Xử lý rốt ráo những chồng chéo, mâu thuẫn
Nhấn mạnh đất đai và quản lý đất đai là lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, liên quan đến mọi mặt đời sống và là mối quan tâm của từng người dân, tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan về kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ: việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm đã góp phần giải quyết nhiều tồn tại, vướng mắc hiện nay về quản lý đất đai; đồng thời, góp phần kiến tạo cho sự phát triển sắp tới với tư duy, quan điểm mới và đột phá.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: để Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Tổ biên tập Dự án Luật và các đơn vị liên quan rà soát các quy định, đề xuất xây dựng các nghị định, nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; mặt khác, tiến hành rà soát các luật, quy định liên quan, tham mưu Chính phủ chỉ đạo sửa đổi để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi). Theo dự kiến, sẽ xây dựng các dự thảo nghị định về các vấn đề liên quan như: quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; quy định về giá đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định về điều tra cơ bản đất đai; về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai… để lấy ý kiến các địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung nghiên cứu ngay và có lộ trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn. Trong đó, quan trọng nhất là phải tổ chức xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương để đến ngày 1.1.2025, khi Luật chính thức có hiệu lực thì phải có sự đồng bộ giữa nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, ngành và quy định của UBND tỉnh, thành phố, bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, để luật đi vào đời sống, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, thống kê những nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai (sửa đổi) với các đạo luật khác như: Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công chứng, Luật Khoáng sản, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… cũng như các ngành liên quan khác.
Cụ thể, liên quan đến vấn đề quy hoạch, luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) chỉ rõ: về nguyên tắc, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng phải có sự thống nhất cả về không gian, thời gian, phù hợp mục đích sử dụng đất và hỗ trợ nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại quy hoạch. Tuy nhiên, chưa có quy định về mối liên quan giữa việc thực hiện của 2 loại quy hoạch. Công tác lập quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng có những điểm khác biệt nhau gây khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện. Cụ thể: thời kỳ quy hoạch không thống nhất, đối với kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm còn quy hoạch xây dựng có nhiều kỳ gồm 5 năm, 10 năm, 20 năm và dài hơn tùy theo từng tỷ lệ lập quy hoạch…
Liên quan đến giao, cho thuê và sử dụng đất, thực tế công tác giao đất, cho thuê đất vào mục đích chuyên dùng và đất ở tại các địa phương còn xảy ra tình trạng nhiều công trình sử dụng đất không đúng mục đích so với quyết định giao đất, cho thuê đất, gây ảnh hưởng đến quy hoạch chung cũng như nhiều bất cập khác.
Nhiều trường hợp trước đây giao đất để xây dựng công trình khi chưa có quy hoạch tổng thể hay kế hoạch sử dụng đất dẫn đến không bảo đảm điều kiện kết cấu hạ tầng cũng như các điều kiện về vệ sinh môi trường; chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Việc sử dụng đất cũng có nhiều sai phạm, như: sử dụng không đúng mục đích được giao; sai diện tích, vị trí; không đúng tiến độ; không sử dụng đất hoặc bỏ hoang… Do đó, cần có thống kê, rà soát, phân loại để xử lý từng trường hợp, vì có sự khác biệt giữa Luật mới và cũ, nếu không xử lý triệt để, rốt ráo sẽ rất khó cho việc triển khai các trường hợp tồn đọng về sau.
Cụ thể cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các bên liên quan
Luật Đất đai (sửa đổi) đã có quy định về tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các bên liên quan nên sẽ rất khó triển khai khi luật có hiệu lực. Vì vậy, việc ban hành quy trình cụ thể để sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và đơn vị thiết kế, thi công chặt chẽ, hiệu quả, giúp việc triển khai các dự án được đẩy nhanh sớm đưa vào khai thác, sử dụng là cần thiết.
Cũng theo nhiều chuyên gia luật, để Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, cần nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ tài nguyên và môi trường, nhất là cán bộ ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa. Quan tâm tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này. Bởi, trình độ của đội ngũ này nếu không sớm được nâng cao để đáp ứng yêu cầu mới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa Luật vào cuộc sống. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm về đất đai, gây khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, đặc biệt trong giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.