Khởi kiện vì không được bồi thường khi thu hồi đất
Như PLVN đã thông tin, khi thực hiện dự án cải tạo nâng cấp Tỉnh lộ 331B, UBND TX Quảng Yên từ chối bồi thường một số diện tích đất của dân do cho rằng đây là hành lang giao thông. Trong khi đó, các hộ dân cho rằng diện tích đất này họ đã được đứng tên trong hồ sơ, sổ sách địa chính và đã được UBND huyện Yên Hưng (trước đây) và UBND TX Quảng Yên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN).
Đơn cử, hộ ông Nguyễn Văn Cư và bà Phạm Thị Thu (khu Thống Nhất 3, phường Tân An) được UBND TX cấp GCN với 90m2 tại thửa số 822, tờ bản đồ P44. Sau khi bị thu hồi giải phóng mặt bằng, diện tích của gia đình ông Cư còn lại 39,4m2 (tức là diện tích đất thể hiện trên GCN đã bị “cắt” 60,6m2, thực tế là 64,5m2).
Tuy nhiên, gia đình ông Cư chỉ được UBND TX công nhận và bồi thường với 16,5m2 đất ở. Còn hơn 48 m2 đất bị lấy để làm đường thì UBND TX từ chối bồi thường với lý do “là đất hành lang giao thông nằm ngoài GCN” (15,7m2) và “đất đã bị cắt trừ hành lang giao thông nằm ngoài GCN” (32,3m2).
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thư và Nguyễn Thị Thương (con gái ông Cư) cũng được UBND TX cấp GCN tại thửa số 508 với diện tích 275m2. Nhưng khi thực hiện dự án cải tạo đường, UBND TX cho rằng hiện trạng thửa đất chỉ còn 266,2 m2 (tức bị hụt hơn 9m2 mà không rõ lý do).
Sau khi cắm mốc giới, UBND TX xác định diện tích còn lại của thửa đất số 508 là 187,4 m2. Như vậy, trên thực tế, chị Thư và chị Thương đã bị lấy 78,8m2 đất nhưng lại chỉ được bồi thường 11,4m2. Diện tích 67,4 m2 “đất còn lại, UBND TX cũng không bồi thường vì cho rằng “đất hành lang giao thông nằm ngoài GCN” (25,1m2) hoặc “đất đã bị cắt trừ hành lang giao thông nằm ngoài GCN” (42,3m2).
Thấy gì qua việc Tòa xem xét thực địa?
Chị Thư cho biết, toàn bộ diện tích đất đã được bố mẹ chị sử dụng ổn định hàng chục năm nay, được UBND huyện Yên Hưng (cũ) cấp GCN với 365m2 vào năm 1993. Ranh giới, diện tích thửa đất được tính sát mép đường cũ. Năm 2011, thửa đất này được gia đình thực hiện thủ tục tách thành hai thửa (1 thửa rộng 275 m2; 1 thửa rộng 90m2) và vẫn sử dụng đất đến mép đường cũ.
Nhưng khi thực hiện thu hồi đất, mở rộng đường thì Trung tâm Phát triển quỹ đất và UBND TX lại cắt trừ khoảng 4m đất tính từ mép đường vào và gọi đây là “hành lang giao thông” nên không bồi thường. Tổng cộng, đã có hơn 115 m2 đất do gia đình chị sử dụng hợp pháp, được cấp GCN từ năm 1993 nhưng bị từ chối bồi thường thiếu căn cứ.
Thông tin về việc xem xét, thẩm định tại chỗ của TAND tỉnh Quảng Ninh vào cuối tháng 9/2020, chị Thư cho biết thêm, với sự có mặt của bên khởi kiện, người bảo vệ quyền lợi bên bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đơn vị đo đạc đã tiến hành xác định ranh giới, diện tích đất ở bị thu hồi. Kết quả cho thấy, thửa đất 508, bản đồ địa chính số 44, bản đồ 1995 xã Tân An (thửa đất cũ khi chưa tách thửa) rộng 365m2, có ranh giới tới sát mép đường cũ.
Với chứng cứ do Tòa thực hiện như trên, chị Thư tiếp tục cho rằng diện tích hơn 100m2 mà gia đình chị đang bị từ chối bồi thường đã có hồ sơ, sổ sách địa chính hợp pháp nên đủ điều kiện bồi thường. Kết quả thẩm định của Tòa cũng phù hợp với nội dung văn bản của UBND xã Tân An (do Chủ tịch Nguyễn Quang Tuyến ký) từng trả lời chị Thư rằng “diện tích 42,3m2 (tức diện tích đất mà chị Thư đang bị từ chối bồi thường-NV) đất thuộc thửa đất số 508, tờ bản đồ địa chính số P44 đo đạc năm 1995”.
“Cho đến trước năm 2019, không có bất cứ dự án mở rộng hành lang đường nào lấy vào đất của gia đình tôi. Thế nhưng không hiểu căn cứ vào đâu, cơ quan chức năng lại cho rằng “khi cấp GCN đã cắt trừ hành lang giao thông”? Rồi khi tiến hành thu hồi đất, đền bù GPMB năm 2019, Trung tâm Phát triển quỹ đất và UBND TX cũng “đẩy” thửa đất vào phía trong (cách vị trí cũ 4m)? Tôi cho rằng những nội dung này cần được bên bị kiện giải trình, trả lời rõ ràng”, chị Thư nói.