Gói thầu đầu tiên thuộc dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc – Nam sử dụng nguồn vốn 7.000 tỷ đồng vừa được khởi động thi công. Vậy khi dự án hoàn thành thi công, đường sắt Thống Nhất sẽ vận hành thế nào?
Đảm bảo vận tốc tàu khách trung bình 80 – 90km/h
Ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng cho biết, tuyến đường sắt quốc gia qua địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng có hơn chục cây cầu được xây dựng, nâng cấp năm 1975-1976, có tải trọng thấp và đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, khiến các đoàn tàu tải trọng lớn không thể đi qua.
“Như cầu Ông Ngọ (Quảng Nam), được xây dựng với kết cấu dầm chữ I đơn giản, nên dù đoàn tàu tải trọng nhẹ chạy qua cũng gây rung, lắc mạnh, nguy cơ mất an toàn cao. Trong khi đó, một số cầu khác khẩu độ khá nhỏ nên vào mùa mưa lũ thoát nước chậm, không đảm bảo an toàn”, ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, nếu các cầu yếu không sớm được nâng cấp, sửa chữa sẽ không thể cải thiện được tải trọng, vận tốc của các đoàn tàu. Đây cũng là hiện trạng của nhiều cây cầu khác trên tuyến đường sắt Bắc – Nam.
“Việc triên khai thi công nâng cấp cầu Ông Ngọ vào cuối tuần qua và cải tạo 5 cầu đường sắt yếu trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng là tin rất vui. Khi hoàn thành, tàu sẽ tăng được tốc độ và không phải lo mất an toàn khi qua đây nữa”, ông Phú chia sẻ.
Ban QLDA Đường sắt cho biết, từ 8/5 bắt đầu tổ chức thi công nâng cấp, cải tạo 6 cầu trên đoạn Km798 – Km 824, gồm các cầu La Thọ, Lở, Ông Ngọ, cầu Km 823+985 (Quảng Nam) và cầu Phong Lệ 3, cầu Km 798+791 (TP Đà Nẵng).
Các cầu cũ này có chiều dài từ hơn hơn 23-67m, sẽ được nâng cấp kết cấu chịu lực bằng dàn thép, bê tông cốt thép để đạt tải trọng khai thác 4,2T/m.
“Việc cải tạo các cầu yếu này giúp đồng nhất các cầu trên toàn tuyến đường sắt, đảm bảo an toàn và nâng cao tốc độ chạy tàu bình quân; đảm bảo khai thác với vận tốc trung bình 80 – 90km/h với tàu khách, 50 – 60km/h với tàu hàng”, đại diện Ban QLDA Đường sắt thông tin.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, việc nâng cấp các cầu trên nằm trong gói thầu có giá trị 82,7 tỷ đồng. Theo kế hoạch, nhà thầu sẽ hoàn thành thi công trong 8 tháng (từ 8/5/2020 – 7/1/2021) và bảo hành công trình trong 24 tháng.
Đây cũng là gói thầu đầu tiên trong số 11 gói thầu của Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Bắc – Nam (dự án cầu yếu) và cũng là gói đầu tiên của 4 dự án sử dụng nguồn vốn 7.000 tỷ đồng đầu tư cải tạo nâng cấp tổng thể tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội – TP HCM được triển khai thi công thực địa.
Đối với dự án cầu yếu, tổng mức đầu tư là 1.949 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2019 – 2021, với quy mô cải tạo, nâng cấp 129 cầu, bao gồm: Xây dựng mới, đồng thời kết hợp cải tạo kiến trúc tầng trên một số đoạn đường hai đầu cầu 111 cầu; xây dựng trụ chống va xô 4 cầu; sửa chữa, nâng cấp 14 cầu.
Bên cạnh mục tiêu đồng nhất tải trọng 4,2T/m các cầu, việc gia cố chống va xô các cầu trên tuyến còn hạn chế thấp nhất những tổn thất về người và tài sản do va chạm của các phương tiện vận tải đường thủy đối với cầu đường sắt.
Ông Vũ Hồng Phương, quyền Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết: “Gói thầu đầu tiên được thi công cũng là tiền đề cho các gói thầu tiếp theo của các dự án đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng và hoàn thành toàn bộ các dự án trong năm 2021”.
Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu trong quá trình thi công
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, khó khăn nhất trong quá trình thi công các dự án nâng cấp cải tạo đường sắt Bắc – Nam là vừa phải đảm bảo tiến độ thi công vừa đảm bảo an toàn chạy tàu.
“Việc vừa thi công vừa đảm bảo an toàn chạy tàu là thực tế hết sức khó khăn. Chúng tôi phải chọn những đơn vị có kinh nghiệm và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thi công, đơn vị quản lý trong việc chạy tàu”, Thứ trưởng Đông nói.
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, để tổ chức chạy tàu trong điều kiện vừa tổ chức thi công dự án vừa khai thác vận tải, phải điều chỉnh biểu đồ chạy tàu. Đến nay, hai bên đã thống nhất về nguyên tắc thi công dự án và khai thác chạy tàu trong thời gian thi công.
“Thời gian phong tỏa đường sắt để phục vụ thi công không quá 4 giờ/ngày đêm, trường hợp đặc biệt có thể xem xét tăng lên đến 5,5 giờ/ngày đêm. Việc phối hợp trên để duy trì khai thác chạy tàu, tránh ảnh hưởng lớn đến thời gian hành trình các đoàn tàu”, ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết.
Cũng theo ông Quốc Anh, khi các công ty đường sắt quản lý địa bàn bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, đơn vị thi công phải có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối trong khu vực thi công.
Ban QLDA cho biết, đối với 10 gói thầu còn lại của dự án cầu yếu, đơn vị đang tập trung chỉ đạo các đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự toán cho từng gói thầu xây lắp, rà soát nội dung chi tiết từng gói thầu để sớm lựa chọn tổ chức đấu thầu thi công xây lắp, đảm bảo hoàn thành tất cả các gói thầu trong năm 2021.
Khi các gói thầu khác được triển khai, chủ đầu tư và Tổng công ty Đường sắt VN cùng “chốt” tiến độ, thời gian thi công cụ thể từng công trình để xây dựng biểu đồ, vận tốc chạy tàu trên toàn tuyến và khu vực thi công.
Dự án quan trọng, cấp bách
Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc – Nam sử dụng nguồn vốn 7.000 tỷ đồng, thực hiện theo Nghị quyết số 556 ngày 31/7/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách.
4 dự án đường sắt gồm: Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang – Sài Gòn; Gia cố các hầm yếu kết hợp với mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh – Nha Trang. Toàn bộ các dự án sẽ được khởi công trong năm 2020 và hoàn thành trong năm 2021.
Chưa tính toán rút ngắn thời gian chạy tàu
Ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, do mục tiêu khi xây dựng dự án là nhằm đồng nhất tải trọng toàn tuyến 4,2 tấn/m, tăng năng lực hạ tầng và năng lực thông qua toàn tuyến và khai thác an toàn, nên Tổng công ty Đường sắt VN (đơn vị lập dự án ban đầu – PV), không đặt mục tiêu rút ngắn hành trình chạy tàu. Khi lập dự án không tính toán cụ thể sẽ rút được bao nhiêu giờ.
“Sau khi hoàn thành cả 4 dự án này, tàu khách có thể khai thác với vận tốc bình quân 80-90km/h, tàu hàng 50-60km/h trên toàn tuyến nên chắc chắn sẽ rút ngắn được thời gian chạy tàu so với hiện nay”, ông Cảnh nói.
Cũng theo ông Cảnh, sau khi hoàn thành gói 7.000 tỷ đồng sẽ nâng được năng lực thông qua toàn tuyến lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm so với 18 đôi/ngày đêm hiện nay. Chiều dài đoàn tàu tối đa cho phép được nâng từ 320m lên 400m, tương đương tăng từ 15 toa xe khách lên 19 toa xe khách và tăng từ 20 toa xe hàng lên 25 toa xe hàng.
Như vậy, vừa tận dụng được sức kéo lớn (đầu máy công suất lớn – PV), sức chở (tải trọng toa xe), tránh lãng phí, vừa tăng được năng lực chuyên chở, có cơ hội giảm giá cước, giá thành vận tải.
Theo Thanh Thúy – Huy Lộc – baogiaothong.vn