Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH và một số công trình quan trọng quốc gia: Làm rõ khó khăn, vướng mắc, rút ra bài học kinh nghiệm về ban hành, thực thi chính sách

Cập nhật: 12/03/2024 09:52

Quá trình thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã cho thấy những hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, Đoàn giám sát đề nghị, tỉnh tiếp tục hoàn thiện báo cáo, trong đó làm rõ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai chính sách để rút ra những bài học kinh nghiệm trong ban hành và thực thi chính sách.

Chi trả đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm

Nghị quyết số 43/2022/QH15 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, trong bối cảnh đặc biệt nhằm phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. Tại Nghị quyết này đã tập hợp những chính sách hỗ trợ bài bản, toàn diện được xây dựng dựa trên cả kinh nghiệm thực tiễn và những luận cứ khoa học đúc kết từ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức cuối năm 2021. Ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện, qua đó, đã mang lại những kết quả tích cực.

Tại tỉnh Bắc Ninh, báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được Quốc hội ban hành kịp thời đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra. Với việc ban hành Nghị quyết này tại Kỳ họp bất thường đầu tiên được tổ chức trong lịch sử Quốc hội cũng đã thể hiện sâu sắc hình ảnh một Quốc hội năng động, hành động, trách nhiệm, vì người dân, vì đất nước.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cho thấy, nhiều chính sách đã giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, phục hồi và thậm chí, còn mở rộng được các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế của tỉnh phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid – 19. Bắc Ninh đã quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, với số vốn hỗ trợ được giải ngân trong hai năm 2022, 2023 lên tới gần 1.650 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng 2% và 4 chính sách cho vay ưu đãi để bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt kết quả ấn tượng nhất.

“Trong năm 2022, số thuế giá trị gia tăng giảm cho doanh nghiệp và cá nhân, hộ kinh doanh lên đến 882.552 triệu đồng. Tiếp tục triển khai chính sách này, trong năm 2023 giảm số tiền thuế cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh đạt 767.507 triệu đồng. Tỉnh Bắc Ninh được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam điều chỉnh bổ sung tăng thêm 270 tỷ đồng nguồn vốn triển khai chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đến nay đã giải ngân đạt 100% nguồn vốn này. Đặc biệt, các chính sách đều được triển khai đúng mục tiêu, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nói.

Gỡ nút thắt để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ vay vốn

Nhận diện rõ các vướng mắc, khó khăn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cũng là một trong những mục tiêu được Đoàn giám sát của Quốc hội đặt ra khi làm việc với tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh – Phó Trưởng Đoàn giám sát lưu ý, tại báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho vay đã nhận định “bên cạnh những nguyên nhân khách quan do “tâm lý e ngại của khách hàng về hồ sơ thủ tục và việc hậu kiểm” thì cũng có một số ngân hàng thương mại chậm triển khai chính sách, công tác triển khai chưa hiệu quả, công tác truyền thông chưa được chú trọng, không đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến các khách hàng”. Vậy, những tồn tại, hạn chế này có xảy ra khi địa phương triển khai thực hiện chính sách này không?”

Giải trình với Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tấn Phượng nêu rõ, ngay sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh Bắc Ninh đã làm việc với đại diện các ngân hàng thương mại và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó xác định trên 1.800 doanh nghiệp thuộc đối tượng được thụ hưởng chính sách này. Tuy nhiên, một doanh nghiệp thường có doanh thu đến từ nhiều hoạt động khác nhau nên xác định hoạt động nào được hỗ trợ vay vốn cũng là “câu chuyện” với họ, chưa kể tâm lý e ngại với thực hiện các quy trình, thủ tục, việc hậu kiểm sau này. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận gói hỗ trợ này thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất, khi một đơn vị đã được xác nhận vay vốn thuộc lĩnh vực được nhận hỗ trợ lãi suất thì có thể cho phép khấu trừ luôn trên bảng tính lãi của ngân hàng thương mại, góp phần giảm thủ tục, tránh phiền hà cho doanh nghiệp.

Liên quan đến việc thực hiện một số dự án trọng điểm, tỉnh Bắc Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh có các dự án đầu tư các tuyến đường tỉnh ĐT.295C, ĐT.285B kết nối thành phố Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với QL.3 mới; ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường vành đai 4 là sử dụng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Theo quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 thì các dự án này được phép áp dụng một số cơ chế đặc thù về chỉ định thầu, cấp phép khai thác mỏ, phân cấp quản lý thực hiện đoạn tuyến đường cao tốc… Tuy nhiên, tỉnh Bắc Ninh đã không áp dụng các cơ chế đặc thù. Lý do là bởi việc thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư với cư dân nông thôn rất khác so với tại khu vực đô thị. Mỗi thôn làng đều gắn với nhiều di tích lịch sử, di tích tôn giáo, cộng với sự khác biệt về lề lối, truyền thống… nên rất khó để dồn các hộ gia đình vào một khu vực định cư tập trung. Do vậy, tỉnh quyết định áp dụng quy trình đầu tư công thông thường để ổn định cuộc sống người dân, tránh rủi ro về mặt pháp lý.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện di dời phần mộ chí để thực hiện các dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn sát sao các sở ngành, địa phương xây dựng quy hoạch tốt khu vực quy tụ mới, nên nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động ứng ngân sách địa phương triển khai đền bù; nắm bắt kịp thời nguyện vọng người dân… Nhờ đó, tỷ lệ thực hiện ở mức cao.

Có thể thấy, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng báo cáo về thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo đề cương của Đoàn giám sát, trong đó chú ý đưa số liệu cụ thể về thực hiện, tiến độ giải ngân; nêu thẳng thắn về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Nhưng, do hầu hết các số liệu thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn, nên Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục rà soát, bổ sung báo cáo để gửi Đoàn giám sát trước ngày 15.3.2024, qua đó làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc khi triển khai, để Đoàn giám sát tổng hợp, rút ra những bài học kinh nghiệm trong ban hành và thực thi chính sách.

theo Lê Bình – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan