“Nghe dân nói, nói cho dân nghe”

Cập nhật: 08/04/2024 09:40

Một nội dung lớn và căn bản trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là về sức mạnh và quyền làm chủ của Nhân dân. Trong đó, công tác đối thoại với dân là một giải pháp hiệu quả để lắng nghe ý kiến, cảm thông, thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc của người dân.

Đại biểu quận Tây Hồ đóng góp ý kiến tại hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy – chính quyền và đại diện Nhân dân trên địa bàn quận. Ảnh: Lê Hải

Sáng tạo trong triển khai

Trong những năm qua, việc gia tăng cơ hội để hiểu dân đã được thực thi với những giải pháp cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn bằng các đề án, nghị quyết, chương trình. Trong đó, việc học tập và làm theo Bác với hướng trọng dân, gần dân, hướng về Nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh bằng những cách làm cụ thể.

Như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, muốn hiểu dân, tiếp công dân, đối thoại với người dân phải được xem là công việc thường xuyên phải làm; người dân được quyền nói, quyền bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng chính đáng một cách thẳng thắn trước các vấn đề liên quan đến mình hoặc nhiều người quan tâm.

Qua đó, cũng góp phần xây dựng nền hành chính kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và DN; lấy sự hài lòng của người dân, DN, các tổ chức xã hội là thước đo.

Nhìn từ Hà Nội có thể thấy, nhiều mô hình sáng tạo để kết nối giữa Đảng, chính quyền và người dân đã được thực thi như các cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền định kỳ và đột xuất liên tục được tổ chức.

Đồng thời, để tránh việc “chính quyền xa dân”, TP cũng liên tục có văn bản, chỉ đạo yêu cầu thực hiện tốt việc tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý kiến xây dựng của Nhân dân về công tác quản lý, điều hành, thái độ và phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức…

Không chỉ ở cấp TP, các quận, huyện đã chỉ đạo đưa công tác tiếp xúc, đối thoại vào nhiệm vụ công tác hàng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức cụ thể. Việc đối thoại với người dân đã khắc phục được tính hình thức, các vấn đề đặt ra được trả lời cụ thể hoặc thúc đẩy việc giải quyết bởi những quy định cụ thể về thời gian, yêu cầu trách nhiệm.

Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị – xã hội cùng vào cuộc, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện kết luận sau tiếp xúc, đối thoại.

Một giải pháp khác cũng được chú trọng là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, chú trọng việc bố trí, phân công cán bộ có năng lực, đạo đức công vụ tốt trực tiếp tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hành chính Nhà nước, tổ chức có liên quan để giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, đặc biệt là các đơn vị còn tồn đọng nhiều hoặc tiềm ẩn các vụ việc phức tạp; nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở đã tạo ra hiệu quả thực tiễn.

Giúp việc gần dân thêm hiệu quả

Có thể nói rằng, đúng như lời dạy của Bác về việc gần dân, lắng nghe dân để hiểu dân, qua việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, nhiều vấn đề dân sinh, bức xúc được giải quyết kịp thời, đã tạo nên bầu không khí cởi mở, đồng thuận, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của dân. Đồng thời, qua đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, thái độ phục vụ Nhân dân được nâng cao hơn.

Tại các quận, huyện, các buổi đối thoại giữa lãnh đạo và người dân được chú trọng, từng kiến nghị của người dân được xem xét, xử lý đã tạo đồng thuận từ cơ sở, giúp người dân tin tưởng vào chính quyền hơn. Qua đó, cũng khắc phục được sự quan liêu, xa dân, ngại tiếp xúc với dân, tránh sự thờ ơ, vô cảm với cuộc sống của dân.

Khi nói về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề chính là người lãnh đạo nhìn nhận thấu đáo về việc “nghe dân nói, nói cho dân nghe”. Bởi thực tế, người có thẩm quyền tiếp xúc, trao đổi với dân, cũng là cơ hội để giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật, hòa giải, phòng ngừa từ xa các vướng mắc, mâu thuẫn, điểm nóng trong dân. Đồng thời, qua đối thoại thực tiếp, cũng tiếp nhận những phản ánh để đề xuất bổ sung vào hệ thống pháp luật, để đặt chính sách cho đúng.

Trên quan điểm học và làm theo tư tưởng của Bác, tại Hà Nội, TP vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân và DN.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế phối hợp hiệu quả, tạo điều kiện để MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội trong nắm tình hình, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức điều hành, trả lời các đề xuất, kiến nghị của Nhân dân.

Đồng thời việc tiếp tục tháo gỡ, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, nhất là trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, xây dựng phát triển đô thị… cũng đang là vấn đề được quan tâm. Đi kèm với đó bảo đảm trình tự, thủ tục, công khai, minh bạch, sự đồng thuận và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và DN trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường, tái định cư… cũng giúp việc gần dân thêm hiệu quả.

theo Nguyên Vũ – Báo Kinh tế Đô thị

https://kinhtedothi.vn/nghe-dan-noi-noi-cho-dan-nghe.html

Tin liên quan