hàng trăm xe chở cát quá tải đi qua tuyến đê, khiến tuyến đê mau chóng xuống cấp. Ảnh: VT |
Theo nhiều người dân địa phương, thực tế trên tuyến đê này dưới có dòng sông Chu được Nhà nước cấp phép 3 đến 4 mỏ cát. Hằng ngày, có đến hàng trăm xe ô tô ra vào cả ngày lẫn đêm để chở cát quá tải nên tuyến đê phải oằn mình gánh chịu. Mặc dù, cơ quan quản lý công trình đã có biển cảnh báo chỉ xe 12 tấn được lưu thông trên tuyến đê này, đồng thời nhiều lần có văn bản gửi chính quyền huyện Thọ Xuân đề nghị chỉ đạo Công an huyện, UBND các xã và thị trấn có các tuyến đê xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển quá tải trọng, gây mất an toàn trên đê. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, công trình xử lý cấp bách để hữu sông Chu được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhiều đoạn đã bị xe quá tải cày nát. Các nhà thầu thi công cũng từ chối bảo hành vì nguyên nhân không phải làm kém chất lượng mà là do xe quá tải phá đường.
Theo Văn bản số 1600/SNN&PTNT-TL ngày 5/5/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa cho biết: Hiện nay, các công trình xử lý cấp bách đê tả, hữu sông Chu do Nhà nước đầu tư đã thi công hoàn thành và giao cho các địa phương quản lý, sử dụng theo quy định, trong đó huyện Thọ Xuân có 2 công trình. Tuy nhiên, hiện nay tình trang xe trở vật liệu cát, sỏi quá tải trọng cho phép đi trên đê ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt trên các tuyến đê mới thi công, bàn giao đưa vào sử dụng.
Xe chở cát quá tải vào ban đêm làm tuyến đường đê xuống cấp nhanh chóng. Ảnh: VT |
Trước thực trạng trên, để thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đê điều và chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu UBND huyện Thọ Xuân chỉ đạo Công an và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng xe chở quá tải trọng cho phép đi trên đê, đặc biệt là xe chở vật liệu cát sỏi.
Theo đó, đề nghị các chủ bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn có sử dụng các tuyến đê làm đường vận chuyển phải cam kết và chịu trách nhiệm tổ chức sửa chữa thường xuyên các hư hỏng trên mặt đê. Trường hợp các chủ bãi tập kết cố tình không chấp hành các yêu cầu, đề nghị chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét thu hồi giấy phép mỏ đã cấp.
Những chiếc xe hổ vồ thường xuyên chở quá tải đi vào ban đêm trên tuyến đê khiến đường đê hư hỏng nặng. Ảnh: VT |
Ngoài ra, thời gian qua Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh tình trạng các phương tiện quá tải trọng hoạt động trên các tuyến đê ở huyện Thiệu Hóa và Thọ Xuân.
Ông Nguyễn Năng Dũng, Hạt trưởng Hạt Quản lý Đê điều huyện Thọ Xuân cho biết: Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lực lượng Công an kiểm tra tải trọng, ngăn cấm dứt điểm tình trạng xe quá tải đi trên đường đê. Thế nhưng, đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Xe thì vẫn cứ đi, đường đê thì vẫn cứ hư hỏng.