Thà thêm một lần đau

Cập nhật: 09/06/2022 08:40

Đợt dịch COVID-19 bùng phát trên cả nước, đã khiến hơn 43 ngàn người thiệt mạng. Nhiều đời sau, con cháu chúng ta cũng sẽ vẫn còn nhắc lại cảnh tượng đau đớn, xót xa …

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc,Nguyễn Thanh Long.

Trong trận chiến với dịch bệnh ấy, lực lượng chủ chốt là cán bộ, nhân viên y tế, là cán bộ nghiên cứu khoa học, là những đơn vị phân phối thiết bị vật tư y tế… Sự quên mình, nhiệt tình, vì sự nguy nan của giống nòi của lực lượng chủ lực này, đã góp công lớn đẩy lùi dịch bệnh.

Thế nhưng, vẫn có một số “con sâu làm rầu nồi canh”, những đối tượng cơ hội lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Như vụ án Cty Việt Á, mới đây điều tra mở rộng vụ này, ngày 7/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng KH&CN, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Phạm Công Tạc (nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo khoản 3 Điều 219 BLHS.

CQĐT cũng khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét với Nguyễn Thanh Long (nguyên Bộ trưởng Y tế) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 3 Điều 356 BLHS.

Ba người có chức vụ tương đương Bộ trưởng, Thứ trưởng cùng bị bắt một lúc vì liên quan đến cùng một vụ án. Đó là những người rất giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nên mới được giữ chức vụ đứng đầu ngành Y tế, KH&CN của cả một đất nước. Nhưng họ đã không vượt qua được sự cám dỗ của một doanh nghiệp. Đó quả là một điều đau xót.

Câu chuyện chắc chắn sẽ chưa dừng lại. Bởi cùng khoảng thời gian này, chiều 6/6, với 88% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình giám sát năm 2023. Nội dung giám sát tối cao về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực chống dịch sẽ được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (giữa năm 2023).

Có ý kiến đề nghị giới hạn phạm vi giám sát của chuyên đề huy động nguồn lực chống dịch; tập trung vào thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, chế độ, chính sách với nhân lực làm công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng. Có ý kiến cho rằng vấn đề huy động nguồn lực chống dịch đã được các cơ quan kiểm toán, thanh tra trong năm 2021.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hiệu quả của việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực chống dịch được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm. Đa số đại biểu Quốc hội lựa chọn chuyên đề này (62%). Kết quả kiểm toán, thanh tra nội dung này là nguồn tư liệu quan trọng để Quốc hội có cơ sở giám sát tối cao toàn diện hơn. Hơn nữa, công tác chống dịch thời gian qua bộc lộ nhiều vấn đề liên quan y tế cơ sở, y tế dự phòng, do đó việc giám sát kết hợp như chuyên đề sẽ có cái nhìn tổng quan, đầy đủ, góp phần hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, dự phòng.

Trước đó, ngày 23/5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ khẩn trương báo cáo Quốc hội kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống COVID-19, chỉ rõ hạn chế. Ủy ban Kinh tế đánh giá, công tác chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng. Năng lực y tế, nhất là cơ sở còn bất cập, sai phạm về đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế “xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng”. Đất nước đã đau đớn vì COVID-19; nên thà thêm một lần đau nữa, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, để đất nước không phải một lần nữa đối mặt với những tình huống tương tự.

theo Minh Khang – Báo Pháp luật VN

Tin liên quan