22 năm chờ đền bù
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Ngô Đình Nhã (62 tuổi) sinh sống trên đất quy hoạch Khu di tích Bến Đình, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh từ trước thời điểm Dự án công bố quy hoạch vào năm 1998. Hiện tại, ông Nhã bị bệnh tai biến đã 3 năm, từ đó đến nay chỉ quẩn quanh ở nhà trong coi tiệm tạp hóa nhỏ.
Nhà có hơn 2 công đất đều nằm hết vào quy hoạch nên giờ ông Nhã cũng không biết đi đâu, cứ chờ đợi dự án triển khai, được bồi thường để tìm nơi khác sinh sống.
Tuy nhiên, đã 22 năm trôi qua, từ lúc khỏe mạnh đến khi đổ bệnh và từ lúc hai đứa con còn nhỏ, nay đều đã trưởng thành, đứa đi học đại học, đứa ra trường đi làm, mà dự án quy hoạch vẫn dậm chân tại chỗ.
Chung cảnh ngộ, gia đình ông Phan Văn Ga có hơn 2ha nằm trong quy hoạch, trong đó có 500 cây cao su đã 9 năm tuổi cho thu hoạch khá tốt.
Theo ông Ga, số cây cao su này, cộng với diện tích vườn cao su còn lại không nằm không quy hoạch, mỗi tháng gia đình ông thu nhập được 30 triệu đồng, giờ cứ nơm nớp chuyện quy hoạch, nên số cây cao su xác định nằm trong quy hoạch, gia đình cũng không thiết tha chăm sóc, lượng mủ cao su cũng giảm đi, đồng nghĩa thu nhập giảm theo. Ngoài ra, căn nhà duy nhất mà gia đình ông Ga đang ở cũng nằm trên đất quy hoạch.
Tương tự, gia đình bà Cao Thanh Thủy có một ngôi nhà nằm trên đất quy hoạch Khu di tích. Hiện nhà đã xuống cấp, hư dột, nhưng đã mấy chục năm qua, không thể xây cất lại căn nhà trên mảnh đất cũ do vướng quy hoạch, bà đành phải tìm mảnh đất ngoài quy hoạch để mua lại, xây cất nhà mới.
“Dự án treo quá lâu, Nhà nước có làm thì làm, dân đồng thuận ủng hộ chủ trương chung, còn không làm thì xóa quy hoạch, để dân an tâm sinh sống, làm ăn, chứ dở dở ương ương, mọi giao dịch nhà đất đều ngưng trệ”, bà Thủy bức xúc phản ánh.
Không có điều kiện kinh tế để mua đất ngoài quy hoạch xây cất nhà mới, gia đình ông Cao Thanh Hiền và bà Võ Thị Kim Thoa làm liều xây nhà mới trên đúng vị trí ngôi nhà cũ, dù pháp luật không cho phép.
“Nhà gần sập đến nơi, không thể ngồi chờ ngày nhận bồi thường, di dời nơi khác”, bà Thoa bức xúc chia sẻ.
Chưa bồi thường vì… kinh phí quá lớn
Trao đổi với PV, ông Lê Việt Thành – Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 1998, Dự án quy hoạch Khu di tích Bến Đình được công bố, qua công tác khảo sát, dự toán sơ bộ tổng chi phí bồi thường cho các hộ dân nằm trong Dự án quy hoạch Khu di tích lên đến cả trăm tỷ đồng, do số kinh phí quá lớn, nên cho đến nay, vẫn chưa triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Phước – Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, 31 hộ dân định cư ở đây từ xưa đến giờ và từ ngày công bố quy hoạch đến nay họ không thể giao dịch mua bán, chuyển nhượng đất đai, xây dựng nhà cửa trên diện tích quy hoạch khoanh vùng bảo vệ Khu di tích là 7,8 ha…
Theo tỉnh Tây Ninh, khu di tích Bến Đình là một địa điểm khảo cổ học còn lưu lại những phế tích của các công trình xây dựng đền tháp cổ. Trong quá trình điều tra, khảo sát và nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ít nhất 4 chân tháp cổ ở gò đất cao 5m. Trong đó, trung tâm là Miễu Bà.
Những dữ kiện thu được ở Khu di tích Bến Đình là một di tích quan trọng, có thể đây vừa là di tích cảng thị, vừa là khu vực xây dựng nhiều đền đài thờ cúng thuộc thời văn hóa Óc Eo trên vùng đất Tây Ninh nói riêng, vừa cho cả khu vực Nam bộ nói chung. Khu di tích Bến Đình được công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh theo Quyết định số 72, ngày 13/6/1998 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.
Theo Bùi Tư – Nguyên Vũ (Báo giao thông)