Quy trình ngược
Theo phản ánh của người dân thôn 2, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa), để thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam, xã có 106 hộ dân bị thu hồi đất, trong đó thôn 2 có 103 hộ. Khoảng đầu năm 2019 người dân được thông báo trên loa truyền thanh về dự án, ai cũng ủng hộ vì ý nghĩa, giá trị to lớn của tuyến đường.
Khoảng tháng 6/2019, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thiệu Hóa (BBTGPMB) kiểm kê tài sản, sau đó các hộ dân nhận được tờ giấy ghi họ tên, tài sản, số tiền đền bù. Lúc này người dân so sánh, đối chiếu với xã bên cũng đền bù GPMB thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam thì phát hiện ở xã Tân Châu có dấu hiệu thực hiện không đúng quy định.
Cụ thể, từ khi kiểm kê tài sản đến khi xã gọi lên nhận tiền cách đây khoảng 2 tháng, người dân không hề nhận được các loại giấy tờ cơ bản như Quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án đền bù…Trong khi đây là căn cứ để người dân thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện liên quan đến việc thu hồi đất.
Mãi sau khi một số hộ đã nhận tiền bồi thường, nhiều hộ tiếp tục khiếu nại thì ngày 12/8/2020 huyện mới đưa ra quyết định thu hồi đất kèm phương án bồi thường nhưng chỉ thể hiện thông tin tên hộ, số tiền mà không hề có ai ký tên xác nhận, nên thiếu giá trị pháp lý. Quyết định thu hồi đất có hai tờ thì cũng không có dấu giáp lai.
Điều thắc mắc nữa là không biết BBTGPMB căn cứ vào đâu để tính toán ra bảng giá bồi thường. Trong khi theo quy định pháp luật và đối chiếu thực tế ở địa phương lân cận cùng thực hiện GPMB phục vụ dự án thì cách tính là: Giá đất cụ thể = Giá đất theo bảng giá x Diện tích thu hồi x Hệ số điều chỉnh.
Cũng theo người dân thôn 2, BBTGPMB xác định nguồn gốc đất chưa đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng. Nhiều hộ có đất ở nông thôn nhưng khi áp giá đền bù thì bị tách thành nhiều loại khác nhau: “Nhà tôi có hơn 300m2 trong sổ mục kê ghi là đất ở nhưng khi áp giá đền bù lại bị tách ra gần 100m2 là đất vườn”, hộ ông Đỗ Khắc Lâm trình bày. Tương tự, hộ anh Đỗ Thận Tý có 400m2 đất theo hồ sơ địa chính là đất thổ cư, nhưng chỉ được đền bù 100m2 theo giá đất ở, còn lại tính giá đất vườn…
Với số tiền được đền bù, người dân không đủ tiền mua đất tại khu tái định cư, chứ chưa nói đến xây nhà. |
Cuộc “đối thoại” bất thường
Bất cập nữa mà người dân phản ánh là trong khi giá đất đền bù có 5 mức, từ 1,2 triệu đồng/m2 đến 1,8 triệu/m2 (phần lớn áp giá 1,3 triệu đồng/m2) thì ở khu tái định cư, địa phương chia thành 11 mức giá bán, từ 1,1-2,2 triệu đồng/m2: “Các lô đất có giá 1,1 triệu đồng/m2 rất ít, chủ yếu là giá 1,6-1,9 triệu đồng/m2. Với mức chênh như thế nên chúng tôi sau khi nhận toàn bộ tiền đền bù chưa chắc mua được một thửa đất như ý ở khu tái định cư chứ nói gì đến chuyển tiền đâu xây nhà cửa”, chị Đỗ Như Ninh nói.
Tại khu tái định cư ngổn ngang vật liệu xây dựng được bố trí cách thôn 2 chừng 300m, anh Lê Xuân Thành bức xúc: “Đây cũng là đất ruộng được chuyển đổi mục đích sử dụng rồi địa phương đưa ra giá rất cao. Nói là “tái định cư” nhưng bản chất là mua đất với giá cao hơn giá được đền bù. Tái định cư vẫn chưa xong, thế mà xã rồi huyện liên tục gọi chúng tôi nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Mới đây, huyện và xã còn “dọa” sẽ cưỡng chế vào ngày 15/9”.
Ngày 10/9 vừa qua, UBND huyện Thiệu Hóa đã về đối thoại với người dân tại hội trường UBND xã Tân Châu. Theo phản ánh của người dân, những hộ dân chưa nhận tiền đền bù yêu cầu có luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ tham gia cùng nhưng không được chấp nhận, nên các hộ này đã ra về.
Trước đó, nhiều người phản ánh giấy mời dự họp được chuyển đến dân với thời gian rất gấp, tất cả được giao chỉ trước đó một ngày (9/9), thậm chí giao vào tối muộn. Nhiều ý kiến đánh giá việc mời muộn như vậy là có ý đẩy người dân vào tình thế bị động, bất lợi.
“Chúng tôi đề nghị BBTGPMB kiểm tra, rà soát lại toàn bộ quy trình thu hồi đất, quy trình xác minh nguồn gốc đất, công tác kiểm đếm tài sản và quá trình giải quyết khiếu nại hợp pháp của dân. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ dự án nhưng yêu cầu phải minh bạch, công khai, đúng luật”, anh Đoàn Văn Thắng, đại diện các hộ dân, đề nghị.
Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.