Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). (Ảnh: Cổng TTĐTQH) |
Trước khi bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Về một trong những nội dung được quan tâm nhất tại dự thảo Luật là phân quyền, phân cấp, ủy quyền, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm các nội dung về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật đã được thiết kế đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về phân quyền, trong đó xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận quyền được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội; đối với những vấn đề đã phân quyền cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc phân quyền quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương chủ động quyết định, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền.
Về phân cấp, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và xác định rõ về chủ thể phân cấp, chủ thể nhận phân cấp và trách nhiệm của các chủ thể này; cách thức thực hiện việc phân cấp. Trên cơ sở nguyên tắc phân cấp tại Luật này, khi thực hiện phân quyền, phân cấp, văn bản pháp luật chuyên ngành sẽ xác định cụ thể các vấn đề không được phân cấp.
Về ủy quyền, các nội dung trong dự thảo Luật đã được thiết kế đồng bộ với quy định tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), theo đó xác định rõ chủ thể ủy quyền, chủ thể được ủy quyền và trách nhiệm của các chủ thể này; cách thức, nội dung, phạm vi, thời hạn ủy quyền và các điều kiện mang tính nguyên tắc trong việc thực hiện ủy quyền. Những quy định nêu trên trong dự thảo Luật đã thể hiện yêu cầu mà đại biểu QH đã nêu.
Về ý kiến đề nghị quy định việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền phải rành mạch, rõ ràng, đồng bộ, toàn diện, triệt để, có liên đới chịu trách nhiệm; tăng cường giám sát của cơ quan phân cấp, phân quyền; làm rõ trường hợp cấp dưới nhận việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền mà nhận thấy không đủ điều kiện thực hiện thì có quyền từ chối hay không, UBTVQH nhận thấy trách nhiệm giám sát thực hiện phân cấp, phân quyền; cơ chế liên đới chịu trách nhiệm; cơ chế từ chối nhận phân cấp, ủy quyền đã thể hiện tại các điều khoản của Luật, bảo đảm hài hòa giữa nguyên tắc “nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của cơ quan cấp trên” và việc cơ quan, tổ chức, người nhận phân cấp, ủy quyền được chủ động trong góp ý, đề nghị điều chỉnh nội dung phân cấp, ủy quyền khi không bảo đảm điều kiện thực hiện.
Về có ý kiến đề nghị việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với việc phân bổ nguồn lực để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, UBTVQH nhận thấy ngoài bảo đảm về nguồn lực còn nhiều điều kiện cần thiết khác để phân cấp, phân quyền như nhân lực, cơ chế, thủ tục hành chính…, việc liệt kê cụ thể là không đầy đủ, do đó, nội dung này đã thể hiện bao quát về trách nhiệm bảo đảm điều kiện phân cấp, phân quyền.
Về phân cấp, có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể những nội dung Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho các Bộ, ngành, địa phương; quy định điều kiện phân cấp trong Luật để bảo đảm áp dụng thống nhất như nguồn lực tài chính, nhân sự…, UBTVQH nhận thấy, Luật Tổ chức Chính phủ là luật gốc, luật chung về phân quyền, phân cấp nên chỉ quy định những vấn đề chung mang tính nguyên tắc, các nội dung phân cấp cụ thể và điều kiện phân cấp trong từng lĩnh vực quản lý nên để pháp luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể sẽ bảo đảm linh hoạt, phù hợp với ngành, lĩnh vực và thực tiễn phát triển trong từng giai đoạn.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người phân cấp chậm trễ trong việc sửa đổi các quy định pháp luật, dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phân cấp không bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, UBTVQH nhận thấy nội dung này đã thể hiện chung trong trách nhiệm của cơ quan, người phân cấp tại khoản 4 Điều 8 trong việc “Cơ quan, người phân cấp có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp, bảo đảm các nội dung phân cấp được thực hiện hiệu lực, hiệu quả”. Việc liệt kê trong Luật sẽ không bảo đảm đầy đủ, bao quát các tình huống phát sinh trên thực tế.
Về ủy quyền, để bảo đảm thống nhất giữa các điều khoản 3 trong Luật, UBTVQH quy định như sau “4. Người ủy quyền… chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình ủy quyền, trừ trường hợp cơ quan, người được ủy quyền thực hiện không đúng nội dung, phạm vi, thời hạn đã được ủy quyền quy định tại khoản 5 Điều này.” để làm rõ trường hợp mà chủ thể ủy quyền không phải chịu trách nhiệm do sai phạm của chủ thể nhận ủy quyền.
Có ý kiến đề nghị giới hạn thời gian ủy quyền tối đa theo hướng bổ sung khoản 7 nội dung: Thời hạn ủy quyền không quá 3 năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, sau thời hạn này thì việc tiếp tục ủy quyền phải được xem xét, đánh giá lại; giới hạn phạm vi ủy quyền như sau: chỉ ủy quyền các nhiệm vụ hành chính thông thường, không ủy quyền các nhiệm vụ quyết định chính sách vĩ mô. UBTVQH nhận thấy chưa có cơ sở để xác định thời hạn tối đa 3 năm cho việc ủy quyền vì thực tiễn quản lý rất đa dạng, phức tạp. Việc quy định thời hạn ủy quyền phải được quy định cụ thể trong văn bản ủy quyền là phù hợp với các trường hợp ủy quyền cụ thể, tránh quy định cứng trong Luật gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đối với quy định giới hạn phạm vi ủy quyền, UBTVQH đề nghị nội dung này nên điều chỉnh trong pháp luật chuyên ngành để phù hợp với phạm vi và yêu cầu quản lý.