Hoạt động đăng kiểm xe cơ giới Bài cuối: Để hoạt động đăng kiểm minh bạch, hiệu quả hơn

Cập nhật: 12/03/2024 08:03

Như các bài trước đã đề cập, năm 2023, hoạt động đăng kiểm trên cả nước trải qua “cơn bạo bệnh”; từ đó đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo điều hành, ban hành nhiều chính sách tháo gỡ để phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, theo đánh giá của những người trong cuộc, hoạt động đăng kiểm còn một số vấn đề cần điều chỉnh, có những giải pháp triệt để mới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Con người là then chốt

Nhìn lại năm 2023, một lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) tại Hà Nội chia sẻ: ” cơn bạo bệnh” qua đi, để lại bài học xương máu, để giờ cán bộ coi làm tốt nhiệm vụ là nguyên tắc, chứ không cần phải họp và quán triệt như trước đây nữa. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng trăn trở về những điều đã qua, cần tháo gỡ, để anh em yên tâm gắn bó và tâm huyết với nghề; bảo đảm đời sống vật chất, làm tốt công việc của mình.

Theo lý giải của vị lãnh đạo này, tại mỗi TTĐK, ngoài Ban Giám đốc thì có cán bộ và nhân viên. Hoạt động đăng kiểm khó khăn nhất là về vấn đề nhân sự, đặc biệt là tình trạng thiếu Đăng kiểm viên vì không kịp đào tạo, thời gian đào tạo khá dài. Theo quy định và đặc thù, một Đăng kiểm viên phải tuân theo các điều kiện và tiêu chuẩn đã quy định: kỹ sư tốt nghiệp các ngành kỹ thuật liên quan đã mất 5 năm, do yêu mến và muốn gắn bó với ngành đăng kiểm, sau khi ra trường phải là thực tập viên 1 năm tại các TTĐK, sau đó xét đủ điều kiện và qua kỳ sát hạch nếu đạt 3/5 công đoạn trên dây chuyền kiểm định mới được cấp Giấy chứng nhận là Đăng kiểm viên. Tiếp đó, nếu để trở thành Đăng kiểm viên bậc cao, thì phải là trải qua 3 năm công tác mới đủ điều kiện dự thi. Đăng kiểm viên phải qua kỳ thi đạt 5/5 công đoạn trên dây chuyền kiểm định, thì mới được cấp Giấy chứng nhận Đăng kiểm viên bậc cao.

Các Đăng kiểm viên đang kiểm định xe tại Hà Nội
Các Đăng kiểm viên đang kiểm định xe tại Hà Nội

Như vậy, thời gian khá dài để đào tạo được một Đăng kiểm viên có thể đứng trên dây chuyền kiểm định là khoảng 6 năm trở lên; để trở thành Đăng kiểm viên bậc cao là khoảng 9 năm trở lên. Do năm 2023, nhiều cán bộ đăng kiểm bị khởi tố, bắt giam, đình chỉ công tác, buộc thôi việc…, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, nhiều TTĐK công lập phải tìm nguồn từ thực tập viên đủ điều kiện, lấy từ các TTĐK xã hội hóa do doanh nghiệp đầu tư sang. Tình trạng này vẫn tiếp tục là khó khăn trong thời gian tới, bởi phải chờ thời gian đào tạo ra những Đăng kiểm viên mới để lấp đầy được khoảng trống này.

Ông Trần Quốc Hoan, Phó Giám đốc phụ trách TTĐK xe cơ giới 29.03V kiến nghị, cần tăng giá kiểm định vì quá thấp. Thông tư của Bộ Tài chính quy định giá thu phí các dịch vụ đăng kiểm ban hành cách đây đã lâu không còn phù hợp, các TTĐK khó khăn trong việc lấy thu bù chi, thuê mặt bằng và nhà xưởng, đời sống cán bộ chỉ trông chờ vào lương nên rất khó khăn. Cục chỉ có 2 TTĐK 29.01V tại Ngọc Hồi, huyện Thường Tín và 29.02V tại Phú Thụy, huyện Gia Lâm là được Nhà nước giao đất, còn lại đều phải đi thuê.

Đơn cử, Trung tâm 29.03V ở vị trí trung tâm quận Cầu Giấy, được đánh giá là thu hút đông xe với bình quân khoảng 130 xe/ngày, nhưng cũng không bảo đảm cân đối tự chủ được; năm 2023 đã phải xin Cục ĐKVN hỗ trợ 3 lần, mới bảo đảm được lương cơ bản và tiền thuê mặt bằng lẫn nhà xưởng của Trường Đại học Giao thông Vận tải. Còn đối với các Trung tâm vắng xe đến kiểm định, thì tình hình còn khó khăn hơn nhiều, khó giữ chân được cán bộ.

Xã hội hóa là cần thiết, nhưng phải quản lý chặt chẽ

Trong bối cảnh năm 2023 thiếu nhân lực đăng kiểm, đã được hỗ trợ từ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để bảo đảm các dây chuyền đăng kiểm hoạt động thông suốt phục vụ người dân, doanh nghiệp. Dư luận cho rằng, tại sao không xã hội hóa hoạt động đăng kiểm? Cục ĐKVN chỉ quản lý nhà nước?… Lý giải về vấn đề này, lãnh đạo Cục đã chia sẻ: thực tế hoạt động đăng kiểm nhiều năm qua đã được xã hội hóa. Cụ thể, hiện nay đã có 203 TTĐK do doanh nghiệp thành lập, 64 đơn vị thuộc các Sở Giao thông Vận tải tại các tỉnh/thành phố, chỉ có 20 đơn vị thuộc Cục ĐKVN. Thời gian qua, Cục thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước do Bộ giao, bảo đảm sự minh bạch, tách bạch giữa vai trò quản lý nhà nước (tập trung thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm), việc trực tiếp thực hiện cung cấp dịch vụ kiểm định như trước đây chỉ có 20 đơn vị, chỉ chiếm khoảng 13%.

Trao đổi thêm về vấn đề xã hội hóa, đại diện Cục ĐKVN cũng cho rằng, việc xã hội hóa nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng dịch vụ thấp. Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP đã quy định rõ điều kiện theo hướng chặt chẽ hơn, nhưng cũng minh bạch hơn, nhằm thu hút được tối đa nguồn lực, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đưa phương tiện đi kiểm định. Song, việc có nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, đòi hỏi cần tăng cường công tác quản lý nhà nước để hoạt động của hệ thống đăng kiểm đúng quy định, bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Sau khi quy định mới cho phép mở rộng đối tượng được kinh doanh dịch vụ đăng kiểm, các Trung tâm dịch vụ bảo hành của các hãng xe đạt tiêu chí 4S – 5S, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đơn vị nào triển khai.

Từ những những phân tích trên cho thấy, để hoạt động đăng kiểm minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, Cục ĐKVN cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để hoạt động đăng kiểm được ổn định lâu dài. Hơn nữa, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giám sát đăng kiểm, để quản lý dữ liệu đăng kiểm, giám sát hoạt động của các đơn vị đăng kiểm, tăng cường khả năng tra cứu thông tin cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao tính minh bạch của quá trình đăng kiểm…

Bên cạnh đó, người dân cũng cần hình thành dần thói quen coi việc đến các TTĐK để kiểm định phương tiện của mình là một quyền lợi để được kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Các chủ xe không chỉ dừng lại tại mỗi thời điểm hết hạn kiểm định theo quy định mà có thể đề nghị được kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật khi thấy có nghi ngờ, nhằm bảo đảm tình trạng phương tiện luôn duy trì tốt nhất, góp phần bảo đảm an toàn cho chính bản thân và xã hội. Điều quan trọng nữa là các chủ xe và người dân cần bỏ suy nghĩ và thói quen ở một số người coi việc kiểm định là rào cản để tìm cách tác động, can thiệp, thậm chí hối lộ các nhân viên đăng kiểm để việc kiểm định được nhanh chóng cũng như bỏ qua các lỗi kỹ thuật.

theo Bài và ảnh: Từ Thức – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan