Sau khi Báo Nhân Dân (số ra ngày 11 và 12-4-2020) đăng loạt bài: “Cảnh giác với các chiêu trò quảng cáo, kinh doanh trên mạng” phản ánh tình trạng quảng cáo, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng trái phép, nguy cơ gây tổn hại sức khỏe, tính mạng và tài sản người tiêu dùng, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm đồng tình, đồng thời được bạn đọc cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan. Từ các nguồn tin này, phóng viên Báo Nhân Dân đã tiếp cận cơ sở hoạt động của nhóm đối tượng giả danh bác sĩ, chuyên gia Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), thu thập nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng về hành vi lừa dối người tiêu dùng để trục lợi.
Một ngày giữa tháng 4, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của chị V.T.D, sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội cho biết, sau khi đọc bài báo phản ánh về tình trạng bác sĩ “rởm” chữa bệnh, bán thuốc qua mạng đăng trên Báo Nhân Dân, chị quyết định cung cấp thông tin về một nhóm đối tượng giả danh bác sĩ, chuyên gia Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) để bán thực phẩm chức năng, nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Chị V.T.D chia sẻ: Qua thông tin tuyển dụng nhân viên bán hàng online (trực tuyến) đăng trên trang mạng “Tìm việc làm nhanh Hà Nội”, đầu năm 2020, chị tìm đến một cơ sở trên đường Tam Trinh, Hà Nội để nộp hồ sơ xin việc làm. Trong thời gian thử việc tại đây, chị phát hiện cơ sở này có nhiều hành vi lừa dối khách hàng để thu lợi bất chính. Cụ thể: Đăng thông tin giả mạo Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tặng thuốc giảm cân miễn phí cho khách hàng; giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn, khám chữa bệnh qua điện thoại để bán hàng; sản phẩm được bán là thực phẩm chức năng nhưng nhân viên tư vấn luôn nói là thuốc chữa bệnh gây hiểu nhầm cho người bệnh. Giá bán mỗi hộp thực phẩm chức năng dao động từ 160 nghìn đồng đến 650 nghìn đồng tùy theo sự mặc cả, chèo kéo của từng nhân viên với khách hàng, nên nhiều khả năng đây là sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng.
Lần theo thông tin nói trên, sau nhiều lần tìm cách ứng tuyển, chúng tôi đã được tuyển dụng vào cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng núp bóng một công ty mỹ phẩm “ma”. Đó là hai căn hộ ở tầng hai và tầng chín, tòa nhà 15T1, số 18 Tam Trinh, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), bên ngoài không treo bảng hiệu. Không cần hồ sơ, bằng cấp, kinh nghiệm, cuộc phỏng vấn chớp nhoáng chỉ với vài câu hỏi về tên tuổi, công việc hiện tại, chúng tôi nhanh chóng được nhận vào làm việc. Công cuộc “đào tạo” để trở thành “bác sĩ online” cũng rất chóng vánh. Kiến thức trang bị là một xấp giấy in được quản lý và các nhân viên ở đây gọi là “kịch bản dọa bệnh”. Nội dung kịch bản này là những thông tin được cóp nhặt trên các trang mạng rồi lắp ghép một cách lộn xộn, chắp vá. Chúng tôi được cơ sở phát cho mỗi người một chiếc điện thoại đã cài đặt sẵn facebook, zalo có tên bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và được chia các số điện thoại khách hàng để gọi điện tư vấn, bán sản phẩm. Theo tìm hiểu, hầu hết các số điện thoại này được sàng lọc từ các trang bán quần áo online, vì khách hàng khi mua quần áo đều để lại những thông tin cá nhân như: chiều cao, cân nặng, số đo ba vòng, số điện thoại. Từ đây, họ vô tình rơi vào “tầm ngắm” của những “bác sĩ online”.
Tại thời điểm đó, cơ sở này có khoảng gần 100 nhân viên bán hàng. Hầu hết các nhân viên không có chuyên môn, không được đào tạo về y, dược, nhưng khi vào đây đều bỗng dưng trở thành các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành, tiến sĩ, dược sĩ nhiều năm kinh nghiệm, trưởng khoa, phó khoa, dõng dạc chẩn bệnh, kê đơn thuốc. “Thuốc” kê đơn của các “bác sĩ rởm” thực chất là một số loại thực phẩm chức năng, trà thảo dược… Mặc dù biết rõ công dụng của các loại sản phẩm này là giúp tăng cường chuyển hóa các chất béo, hỗ trợ giảm cân nhưng các nhân viên bán hàng vẫn tư vấn đây là thuốc chữa các bệnh: mỡ máu, huyết áp cao, tiểu đường, tim mạch… Mục đích duy nhất của họ là bán được nhiều hàng, thu được nhiều tiền, không cần quan tâm đến sức khỏe người sử dụng. Có rất nhiều khách hàng là phụ nữ sau sinh có nhu cầu giảm cân nhanh, người cao tuổi bị mỡ máu, tiểu đường đã tin tưởng đặt mua và sử dụng sản phẩm mà không hề hay biết mình bị mắc lừa. Mỗi ngày, cơ sở kinh doanh online này xuất đi hàng nghìn đơn hàng bằng hình thức chuyển phát đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đồng nghĩa với việc hàng nghìn khách hàng trở thành nạn nhân của những “bác sĩ online” rởm và con số sẽ còn tăng lên.
Từng là nạn nhân của nhóm bác sĩ rởm, bà Lê Thị Thu Uyên, 56 tuổi, ở thôn Văn Phú, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) kể: Thấy trên trang facebook của một người tự xưng là bác sĩ Vũ Quang Trung – Viện Dinh dưỡng Trung ương đăng thông tin tặng thuốc giảm cân miễn phí, tôi đã đăng ký và làm theo hướng dẫn. “Bác sĩ” Trung đã liên hệ với tôi để tư vấn, sau đó gửi thuốc qua dịch vụ chuyển phát, thu 280 nghìn đồng. Sau khi sử dụng hết hộp thuốc nhưng không thấy tác dụng, tôi đã liên hệ lại với “bác sĩ” Trung để khám và lấy thêm thuốc. Vừa qua, tôi đến Viện Dinh dưỡng để khám trực tiếp thì mới biết Viện Dinh dưỡng không có bác sĩ tên Vũ Quang Trung. Tôi gọi điện thoại lại thì đầu dây bên kia tắt máy, không liên lạc được.
Trong quá trình thâm nhập thực tế, chúng tôi được biết, một nhân viên thạo việc, mỗi ngày bán được khoảng từ 20 đến 60 đơn hàng, mỗi đơn hàng có giá trị từ 280 nghìn đồng đến cả triệu đồng, trong đó nhân viên được hưởng chiết khấu từ 10 đến 20% giá trị đơn hàng. Nhiều nhân viên bán hàng có thu nhập 30 đến 40 triệu đồng/tháng, trưởng nhóm có thu nhập gần 100 triệu đồng/tháng, còn thu nhập của chủ cơ sở này lên tới vài trăm triệu đồng/tháng. Những nhân viên bán được nhiều hàng, còn được thưởng tiền, được đi du lịch. Việc nhẹ, lương cao cho nên đã lôi kéo hàng trăm nam, nữ thanh niên tuổi mới đôi mươi tham gia hoạt động kinh doanh trái phép. Ở đây, dường như mọi chuẩn mực đạo đức, mọi quy định của pháp luật bị gạt sang một bên, tất cả tối mắt vì mục đích kiếm tiền.
Tại cơ sở nêu trên, các đối tượng chỉ làm một công việc là giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn qua điện thoại để lừa khách mua hàng, chốt đơn hàng, còn kho hàng lại để ở một địa điểm khác, do những người khác đảm nhiệm việc gửi hàng cho khách mua, nên chính các nhân viên tư vấn cũng không biết rõ nguồn gốc loại thực phẩm chức năng mình đang tư vấn cho khách hàng như thế nào. Để có được sản phẩm mà các đối tượng đã lừa bán cho khách hàng, chúng tôi vào vai một người có nhu cầu giảm cân, thực hiện các thao tác đăng ký theo hướng dẫn trên fanpage. Ngay lập tức, chúng tôi nhận được các phản hồi bằng tin nhắn và điện thoại tự xưng là bác sĩ Trung, rồi bác sĩ Mai của Trung tâm Kiểm soát cân nặng quốc gia (Viện Dinh dưỡng) tư vấn sức khỏe, giới thiệu sản phẩm. Sau đó, thông qua hình thức chuyển phát, chúng tôi nhận được sản phẩm là hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe MANGO 1200, với giá tiền 280 nghìn đồng. Trên hộp MANGO 1200 có ghi sản xuất tại Công ty cổ phẩn Dược phẩm Trung ương VIHECO (địa chỉ: Khu công nghiệp Quang Minh mở rộng, thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh, Hà Nội); phân phối bởi Công ty TNHH Thương mại và Thực phẩm Nam Phát (địa chỉ: 268 Trương Vĩnh Ký, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Đây cũng chính là sản phẩm mà nhóm đối tượng giả danh bác sĩ bán nhiều nhất trong thời gian qua.
Để tìm hiểu sản phẩm nêu trên có phải là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không, chúng tôi đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phẩn Dược phẩm Trung ương VIHECO (gọi tắt là Công ty VIHECO). Ông Ngô Kim Cương, Phó Giám đốc Công ty VIHECO cho biết, tháng 11-2019, Công ty VIHECO có sản xuất một lô hàng với số lượng 1.500 lọ theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH Thương mại và Thực phẩm Nam Phát. Kể từ đó đến nay, Công ty VIHECO không sản xuất thêm sản phẩm này nữa. Chúng tôi ước tính từ đầu năm đến nay, các đối tượng giả danh bác sĩ Viện Dinh dưỡng đã bán cho người tiêu dùng hàng chục nghìn lọ sản phẩm MANGO 1200. Và như vậy số lượng hàng giả được sản xuất và tiêu thụ lớn hơn gấp nhiều lần hàng thật.
Sản phẩm MANGO 1200 đã được các đối tượng làm giả một cách rất tinh vi, bao bì, nhãn mác giống hệt hàng thật, nhìn vào rất khó phân biệt. Thậm chí, sau khi so sánh, đối chiếu thông tin được in trên sản phẩm mà chúng tôi đã cung cấp, bà Nguyễn Lưu Ngọc Điệp, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng của Công ty VIHECO cho biết, số lô, tên sản phẩm MANGO 1200, ngày sản xuất là trùng khớp với sản phẩm của Công ty VIHECO đã sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH Thương mại và Thực phẩm Nam Phát. Tuy nhiên, qua phân tích chi tiết bao bì, nhãn mác, thông tin sản phẩm MANGO 1200 do Công ty VIHECO sản xuất với sản phẩm MANGO 1200 do nhóm đối tượng giả danh bác sĩ Viện Dinh dưỡng bán cho người tiêu dùng, thì có khá nhiều điểm khác nhau. Cụ thể, sản phẩm MANGO 1200 do Công ty VIHECO sản xuất trên vỏ hộp có dán tem chống hàng giả là tem của Công ty VIHECO được dán ở hai đầu hộp (trên miệng hộp và đáy hộp), không mang tên của bất kỳ công ty nào khác. Nhãn dán lọ được dập lô sản xuất và ngày sản xuất bằng máy dập rulo chuyên dụng của công ty và không in mã vạch trên nhãn của lọ. Toa công bố thành phần và công dụng, có nền mầu trắng bóng và chữ mầu đỏ hồng. Còn sản phẩm MANGO 1200 các đối tượng đã sản xuất và bán trên thị trường không có tem chống hàng giả của Công ty VIHECO ở hai đầu hộp, chỉ có tem niêm phong đề tên Công ty TNHH Thương mại và Thực phẩm Nam Phát. Nhãn dán lọ có in mã vạch. Toa công bố thành phần và công dụng có vết mực xanh loang trên nền trắng, chữ mầu xanh.
Ban lãnh đạo Công ty VIHECO tỏ ra rất bất ngờ và bức xúc trước sự việc nêu trên. Đại diện Công ty VIHECO, Phó Giám đốc Ngô Kim Cương kiến nghị: “Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, không để các sản phẩm giả mạo tên thương nhân và địa chỉ thương nhân của công ty chúng tôi tiếp tục ra ngoài thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng”.
Hiện nay, trong thời đại công nghệ phát triển, nạn sản xuất, quảng cáo, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp, khó lường. Trong đó, nguy hiểm hơn cả là nạn sản xuất, buôn bán thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Từ trường hợp nêu trên, rất mong các cơ quan chức năng và ngành y tế cần sớm khẩn trương vào cuộc xác minh, điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật những cá nhân, tổ chức sản xuất, quảng cáo, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, lừa dối khách hàng, nhằm bảo vệ lợi ích, sức khỏe và tài sản người tiêu dùng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất chân chính, cũng như môi trường kinh doanh lành mạnh cho xã hội.