ÔNG NGUYỄN VĂN SANH VÀ HỢP TÁC XÃ DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP THANH BÌNH: KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Cập nhật: 12/03/2024 08:51

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 856 công trình thủy lợi, gồm 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 76 trạm bơm, hai tuyến đê bao. Tổng chiều dài kênh mương các loại khoảng 2.428 km, hiện đã kiên cố hóa 1.594 km, đạt 66%. Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng…

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 856 công trình thủy lợi, gồm 619 hồ chứa, 161 đập dâng, 76 trạm bơm, hai tuyến đê bao. Tổng chiều dài kênh mương các loại khoảng 2.428 km, hiện đã kiên cố hóa 1.594 km, đạt 66%. Các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được xây dựng đã lâu, nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp và bồi lắng lòng hồ, không đảm bảo năng lực phục vụ tưới và phòng, chống thiên tai. Một số công trình bị hư hỏng nặng không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời đã tạo ra nguy cơ gây thiên tai như: vỡ đập khi có mưa lớn, không đủ điều kiện tích nước gây ra hạn hán cho diện tích tưới công trình.

Trước thực tế đó và được bà con trong thôn tín nhiệm, năm 2006 ông Sanh đứng ra thành lập Hợp tác xã Dịch vụ và Nông nghiệp Thanh Bình (sau đây viết tắt là HTX DVNN Thanh Bình) tại Buôn Triết, Xã Dur KMăl, Huyện Krông A Na, tỉnh Đắk Lắk. Trở thành Chủ nhiệm HTX DVNN Thanh Bình là một “nghề” mới giữa bộn bề, nặng nhọc lo toan, nhưng ông Sanh đã chịu khó học tập, trau dồi kiến thức, không ngừng nỗ lực vươn lên để vừa “Đảm việc nước, giỏi việc nhà”. Sau những nỗ lực không ngừng, ông Sanh được Cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng giao cho tiếp quản hai trạm biến áp và hai máy bơm phao. Trên cơ sở đó, ông Sanh vận động các thành viên góp vốn, đầu tư trạm biến áp, kéo đường dây điện để lắp đặt trạm bơm đưa nước về ruộng, phục vụ bà con sản xuất hai vụ. Hiện HTX DVNN Thanh Bình đã xây dựng được 6 trạm biến áp, 40 km đường dây hạ thế, lắp đặt hơn 100 máy bơm lớn, nhỏ trải dài trên cánh đồng từ thôn Buôn Triết đến các buôn Krông, Kmăl, Tu 1 của xã Dur Kmăl. Hoàn toàn bằng nguồn vốn của HTX tự bỏ vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Sanh đã vận động các thành viên góp vốn, đầu tư lắp đặt máy bơm nước trên cánh đồng để phục vụ bà con sản xuất.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình ‘‘DO DÂN VÌ DÂN PHỤC VỤ’’

HTX DVNN Thanh Bình ra đời mang theo sứ mệnh là một hợp tác xã tiên tiến, hội nhập, với tinh thần luôn giúp đỡ Nhân dân, đặt mục tiêu vì lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu. Với những ý tưởng táo bạo, dám nghĩ dám làm, khi vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi, kênh mương tưới tiêu… Đã giúp cho vùng đất trũng, sình lầy, lau sậy um tùm Buôn Triết, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk thay da đổi thịt. Lãnh đạo HTX và các hội viên chia sẻ: Từ khi thành lập HTX cho đến nay, chúng tôi luôn nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của chính quyền địa phương và người dân. Tất cả các thông tin, các khoản thu chi vận hành hệ thống thủy lợi đều được chúng tôi thông báo đến người dân, qua các cuộc họp trực tiếp và được người nhất trí đồng thuận. Nhờ sự đoàn kết minh bạch đó, thôn Buôn Triết đã đổi thay từng ngày, nhiều hộ dân trong thôn đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những diện tích trước năm 1991 bị bỏ hoang nay đã thay bằng cánh đồng lúa; từ 300 ha lúa một vụ nay đã phát triển hơn 1.000 ha lúa hai vụ. Dân số cũng tăng từ 100 hộ lên gần 400 hộ, với hơn 1.700 khẩu. Bà con giờ đây, không chỉ trồng lúa mà còn phát triển thêm một số loại cây trồng khác như: khoai lang, đậu đỗ các loại, bí, chanh dây… và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi năm thôn cung cấp ra thị trường từ 8.000 – 9.000 nghìn tấn lúa, 3.000 tấn khoai lang, chưa kể các loại nông sản khác.

Song song với việc không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh và vận hành hệ thống thủy lợi cấp nước cho người dân, HTX DVNN Thanh Bình còn luôn luôn chấp hành đầy đủ các chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát tài sản của Nhà nước và của HTX, không để xảy ra tai nạn trong lao động. Bảo vệ tốt vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Thực hiện đầy đủ chế độ thuế và chế độ nộp ngân sách Nhà nước. Ông Sanh còn ủng hộ 01 mái vòm Trường tiểu học làng Buôn Triết  trị giá 42 triệu đồng để cho các cháu có sân chơi, ủng hộ 60 triệu đồng mua đất xây dựng hội trường thôn Buôn Triết và các khoản hỗ trợ khác cho các tổ chức, các Sở ban ngành tại địa phương.

Tích cực tham gia các hoạt động xã hội thông qua việc thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, Hợp tác xã còn trích ra kinh phí nhất định thực hiện công tác xã hội, giúp đỡ người có công, nghèo khó, yếu thế trong xã hội, tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 trong những năm bùng phát dịch bệnh, đào tạo lớp lao động trẻ ở địa phương, Tặng quà cho các gia đình chính sách, ủng hộ quà tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi ở địa phương. Hưởng ứng các phong trào văn nghệ, TDTT do địa phương tổ chức và đã được UBND huyện Krông Ana đánh giá rất cao. Phát huy những thành tích đạt được, trong thời gian tới, HTX DVNN Thanh Bình quyết tâm nỗ lực phấn đấu hơn nữa để ngày càng tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường hội nhập cùng sự phát triển của đất nước.

                                                                                                                          Hoàng Thanh

Tin liên quan