Phó Thủ tướng Thường trực: Dữ liệu dân cư phải bảo đảm an ninh, an toàn, “đúng, đủ, sạch, sống”

Cập nhật: 24/04/2021 08:51

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện thực hiện Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn; bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình. Ảnh: L.S

Ngày 23/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896), giai đoạn 2013-2020 đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, sự ra đời của Đề án 896 đã tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả lĩnh vực.

Dự án xây dựng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được xác định là hai dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính.

Theo đó, gần 45.000 cán bộ công an chính quy được tăng cường xuống xã, bảo đảm thu thập, bổ sung, cập nhật thông tin dân cư hằng ngày ngay từ địa bàn cơ sở.

Thu nhận trên 30 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, cho biết, đến tháng 3 vừa qua, đã thu thập được trên 86,6 triệu phiếu dân cư 01 của 59/63 địa phương.

Ngành đã tiến hành chuyển đổi, đồng bộ dữ liệu của 4 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Tây Ninh đã có sẵn là hơn 11,2 triệu phiếu dân cư 01 (đạt 99,06%); cập nhật được trên 16 triệu phiếu dân cư 02.

Bộ Công an đã hướng dẫn, chỉ đạo công an các địa phương tổ chức 6.000 lượt kiểm tra, phúc tra bảo đảm dữ liệu thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.

“Nhờ có sự lồng ghép 2 dự án, qua đó giảm so với dự toán đã được phê duyệt khoảng 1.300 tỷ đồng mà vẫn bảo đảm hiệu quả, tiến độ đề ra”, Thượng tá Tô Anh Dũng nhấn mạnh.

Ông Dũng cũng cho hay, Bộ Công an đã chỉ đạo cải cách tối đa thủ tục cấp căn cước cho công dân. Theo đó, người dân không phải kê khai bất cứ loại giấy tờ gì khi làm thủ tục, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức rất lớn.

Trong thời gian từ 1/3 đến nay, trên toàn quốc đã thu nhận trên 30 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, phấn đấu đến ngày 1/7/2021, cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp phục vụ giao dịch của Nhân dân.

“Đây chính là cốt lõi để cải cách hành chính, giảm giấy tờ công dân”, Thượng tá Tô Anh Dũng nói.

Phổ cập danh tính số cho mọi người dân, tạo nền tảng kinh tế số, xã hội số

Phát biểu kết luận, bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

 Toàn cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án 896. Ảnh: Đ.X

Đơn cử, việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế và dữ liệu giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn gặp nhiều khó khăn.

Hay chưa có cơ chế thống nhất, hợp lý xử lý đối với các trường hợp dữ liệu công dân có sai lệch (sai thông tin giữa chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân với hộ khẩu hoặc trong các giấy tờ này chỉ có thông tin về năm sinh mà không có thông tin về ngày, tháng sinh), dẫn đến gia tăng thủ tục hành chính không đáng có, gây sức ép cho người dân, khó đảm bảo chất lượng đăng ký hộ tịch.

Để hoàn thành việc xây dựng Chính phủ điện tử trong thời gian tiếp theo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện thực hiện Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn; bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh quá trình kết nối, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để phổ cập danh tính số cho mọi người dân, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế….

Tổng hợp kết quả rà soát của 22 bộ, ngành, đến nay trong tổng số 1.934 thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa đối với 1.126 thủ tục hành chính, chiếm tỷ lệ 58,2%.

Đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 34 thủ tục hành chính, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 28 thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ của 1.042 thủ tục, sửa nội dung 812 mẫu đơn, 201 tờ khai và đơn giản hóa 22 giấy tờ công dân.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Văn phòng Ban Chỉ đạo 896/CP đã thực hiện rà soát độc lập và đã có công văn gửi từng bộ, ngành nhận xét đối với kết quả rà soát. Theo đó, đã đề xuất rà soát bổ sung đối với 399 thủ tục, đề xuất các phương án đơn giản hóa mạnh mẽ hơn đối với 406 thủ tục, nâng tổng số thủ tục có phương án lên 1.525 thủ tục.

theo Hương Giang – Báo Thanh tra

Tin liên quan