Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình khiếu nại, tố cáo đang diễn ra bức xúc, gay gắt ở nhiều nơi, biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ khiếu nại thiếu kiềm chế, đơn thư gửi tràn lan, có lúc, có nơi trở thành đặc biệt phức tạp, đặc biệt gay gắt.
Trong số đó, phần lớn khiếu nại, tố cáo đều nảy sinh từ xã phường, thị trấn – cơ quan quản lý toàn diện kinh tế – xã hội ở cơ sở.
Khiếu nại và tố cáo rất khác nhau. Việc phân biệt giữa khiếu nại với tố cáo có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giúp công dân thực hiện quyền khiếu nại, quyền tố cáo của mình đúng thủ tục và đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời giúp cho cơ quan nhà nước giải quyết khiếu nại, tố cáo nhanh chóng, kịp thời chính xác, tránh nhầm lẫm, sai sót trong khi giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ngày 11 tháng 11 năm 2011, Quốc hội khoá XIII đã thông qua Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Hai luật này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2012 và thay thế Luật Khiếu nại, tố cáo cũ. Đây là lần đầu tiên khiếu nại, tố cáo được tách ra thành 02 luật riêng biệt và quy định cụ thể về khái niệm, thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết rất khác nhau.
Tiếp đó, ngày 12/6/2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Tố cáo mới thay thế Luật Tố cáo năm 2011. Về thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp xã. Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại và Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại quy định và được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại gồm 3 bước: (1) Thụ lý; (2) Chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại và, (3) Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại và kết thúc nội dung khiếu nại.
Căn cứ theo khoản 1, 2, 3 Điều 8 về hình thức khiếu nại thì người khiếu nại phải thực hiện bằng “Đơn khiếu nại” hoặc khiếu nại trực tiếp. Nhưng có những xã, phường, thị trấn khi công dân đến nộp “Đơn khiếu nại”, thì được cán bộ tư pháp không nhận đơn, mà hướng dẫn công dân làm đơn theo ý của xã đặt ra thì UBND xã mới nhận đơn.
Ví dụ điển hình như ông Nguyễn Văn Dạn, trú tại 116 Nơ Trang Long, phường 14, quận Bình Thạch, TP. Hồ Chí Minh, ngày 13/5/2020 có gửi đơn đến Công an xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai tố cáo ông Võ Văn Minh có hành vi tự ý xây dựng và chiếm đoạt lô đất số 30 dãy 1 có diện tích 100m2 thuộc khu quy hoạch Vedan, ấp 1C, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do ông Dạn làm chủ đất. Quá trình xác minh, ngày 13/8/2020, Công an xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai ra thông báo kết quả vụ việc của ông Dạn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ngày 27/8/2020, ông Nguyễn Văn Dạn làm đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai yêu cầu giải quyết. Tại đây, bà Nguyễn Thị Kim Yến là cán bộ tư pháp của UBND xã Phước Thái không tiếp nhận đơn. Lý do là ông Nguyễn Văn Dạn viết “Đơn khiếu nại” không đúng, mà theo hướng dẫn của cán bộ tư pháp thì phải viết “Đơn yêu cầu giải quyết” thì UBND xã mới tiếp nhận đơn.
Sau khi được hướng dẫn, ông Dạn có hỏi bà Yến luật nào quy định như vậy thì được trả lời theo kiểu đôi co “không phải luật nào quy định, mà chúng tôi ở đây thường xuyên làm như vậy, được Thanh tra huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai ủng hộ, không giải thích nhiều”.
Việc cán bộ xã hướng dẫn công dân làm đơn sai quy định về Luật Khiếu nại dẫn đến sự thắc mắc, hoài nghi về trình độ cán bộ tư pháp cấp xã hiện nay, gây phiền hà, bức xúc, làm giảm niềm tin của người dân với Nhà nước, với Đảng và chính quyền cơ sở và cũng chính từ lý do này mà phát sinh ra khiếu kiện vượt cấp, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu kiện, đề nghị UBND tỉnh, thành phố và bộ phận chuyên ngành cần quán triệt đến UBND cấp xã, phường phải làm tốt nhiệm vụ quyền hạn của mình; tuyển chọn những cán bộ tinh thông về nghiệp vụ, hiểu biết và nhận thức đầy đủ về pháp luật; cán bộ chuyên môn phải có phương pháp thực thi công vụ tốt, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, đồng thời không ngừng tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân, thực hiện tốt công tác dân vận; Điều động, sắp xếp cũng như loại bỏ những cán bộ thiếu năng lực, cửa quyền, quan liêu hách dịch với dân ra khỏi bộ máy lãnh đạo chính quyền địa phương. Có như vậy người dân mới thực sự tin Đảng, Đảng tin dân, pháp luật, kỷ cương ở địa bàn dân cư ngày càng ổn định.