Linh hoạt đối với đặc thù của từng dự thảo nghị quyết
Theo Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang, khi thẩm tra phải xem xét tính đầy đủ của hồ sơ trình; tại hội nghị thẩm tra, cần phát huy dân chủ để có nhiều ý kiến trao đổi, nhất là các vấn đề còn chưa rõ, còn ý kiến khác nhau; tập trung xem xét nội dung trọng tâm của vấn đề trình, các tồn tại, hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện; có thể lấy biểu quyết đối với vấn đề còn ý kiến khác nhau, tôn trọng ý kiến trái chiều.
Việc tổ chức thẩm tra của Ban cũng cần linh hoạt đối với đặc thù của từng dự thảo nghị quyết; theo đó, có thể tổ chức làm việc với các đơn vị liên quan trước, sau đó mới tổ chức Hội nghị thẩm tra chính thức, tức là để thẩm tra một dự thảo nghị quyết có thể tổ chức nhiều hội nghị, khác với cách làm hiện nay là chỉ tổ chức một buổi thẩm tra/dự thảo nghị quyết. Chẳng hạn, khi thẩm tra dự thảo Nghị quyết thông qua Danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác, trước khi tổ chức Hội nghị thẩm tra với UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh thường tổ chức một số buổi làm việc với các huyện trước để trao đổi, rà soát từng danh mục dự án (thành phần tại các buổi làm việc này chỉ gồm lãnh đạo Ban và Văn phòng). Cách làm này sẽ giúp cho việc thẩm tra dự thảo nghị quyết được kỹ lưỡng, có đủ thời gian trao đổi, làm rõ; đồng thời, đến buổi thẩm tra chính thức do các nội dung đã được thống nhất với các huyện nên sẽ có sự đồng thuận cao giữa các bên.
Phải là bản “kiểm định” chất lượng
Yêu cầu quan trọng đối với báo cáo thẩm tra là phải thể hiện được tính phản biện, nêu được những vấn đề chưa hợp lý, thiếu tính khả thi hoặc chưa đồng bộ, chưa phù hợp với quy định pháp luật của tài liệu trình. Từ đó, giúp cơ quan trình xem xét lại vấn đề, giúp HĐND xem xét và ban hành nghị quyết có chất lượng, khả thi. Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND không thể chỉ là bản thuyết minh làm rõ các dự thảo nghị quyết mà phải là bản “kiểm định” chất lượng của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình HĐND trên cơ sở nghiên cứu, giám sát, tiếp xúc cử tri, thu thập thông tin… của các thành viên ban.
Đối với các nội dung chuẩn bị chưa tốt, chưa sát với tình hình địa phương, thiếu các giải pháp khắc phục vấn đề tồn tại, báo cáo thẩm tra cần chỉ rõ để cơ quan trình hoàn thiện và giúp đại biểu biết để thảo luận, góp ý. Đối với các dự thảo nghị quyết, báo cáo thẩm tra cần nêu sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình kinh tế – xã hội ở địa phương; nêu tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành; gợi mở những vấn đề HĐND phải thảo luận, làm rõ những vấn đề còn ý kiến khác nhau để cung cấp thông tin cho đại biểu xem xét, thảo luận và đề xuất được nhiều giải pháp làm cơ sở cho HĐND quyết nghị. Báo cáo thẩm tra phải nêu rõ ý kiến đánh giá về những vấn đề Ban nhất trí, còn băn khoăn hoặc có ý kiến khác nhau; cơ sở pháp lý, tính thực tiễn và những kiến nghị, đề xuất; tránh tình trạng nêu nhận định chung chung hoặc chỉ bình về số liệu cụ thể…
Mỗi báo cáo, dự thảo nghị quyết cần xây dựng một báo cáo thẩm tra riêng; theo Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Bắc Giang, cách làm này sẽ giúp cho việc thể hiện kết quả thẩm tra nghị quyết được toàn diện, cung cấp đầy đủ thông tin về kết quả thẩm tra cho đại biểu (do không đọc báo cáo này tại kỳ họp nên không bị giới hạn về số trang của báo cáo, trên cơ sở từng báo cáo thẩm tra riêng, Ban sẽ có 1 báo cáo tổng hợp chung trình bày tại kỳ họp).
Áp lực nâng cao chất lượng thẩm tra
Phó Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Vũ Tấn Cường nhấn mạnh: kết quả thẩm tra của các Ban HĐND nếu được thảo luận sâu rộng trong kỳ họp sẽ là áp lực tốt và là biện pháp tích cực nâng cao chất lượng thẩm tra, xây dựng báo cáo thẩm tra.
Tại mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND, chủ tọa kỳ họp và Tổ trưởng các tổ thảo luận yêu cầu, định hướng các đại biểu xem xét, thảo luận các báo cáo thẩm tra; bố trí đại diện các Ban phát biểu về kết quả thẩm tra chung. Qua đó, những vấn đề đã phát hiện, kiến nghị sẽ được lan tỏa để đại biểu dự họp thấy rõ hơn, kỳ họp có chất lượng hơn. Ngoài ra, các kiến nghị nêu trong báo cáo thẩm tra nếu được đăng tải, truyền thông rộng rãi thì đó là một biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng báo cáo thẩm tra.
Kết quả thẩm tra của các Ban HĐND được kỳ họp quan tâm, được truyền thông rộng rãi thì chắc chắn thành viên các Ban sẽ phải nâng cao trách nhiệm, dành thời gian, tâm huyết cho hoạt động của HĐND, tích cực thu nhận thông tin từ thực tế để đóng góp cho hoạt động thẩm tra. Công tác thẩm tra của các Ban HĐND sẽ được nâng lên, chất lượng kỳ họp được nâng cao, vai trò của HĐND sẽ được ghi nhận rõ nét hơn…, Phó Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Vũ Tấn Cường nhấn mạnh.